Tiết lập thu - Tiết khởi đầu của vòng tuần hoàn vũ trụ

Gửi lúc 11:18' 09/08/2023

“Lập” nghĩa là thời điểm đánh dấu, xác lập. “Thu” nghĩa là mùa thu. 禾 (hé) trong tiếng Trung nghĩa là cây mạ non, thêm 火 hỏa, tức là cây lương thực đã chín. Vì vậy, từ 秋 Thu ở đây có nghĩa là thu hoạch. Lập thu là thời điểm bắt đầu bước vào mùa thu, là mùa thu hoạch các loại nông sản, lương thực, ngũ cốc theo chu kỳ phát triển của cây hay chính là một giai đoạn quan trọng trong mùa vụ nông nghiệp.

Tiết lập thu bắt đầu khi nào?

Tiết Lập thu năm 2023 được bắt đầu từ ngày 08. 08 và kết thúc vào ngày 22. 08 dương lịch. Tại ngày đầu tiên bước vào tiết Lập thu, mặt trời ở vị trí xích kinh 135 độ. Trong thực tế, thời điểm này mặt trời dịch chuyển dần về phía đường xích đạo và đi xuống phía Nam nên vì thế nửa cầu Bắc không còn ngả nhiều về phía mặt trời dẫn đến thay đổi về nhiệt độ, ánh sáng so với giai đoạn trước. Do nhận được lượng nhiệt độ và ánh sáng không còn như trước nên các hiện tượng đối lưu không khí khiến tiết trời oi bức, nóng nực, ngột ngạt không còn nữa nên tiết trời mát mẻ, dịu nhẹ, dễ chịu hơn. Người ta còn gọi loại gió mùa thu là gió heo may. Lượng hơi nước giảm, bắt đầu đánh dấu thời gian bước vào mùa khô.

Trong quãng thời gian này diễn ra sự giao tranh giữa hai luồng không khí lục địa và đại dương, khối khí đại dương vẫn còn chiếm ưu thế, chúng có thể tạo nên những cơn bão, áp thấp nhiệt đới, nhất là ở những khu vực cận xích đạo như miền Nam Việt Nam. Thời điểm từ sau tiết Lập thu nhiều loài cây cối không hoạt động mạnh nữa, chúng kết hạt, phát tán hạt và bào tử để duy trì nhân rộng nòi giống. Nhiều loại cây lương thực, ngũ cốc cũng đã chín vàng, đợi thu hoạch. Và những người nông dân bước vào thời kỳ bận rộn của một mùa thu hoạch.

Tiết lập thu có ý nghĩa như thế nào trong Đông y?

Tiết lập thu được coi là Tiết khí khởi đầu cho quá trình vận động tròn trong tự nhiên. Vào thời điểm này xuất hiện các áp lực vô hình ép nhiệt lượng trên mặt đất giáng xuống thổ. Tương tác với sự biến đổi của trời đất, vạn vật bao gồm cả con người cũng bắt đầu thu năng lượng vào trong. Cây cối, động vật giảm dần hoạt động mà kết hạt, tạo củ, hoặc tích luỹ năng lượng để chuẩn bị nghỉ đông.

Dương khí trên cơ thể con người bước vào trạng thái thu vào trong, không còn sự hoạt bát, năng động như những ngày hè nữa mà thay vào đó là trở nên trầm lặng hơn, cảm xúc thời gian này dễ buồn rầu, suy nghĩ, ứng tới tính Kim trong Ngũ hành. Mặt khác, ở tiết khí này, nhờ tính thu của vũ trụ, độ ẩm trong không khí cũng bị thu lại, giảm dần, chính vì vậy, cây cối cũng bắt đầu khô héo, lá bắt đầu rơi rụng dần, mặt đất xuất hiện các vết khô nứt. Con người cũng tương tự như vậy, bắt đầu tiết khí này, biểu hiện miệng khô, khô mũi, khô môi, khô da, khát nước nhiều hơn, rụng tóc trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, do hanh khô khiến chức năng tạng Phế suy yếu nên đây là thời điểm dễ mắc các bệnh lý về hô hấp như cảm cúm, viêm phổi, ho, hen suyễn,…

(Ảnh minh họa)

Dưỡng sinh tiết lập thu

Từ cổ chí kim, các bậc tiền bối trong Đông y đã đưa ra những phương thức dưỡng sinh phù hợp để con người thích nghi với sự vận hành của vũ trụ. Cụ thể trong tiết Lập Thu cần chú ý những điểm sau:

- Ngủ sớm dậy sớm: Ngủ sớm là hoạt động thuận theo quy luật tự nhiên, giúp cơ thể thu liễm dương khí, dương khí sẽ được bảo tồn vào trong sớm, chuẩn bị nguyên liệu tích lũy, dự phòng cho mùa đông. Hoạt động dậy sớm có thể giúp khai triển được Phế khí để bắt đầu ngày mới, tránh dương khí bị thu vào quá độ, gây mệt mỏi, uể oải. Đồng thời thói quen ngủ sớm, dậy sớm cũng góp phần giúp giảm thiểu cơ hội hình thành các cục đông máu, giảm thiểu nguy cơ tai biến và các bệnh tim mạch nguy hiểm khác. Thông thường bước vào Lập thu nên đi ngủ lúc 9-10h, dậy lúc 5 - 6h sáng là phù hợp.

- Không vận động quá sức: Do dương khí cần được thu vào trong vì vậy không nên vận động mạnh hay quá sức. Đặc biệt chú ý, hạn chế các hoạt động thể thao ra nhiều mồ hôi sau 9h tối để tránh hao tổn dương khí.

- Uống đủ nước: Khô (táo) chính là chủ khí của mùa thu, để tránh các triệu chứng khô da, môi, mặt thậm chí gây các bệnh ở phổi (Phế tạng), cần bổ nước cho cơ thể. sung đủ

Thực dưỡng trong tiết lập thu:

- Lê, Ngân nhĩ, Tổ yến, mật ong…: Tư âm nhuận phế, bảo vệ và tăng cường chức năng của Phế tạng, giảm thiểu cơ hội phát sinh các bệnh hô hấp.

- Rau quả vị chua như quýt, cam, cà chua...: Hỗ trợ quá trình thu liễm dương khí của cơ thể, giúp Phế tạng thu liễm, giáng khí tốt hơn, tăng cường chức năng của Phế tạng. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều, tránh ảnh hưởng chức năng tiêu hóa, đồng thời nếu thu liễm quá nhiều, người dễ mệt mỏi.

- Rau quả nhiều chất xơ khoai lang, đậu bắp: Mùa thu do thời tiết hanh khô, cơ thể thiếu nước nên hiện tượng táo bón khá phổ biến. Do đó cùng với việc bổ sung đầy đủ nước, cần bổ sung thêm các loại rau củ nhiều chất xơ để giúp chức năng tiêu hóa, bài chất thải ra ngoài thuận lợi hơn.

Đông dược Phúc Hưng