Thực phẩm giúp sơ can lý khí, thư giãn tinh thần trong mùa xuân

Gửi lúc 16:07' 04/03/2025

Mùa xuân là thời điểm thời tiết thay đổi, cơ thể con người cũng dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là về mặt tinh thần và cảm xúc. Nhiều người có thể cảm thấy căng thẳng, dễ cáu gắt hoặc buồn bã, lo âu không rõ nguyên nhân. Theo y học cổ truyền, điều này có liên quan đến can khí thăng phát quá mức hoặc bị uất trệ, khiến tâm trạng thay đổi thất thường.

Mùa xuân là thời điểm thời tiết thay đổi, cơ thể con người cũng dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là về mặt tinh thần và cảm xúc (Ảnh minh họa)

Việc điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp trong mùa xuân có thể giúp sơ can lý khí, giải tỏa căng thẳng, điều hòa cảm xúc và cải thiện sức khỏe tổng thể. Dưới đây là những thực phẩm có tác dụng hỗ trợ gan, ổn định khí huyết và giúp tinh thần thư giãn.

1. Mùa xuân và ảnh hưởng của Can khí

Mùa xuân thuộc hành Mộc theo ngũ hành, tương ứng với tạng Can, vốn có xu hướng sinh phát mạnh mẽ hoặc bị uất trệ. Hoàng đế nội kinh có viết: “Can bệnh giả, lưỡng hiếp hạ thống dẫn thiếu phúc, linh nhân thiện nộ”. (Tạm dịch: Người mắc bệnh về gan thường có biểu hiện đau hai bên sườn, đau lan xuống vùng tiểu phúc, dễ cáu gắt, nóng nảy).

Can chủ sơ tiết, có nhiệm vụ điều hòa khí cơ, giải tỏa căng thẳng. Nếu chức năng sơ tiết của gan bị cản trở, khí huyết ngưng trệ, người bệnh có thể bị tâm trạng trầm uất, lo lắng, dễ cáu gắt, thậm chí giận dữ vô cớ. Ngược lại, nếu can khí thăng phát quá mức, có thể gây ra hưng phấn thái quá, bốc hỏa, đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ mắt đỏ, run tay chân.

Ngoài ảnh hưởng đến tâm lý, gan còn tác động đến tạng Tâm và tạng Tỳ, gây ra các triệu chứng như đầy bụng, chán ăn, mất ngủ, hồi hộp, dễ căng thẳng. Vì vậy, vào mùa xuân, việc điều chỉnh cảm xúc kết hợp với chế độ ăn hợp lý đóng vai trò rất quan trọng để sơ can lý khí, thư giãn tinh thần.

2. Các nhóm thực phẩm giúp sơ Can lý khí, thư giãn tinh thần

2.1. Nhóm rau củ quả

Nhóm có tác dụng sơ can, hành khí, phát tán phong tà: Hành, hẹ, gừng, tỏi tây, tía tô, ngò rí, bạc hà, kinh giới

Lá hẹ tươi tính ấm, vị cay ngọt và có công dụng ôn trung, kháng khuẩn, tiêu đờm, trợ khí (Ảnh minh họa)

Tác dụng: Nhóm thực phẩm này có tính ấm, cay, giúp thúc đẩy quá trình sơ tiết của gan, cải thiện tình trạng can khí uất trệ.

Ứng dụng: Người bị căng thẳng, tức ngực, hay thở dài, dễ cáu gắt có thể thêm hẹ, tía tô, bạc hà vào món ăn; Nếu có dấu hiệu cảm lạnh, mệt mỏi, đau nhức người, có thể dùng kinh giới, gừng, hành lá để phát tán phong hàn, hỗ trợ lưu thông khí huyết.

Nhóm thanh nhiệt, giải uất, loại trừ phiền muộn: Cần tây, khổ qua, cà chua, bí đao, rau má, rau sam, diếp cá; Các loại quả: Bưởi, chuối, cam, kiwi, dâu tằm, la hán quả.

