Chớ coi thường vết bầm tím trên da
Khi phát hiện vết bầm tím trên da, bạn thường nghĩ chắc hẳn mình đã va vấp vào đâu đó. Nhưng thực tế, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này và những vết bầm tím có thể là dấu hiệu đáng lo ngại.
Nguyên nhân bầm tím
Xuất huyết dưới da là hiện tượng phổ biến, thông thường do sự va đập hoặc diễn ra tự nhiên do thiếu vitamin, axit folic,… Nhưng vết bầm tím không đau, không ngứa này cũng có thể lại là biểu hiện bệnh lý về máu.
Khi nhìn thấy vết bầm tím do tụ máu trên da, bạn cần phải biết rằng máu (chủ yếu là hồng cầu) đã thoát ra khỏi mạch máu và tiếp theo sẽ là hàng loạt các phản ứng nối tiếp nhau một cách nhanh chóng, nhằm tạo ra một nút cầm máu ở tại chỗ bị thương để ngăn ngừa chảy máu tiếp cũng như hàn gắn vết thương, sau cùng lập lại sự lưu thông bình thường. Quá trình trên là sự tương tác rất phức tạp của nhiều yếu tố như thành mạch, tiểu cầu và các yếu tố đông máu.
Như vậy bầm máu trên da có thể chỉ đơn thuần là tổn thương thành mạch sau chấn thương, va chạm, tụ máu sau phẫu thuật, sau tiêm truyền, ngoài ra còn có thể do các bệnh lý như bệnh Scobut hay còn gọi là bệnh thiếu vitamin C… khiến cơ thể không sản xuất đủ tiểu huyết cầu hoặc tiểu huyết cầu không đảm bảo vai trò dẫn đến xuất huyết dưới da, hoặc do những nguyên nhân gây rối loạn quá trình đông máu như giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu, rối loạn các yếu tố đông máu hoặc tổn thương thành mạch mắc phải.
“Xử sự” với những vết bầm tím?
Khi thấy vết bầm dưới da, nhiều người thường chủ quan không đi điều trị. Với những vết bầm thông thường có thể đỏ tím, hơi đau và sẽ tự hết sau một thời gian.
Tuy nhiên, nếu thấy vết tụ máu xuất hiện nhiều, thường xuyên dưới da nhưng không có lý do rõ ràng, chúng ta cần đến ngay các bệnh viện để kiểm tra máu vì có thể có các bệnh lý về rối loạn đông máu cần phải được bác sĩ xác định và điều trị. Không nên coi thường tự mua thuốc uống hoặc bỏ qua. Khi cơ thể không sản xuất đủ tiểu cầu hoặc tiểu huyết cầu không đảm đương vai trò thì dù không có va chạm thương tích tình trạng xuất huyết dưới da rất dễ xảy ra. Đặc biệt, trong một số trường hợp bầm tím có thể dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Vì thế, để biết chính xác nguyên nhân vết bẩm, cần xét nghiệm máu để xem lượng tiểu huyết cầu có bình thường hay không.
Đối tượng dễ bị bầm tím da nhất là phụ nữ, người già và trẻ em, những vết bầm thường tập trung ở vùng bắp đùi, bắp tay bởi lớp da mỏng hơn nên rất dễ bị tổn thương.
Vết bầm máu thông thường có thể nhỏ hoặc lớn tuỳ theo mức độ tổn thương mạch máu, sau khoảng 2 đến 5 ngày các vết bầm này sẽ thay đổi màu sắc từ màu đỏ xậm qua màu xanh rồi màu vàng và từ từ biến mất. Với các vết bầm nhẹ, chúng ta nên dùng đá chườm lạnh ngay sau khi bị thương tổn để giúp mạch máu co lại, khiến vết thương giảm viêm, sưng và chảy máu. Với những vết bầm máu sau phẫu thuật, chúng ta có thể xịt nước khoáng kết hợp với chườm lạnh cũng giúp giảm sưng và tan máu bầm nhanh hơn. Với những vết bầm máu ở chân tay, có thể kết hợp với băng ép thành mạch, kê cao chi bị chấn thương… Bên cạnh đó cũng có thể sử dụng thêm thuốc thoa ở ngoài da trên vùng tụ máu cũng giúp tan máu bầm nhanh hơn. Lưu ý không lăn trứng gà, xoa dầu nóng lên vết máu bầm. Sự hiểu biết sai lầm này sẽ khiến vị trí chấn thương bị chảy máu nhiều và vết thương viêm nhiễm nặng hơn.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165058 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66918 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 45912 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36474 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30539 lượt xem )