Thận trọng với những vết bầm tím trên da

Gửi lúc 15:20' 22/08/2016

Mỗi khi nhìn thấy vết bầm tím trên da, nhiều người thường nghĩ ngay đến nguyên nhân ngã hay va đập vào đâu đó. Thực tế vẫn còn nhiều lý do khác dẫn đến tình trạng này.

Đầu gối, bắp đùi tím đen vô cớ

 

Xuất huyết dưới da là hiện tượng phổ biến, diễn ra tự nhiên do thiếu vitamin, axit folic,… nhưng cũng cần đề phòng những trường hợp vết bầm không đau, không ngứa này lại là biểu hiện bệnh lý nguy hiểm như bệnh đa hồng cầu, xơ gan,...

Khi bị chấn thương, các mạch máu nhỏ sẽ bị vỡ, máu thoát ra ngoài, tụ lại dưới da và hình thành nên máu bầm hay còn gọi là xuất huyết dưới da.

Bầm tím trên da có thể chỉ đơn thuần là tổn thương thành mạch sau chấn thương, ngoài ra còn có thể do những nguyên nhân gây rối loạn quá trình đông máu như giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu, rối loạn các yếu tố đông máu hoặc tổn thương thành mạch mắc phải. Do thiếu vitamin, dùng thuốc, di truyền từ mẹ,… Khi cơ thể không sản xuất đủ tiểu cầu hoặc tiểu huyết cầu không đảm đương vai trò thì dù không có va chạm thương tích tình trạng xuất huyết dưới da rất dễ xảy ra.

Đặc biệt, trong một số trường hợp bầm tím có thể dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Vì thế, để biết chính xác nguyên nhân vết bẩm, cần xét nghiệm máu để xem lượng tiểu huyết cầu có bình thường hay không.

Đối tượng dễ bị bầm tím da nhất là phụ nữ, người già và trẻ em, những vết bầm thường tập trung ở vùng bắp đùi, bắp tay bởi lớp da mỏng hơn nên rất dễ bị tổn thương.

Bác sĩ khuyên, dù đa phần vết bầm tím da lành tính nhưng cũng không nên coi thường. Khi thấy vết bầm dưới da, nhiều người thường chủ quan không đi điều trị. Với những vết bầm thông thường có thể đỏ tím, hơi đau và sẽ tự hết sau một thời gian.

Tuy nhiên, nếu thấy xuất hiện nhiều vết tụ máu dưới da mà không có lý do gì rõ ràng hoặc những vết bầm máu đã tan sau đó cứ bị tái phát thường xuyên, cần đến ngay các bệnh viện để kiểm tra máu vì có thể có các bệnh lý cần được bác sĩ xác định và điều trị.