Trái cây họ cam rất tốt cho sức khỏe (Ảnh minh họa)

Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, giúp giảm căng thẳng, cải thiện triệu chứng bốc hỏa, mất ngủ, cáu gắt.

Ứng dụng: Người có biểu hiện nóng trong, dễ nổi giận, miệng khô, táo bón có thể dùng cần tây, khổ qua, bí đao, bưởi để thanh can tiết hỏa; Nếu bị táo bón, nhiệt miệng, có thể dùng thêm rau sam, la hán quả, chuối để giúp làm dịu gan khí, hỗ trợ tiêu hóa.

Nhóm bổ khí, kiện Tỳ, hỗ trợ tiêu hóa: Khoai lang, bí đỏ, cà rốt, nấm hương, đậu xanh, đậu nành, táo, dứa, ô liu, sơn tra

Tác dụng: Bảo vệ tỳ vị, cải thiện tiêu hóa, giúp ngăn ngừa tình trạng can khí phạm tỳ gây đầy bụng, khó tiêu, chán ăn.

Ứng dụng: Khi ăn đồ dầu mỡ hoặc thức ăn khó tiêu, nên dùng thêm sơn tra, ô liu, dứa để giúp tiêu hóa tốt hơn; Nếu hay bị đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu, có thể thêm nấm hương, khoai lang, cà rốt vào bữa ăn để kiện Tỳ, tăng cường chuyển hóa thức ăn.

2.2. Nhóm ngũ cốc nguyên hạt

Lúa mạch, yến mạch, gạo lứt, kê, ngô, đậu xanh, đậu đỏ, ý dĩ, hạt sen, hạt điều, hạnh nhân

Tác dụng: Dưỡng tâm an thần: Ý dĩ, hạt sen giúp giảm căng thẳng, hỗ trợ giấc ngủ; Sơ can lý khí: Lúa mạch, kê giúp giảm stress, an thần; Kiện Tỳ, tiêu thực: Đậu xanh, gạo lứt giúp tăng cường tiêu hóa, ngăn ngừa gan khí uất trệ ảnh hưởng đến Tỳ vị.

2.3. Nhóm thịt, cá, trứng, sữa

+ Cá giàu Omega-3: Cá chép, cá hồi, cá thu, cá trích, cá hồi

Tác dụng: Giúp lưu thông máu, giảm viêm, bảo vệ hệ thần kinh, giảm căng thẳng.

+ Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa bò, sữa dê, sữa chua

Tác dụng: Trong Đông y, sữa có tính bình, giúp dưỡng huyết, bổ tỳ vị, cải thiện tiêu hóa; Sữa bò giúp dưỡng tâm, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ.

+ Trứng – Điều hòa khí huyết: Trứng gà, trứng vịt, trứng cút

Trứng có tác dụng dưỡng huyết, điều hòa khí huyết (Ảnh minh họa)

Tác dụng: Dưỡng huyết, điều hòa khí huyết, giúp giảm triệu chứng tinh thần căng thẳng, hoa mắt chóng mặt; Trứng gà giúp tăng cường dưỡng chất, hỗ trợ hồi phục sức khỏe.

Mùa xuân là thời điểm dễ mắc các chứng bệnh do can khí uất trệ, can hỏa vượng. Chế độ ăn hợp lý với các thực phẩm sơ can lý khí, thanh nhiệt, dưỡng huyết sẽ giúp cơ thể thích nghi tốt hơn, cải thiện tinh thần và sức khỏe tổng thể.

Ngoài dinh dưỡng, để điều hòa cảm xúc, nên hạn chế đồ ăn cay nóng, chất kích thích, kết hợp với tập luyện nhẹ nhàng, thư giãn, điều hòa hô hấp để duy trì trạng thái cân bằng thân – tâm. Nếu tình trạng căng thẳng, uất ức kéo dài, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để có hướng điều trị phù hợp.