Ăn gì, uống gì để tăng sức đề kháng (miễn dịch) cho cơ thể?

Gửi lúc 14:29' 24/10/2022

 

Viêm phổi do virus corona hoàng hành được WHO cảnh báo ở mức độ rất nghiêm trọng. Hiện nay chưa có phác đồ điều trị chuẩn, vaccine (văcxin) phòng ngừa và số người tử vong do dịch bệnh này gây ra vẫn không ngừng tăng. Tỷ lệ tử vong chủ yếu tập chung ở đối tượng người cao tuổi và mang bệnh nền sẵn, sức khỏe kém. Những bệnh nhân mắc hen phế quản, COPD là những đối tượng hàng đầu cần cảnh giác với nCOV. Bệnh nhân hen nói riêng và mọi đối tượng nói chung, ngoài tuân thủ biện pháp phòng ngừa cá nhân do Bộ Y tế khuyến cáo thì cách phòng chống tốt nhất là nâng cao sức đề kháng (miễn dịch) của cơ thể để có thể tiêu diệt virus lạ này ngay từ khi mới xâm nhập.

Vai trò của hệ miễn dịch (sức đề kháng)

Hệ thống miễn dịch bao gồm cả miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng, là cơ chế bảo vệ quan trọng của cơ thể giúp chống lại nhiễm trùng và cũng là hệ thống chịu tránh nhiệm về các phản ứng dị ứng với các chất vô hại. Hệ miễn dịch được xem như hệ thống quốc phòng của cơ thể nhằm chống lại những tác nhân nguy hiểm xâm nhập từ bên ngoài như virus corona. Người có sức đề kháng và chống bệnh tốt hơn sẽ khó mắc bệnh hơn, nếu không may mắc bệnh cũng sẽ biến chuyển nhẹ hơn và khả năng khỏi bệnh cao hơn. Đặc biệt là đối với bệnh lý viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra, căn bệnh vốn chưa có phác đồ điều trị và vaccine phòng ngừa.  

Cần ăn gì, uống gì để "gia cố" hệ miễn dịch, tuyến phòng vệ sát sườn nhất của cơ thể giúp bảo vệ tốt nhất cho chính mình trong tình trạng dịch virus corona đang lan nhanh và chưa thể kiểm soát?

Luôn đảm bảo đã uống đủ nước

Thông thường vào mùa đông khi thời tiết lạnh chúng ta thường rất lười uống nước. Nhưng việc cần làm đầu tiên giúp cho cơ thể hoạt động một cách trơn tru và hệ miễn dịch đảm bảo tốt chức năng của mình chính là duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày dù trời nóng hay lạnh. Nước có tác dụng vận chuyển bạch cầu đi khắp cơ thể, ngoài ra uống nhiều nước còn có tác dụng đào thải những chất độc hại ra khỏi cơ thể thông qua tiết mồ hôi. Khi uống một lượng nước đủ có tác dụng tăng cường trao đổi chất và giúp tim bơm máu hiệu quả hơn và vận chuyển oxy trong máu, chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho các tế bào. Người lớn cần đảm bảo tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày. Với trẻ em có thể ước tính lượng nước hàng ngày cho trẻ như sau: Lượng nước uống (ml) = 1.000 ml + n x 50 (n = số kg của trẻ - 10).

Ví dụ trẻ nặng 13 kg cần: 1.000 ml + (3 x 50 ml) = 1.150 ml. Trường hợp trẻ uống được 500 ml sữa, số nước cần bổ sung là: 1.150 - 500 = 650 ml.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp nâng cao hệ miễn dịch (sức đề kháng)

Điều đầu tiên bạn cần nhớ: Không thể cung cấp ồ ạt một loại thực phẩm hay dưỡng chất nào đó để giúp nâng cao sức đề kháng/hệ miễn dịch trong ngày một ngày hai.

Tại sao lại như vậy?

Hệ miễn dịch là một hệ thống khổng lồ hoạt động theo hàng loạt những cơ chế chặt chẽ nhưng rất linh hoạt. Điều này có nghĩa cơ thể cần rất nhiều loại chất dinh dưỡng khác nhau, cần đủ thời gian và những điều kiện về thể chất mới có thể xây dựng được một hệ miễn dịch mạnh mẽ, có khả năng chống đỡ các tác nhân xâm hại từ môi trường ngoài, bảo vệ an toàn cho cơ thể.

Trung bình, thời gian để hệ miễn dịch của một người hoàn thiện thường vào khoảng 3-6 năm đầu đời, với điều kiện tình trạng dinh dưỡng tốt, phát triển thể chất cân đối, chủng ngừa đầy đủ, điều trị bệnh hợp lý… Thực phẩm và các chất dinh dưỡng chính là "tiền" của hệ miễn dịch, không có thì không thể xây dựng được hệ miễn dịch, nhưng cần nhất là thời gian và cách dùng hợp lý.

Dù vậy, bạn cũng không nên quá lo lắng. Việc ăn uống đúng cách vẫn là một phần quan trọng, rất quan trọng để hỗ trợ cho hệ miễn dịch của bạn làm việc hiệu quả và hạn chế nguy cơ nhiễm nCoV. Dưới đây là một số gợi ý của chuyên gia về một chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp nâng cao sức đề kháng/miễn dịch:

1. Ăn đủ rau xanh và quả tươi

Rau xanh và quả tươi là nguồn cung cấp các vitamin và chất khoáng, những nguyên liệu quan trọng cho quá trình hoạt động tích cực của tế bào miễn dịch.

