Viêm đại tràng do dùng kháng sinh
Viêm đại tràng, trong đó hay gặp là viêm đại tràng giả mạc (pseudomembranous colitis) là biến chứng bởi tác dụng phụ của một số thuốc kháng sinh xảy ra ở một số người. Đây là một tác dụng phụ hay gặp, có thể chiếm tới 20% số người sử dụng thuốc kháng sinh.
Vì sao dùng kháng sinh có thể gây viêm đại tràng giả mạc?
Kháng sinh cũng như một số loại thuốc khác (kể cả thuốc đông dược) cũng có thể gây nên tác dụng phụ. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh chỉ gặp ở một số người dùng kháng sinh kéo dài và chủ yếu theo đường uống. Chúng ta biết rằng trong hệ tiêu hóa của người có rất nhiều vi khuẩn được xếp thành 2 loại là vi khuẩn gram dương và vi khuẩn gram âm. Hai loại vi khuẩn này đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của đường ruột và được gọi là vi khuẩn chí. Vi khuẩn chí có vai trò hết sức quan trọng trong điều hòa tiêu hóa thức ăn, chúng tiết ra một số enzym, vitamin.
Tỷ lệ bình thường giữa hai loại này là 3/7 (vi khuẩn gram dương là 30% và vi khuẩn gram âm là 70%). Khi mất sự cân bằng này sẽ xuất hiện rối loạn tiêu hóa (viêm đại tràng biểu hiện nhiều dạng khác nhau và nhiều triệu chứng khác nhau). Sự mất cân bằng hệ sinh thái của đường ruột có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó chủ yếu là do sử dụng kháng sinh đường uống hoặc dùng hóa chất điều trị ung thư.
Trong số vi khuẩn đóng vai trò vi khuẩn chí đó có một số vi khuẩn mà bình thường không gây bệnh và có lợi cho cơ thể nhưng khi gặp điều kiện không thuận lợi thì chúng trở nên gây bệnh (gọi là gây bệnh cơ hội), trong đó có vi khuẩn clostridium difficil (Cl.difficil). Khi dùng kháng sinh quá liều, dài ngày thì kháng sinh sẽ tiêu diệt một số vi khuẩn trong hệ vi khuẩn chí đường ruột nhưng riêng vi khuẩn Cl.difficil ít bị tiêu diệt hoặc không bị tiêu diệt do chúng có khả năng đề kháng với kháng sinh, vì vậy, chúng càng phát triển mạnh do không có vi khuẩn khác cạnh tranh, khi có mặt của một số kháng sinh.
Vi khuẩn Cl.dificil là loại vi khuẩn kỵ khí, có nha bào, vì vậy, sức đề kháng rất tốt khi ra bên ngoài cũng như khi ở trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn Cl.difficil sẽ sản sinh ra độc tố ruột và độc tố gây độc tế bào. Độc tố tác động vào niêm mạc đại tràng gây viêm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng. Giả mạc này mềm, dễ bong và khi bong ra sẽ để lại viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc. Vì vậy, một trường hợp sau khi dùng kháng sinh (vài ngày) hoặc dùng một thời gian mấy tuần hoặc đã ngưng dùng thuốc kháng sinh mà thấy đi ngoài ra máu nên nghĩ đến tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
Không phải người nào dùng kháng sinh cũng gây nên viêm đại tràng giả mạc hoặc không phải loại kháng sinh nào cũng có tác dụng phụ gây viêm đại tràng giả mạc mà chỉ gặp ở một số người và một số kháng sinh mà thôi. Người ta thống kê cho thấy loại kháng sinh nhóm beta-lactamin, phân nhóm cephalosporin, phân nhóm penicillin hoặc kháng sinh nhóm lincosamide. Phân nhóm cephalosporin hay gặp nhất là loại kháng sinh thế hệ 3, phân nhóm penicillin hay gặp nhất là ampicillin và amoxicillin, nhóm lincosamide hay gặp là clindamicin, dalacin C. Ngoài ra, cũng có thể gặp erythromicin (macrolid), ciprofloxacin (fluoroquinolon), tetracyclin…có thể gây nên tác dụng phụ viêm đại tràng.
Triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc
Tuỳ theo mức độ nặng hay nhẹ của bệnh mà các triệu chứng có biểu hiện khác nhau. Người bệnh có thể sốt. Sốt có khi lên tới 38-39oC. Đôi khi có nôn hoặc buồn nôn, đau bụng. Đau bụng có thể là đau âm ỉ hoặc đau quặn hay đau từng cơn. Phân có khi lỏng, có khi rắn, có thể có máu hoặc có chất nhày và mủ kèm theo. Việc xác định viêm đại tràng ngoài các dấu hiệu lâm sàng thì có thể kiểm tra hệ vi khuẩn chí bằng phương pháp nuôi cấy phân, nhuộm gram, soi kính hiển vi quang học để xác định tỷ lệ vi khuẩn gram dương và vi khuẩn gram âm.
Tuy vậy, phương pháp này chỉ mang tính chất giúp xác định có bị loạn khuẩn đường ruột hay không, thông qua đó biết được tỷ lệ vi khuẩn gram âm chiếm tỷ lệ cao hay thấp để suy ra vi khuẩn Cl.difficil có trong đó. Để chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc có thể nội soi có gắn hệ thống camera giúp quan sát và đánh giá niêm mạc một cách toàn diện. Sau khi quan sát có thể lấy mẫu bệnh phẩm bằng sinh thiết để chẩn đoán giải phẫu bệnh. Biến chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể đưa đến mất nước, chất điện giải do đi lỏng nhiều lần. Do tác động của độc tố vi khuẩn nên có thể gây nên hiện tượng phình đại tràng hoặc gây thủng ruột (tỷ lệ thấp).
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165132 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66991 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46413 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36529 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30855 lượt xem )