Rất nhiều người chỉ nhớ đến vitamin C và nước cam chanh khi nói về hệ miễn dịch! Thực chất, hệ miễn dịch còn cần vitamin nhóm B để chuyển hoá chất đường, cần vitamin A để xây dựng hàng rào phòng thủ là các lớp biểu mô, cần vitamin D để chuyển hoá canxi cho các hoạt động của tế bào, cần kẽm để sản xuất các men xúc tác, cần i-ốt để sản xuất nội tiết tố tuyến giáp, một loại nội tiết tố giúp kích thích gia tăng hoạt động của nhiều loại tế bào trong cơ thể…

Nhu cầu vitamin C hàng ngày chỉ vào khoảng 100 mg, nên nếu bạn nạp quá nhiều có thể làm toan hoá nước tiểu, tăng sự thành lập các gốc oxy hoá. Chưa hết, vị chua mạnh trong nước cam, chanh là từ acid citric, không phải từ vitamin C (acid ascorbic), có thể gây những nguy cơ không đáng có cho dạ dày. Vì vậy, đừng mất thời gian đi vắt nước cam mà nên ăn đa dạng các loại trái cây tươi và rau sống với số lượng tối thiểu 200g trái cây và 300g rau các loại hàng ngày.

Cần lưu ý rau là rau mà trái cây là trái cây, thành phần dinh dưỡng khác nhau nên không dùng trái cây thay rau được.

Chưa hết, các chế phẩm bổ sung dù là viên sủi hay viên nén đều không thể dùng thay thế rau trái, vì trong rau trái có nhiều thứ mà các chế phẩm bổ sung không có.

 2. Cung cấp đủ các chất đạm thiết yếu

Các kháng thể của con người (immunoglobulin – IgA, IgM…) được làm từ chất đạm và hệ miễn dịch luôn cần loại chất đạm thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Vì vậy, nên đảm bảo đủ lượng chất đạm quan trọng hàng ngày và ưu tiên lựa chọn các loại chất đạm dễ tiêu hoá, có đầy đủ các acid amin thiếu yếu, nhưng lại ít gây tăng chuyển hoá cho cơ thể (để làm giảm bớt công việc dọn dẹp môi trường bên trong của hệ miễn dịch). Các loại thức ăn giàu đạm tốt là cá béo, sữa, trứng, thịt trắng (như thịt gà vịt, đậu hũ…), thịt heo… Mỗi người cần khoảng 200 - 300g thực phẩm giàu đạm mỗi ngày.

Nếu bạn không ăn đủ lượng đạm, cơ thể của bạn sẽ huy động chất đạm từ chính những khối cơ quan của bạn (chủ yếu là đạm của cơ bắp) để chuyển hoá thành đạm sử dụng. Nhưng như thế thì khó mà đủ để cung cấp cho hệ miễn dịch hoạt động tối ưu được, vì lượng đạm làm ra từ cơ bắp thường phải được sử dụng dè xẻn và tiết kiệm, chưa kể quá trình sản xuất này sẽ làm tăng tải cho gan thận và gây ô nhiễm cho môi trường bên trong cơ thể. Còn nếu bạn ăn thừa lượng đạm, thì hậu quả cũng nhiều không kém.

3. Ăn đủ nhu cầu của cơ thể và đa dạng thực phẩm nhất 

Hệ miễn dịch cần đủ hơn 40 chất dinh dưỡng, vì vậy, thiếu bất kỳ một chất dinh dưỡng nào cũng làm suy yếu nó. Vì vậy, không nên ăn kiêng khem và nên ăn thật đa dạng thực phẩm càng tốt, mỗi loại thực phẩm sẽ cung cấp một số nhóm chất dinh dưỡng cần thiết.

4. Ăn thức ăn sạch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm tối đa

Trong những ngày này, cơ thể cần dồn hết khả năng miễn dịch để đối phó với nCoV, vì vậy, cần tránh bất kỳ nguy cơ bệnh lý nào có thể xảy ra, trong đó có cả bệnh lý liên quan đến ngộ độc thức ăn hoặc nhiễm trùng đường ruột. Khi mắc bệnh, hệ miễn dịch sẽ phải làm việc vất vả hơn, dễ kiệt quệ hơn, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm nCoV hơn, và bệnh phối hợp luôn đặt tình trạng nhiễm virus vào thế có nguy cơ cao hơn.

5. Thận trọng với những thức ăn lạ hoặc thức ăn không rõ nguồn gốc

Ngay cả khi các loại thức ăn này không chứa nCoV thì bạn cũng khó mà kiểm soát được liệu có một mầm bệnh nào khác trong thực phẩm đó hay không.

Ngoài việc bổ sung những dưỡng chất hợp lý để giúp tăng cường sức đề kháng/miễn dịch, người bệnh cũng cần tuân thủ đúng những biện pháp phòng ngừa cá nhân do Bộ Y tế khuyến cáo:

- Nếu đang có dấu hiệu như sốt, ho hoặc khó thở, cần tránh đi lại, du lịch. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, sốt.

- Che kín miệng và sử dụng khăn giấy hoặc tay áo khi ho hoặc hắt hơi. Bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi sử dụng, rồi rửa tay.

- Báo ngay cho các nhân viên hàng không, ô tô, đường sắt nếu xuất hiện dấu hiệu ốm khi di chuyển, du lịch. Đến cơ sở y tế cáng sớm càng tốt.

- Dùng các loại thực phẩm được đun nấu chín.

- Ở nơi công cộng, không khạc nhổ bừa bãi. Không nên tiếp xúc gần với động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Khi tới chỗ đông người hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh nên đeo khẩu trang.

- Sử dụng khẩu trang đúng cách, khẩu trang phải che kín miệng khi đang sử dụng.

- Đối với các loại khẩu trang dùng 1 lần cần vứt bỏ ngay vào thùng rác sau khi dùng và sau khi bỏ khẩu trang cần rửa tay sạch.

Bác sĩ tư vấn 1800545435