Ho vào mùa hè và tuyệt chiêu giúp giảm ho theo Đông y hiệu quả
Ho vào mùa hè có phần đặc trưng hơn ho của các mùa khác trong năm. Điều này liên quan đến thói quen sinh hoạt của mọi người và đặc điểm thời tiết của mùa hè.
Đông y lâm sàng có một câu nói kinh điển: “Các bệnh đều trị được, chỉ có ho là khó trị”.
Nguyên nhân dẫn đến ho rất phức tạp, bao gồm yếu tố gây bệnh từ môi trường bên ngoài và nội sinh bên trong cơ thể, ngoài ra còn liên quan đến thói quen sinh hoạt của mỗi người, những thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng lại là nguyên nhân chính dẫn đến ho dai dẳng không dứt. Không những vậy, ho lâu ngày không điều trị dứt điểm có thể diễn biến thành mạn tính.
Cùng bác sĩ của Đông dược Phúc Hưng tìm hiểu những nguyên nhân gây ho mùa hè và hướng điều chỉnh nhé!
Ho do cảm hàn
Vào mùa hè, thời tiết nóng nực, oi bức, nhiệt độ cao nhưng con người lại dễ bị cảm lạnh và ho do sử dụng các phương pháp để giải nhiệt chưa đúng.
Triệu chứng thường thấy là: ho nặng tiếng, ngứa họng, khạc đờm trắng – trong – loãng, thường kèm theo sổ mũi, chảy nước mũi trong, đau đầu, người mỏi đau, sợ lạnh, có thể có sốt, người không ra mồ hôi,…
Nguyên nhân thường do cảm hàn trong môi trường phạm vi hẹp như:
+ Một là sử dụng điều hoà không điều độ, ở phòng điều hoà trong thời gian dài liên tục, nhất là sau khi ra mồ hôi không đợi ráo mồ hôi mà đã ngồi trực tiếp dưới điều hoà ngay.
+ Nguyên nhân thứ hai là tắm trực tiếp bằng nước lạnh sau khi vừa đi từ ngoài về, mồ hôi chưa ráo hoặc tắm xong không lau khô người ngay.
Trong trường hợp này, chúng ta có thể sử dụng một số phương pháp thực liệu như sau:
- Sinh khương mật: Gừng tươi 90g rửa sạch, để nguyên vỏ, thái nhỏ, trộn vào 250g đường mạch nha, đun nhỏ lửa. Mỗi ngày 1-2 thìa vào buổi sáng và tối, nhai bã gừng và nuốt, phương pháp này giúp tán phong hàn, giảm ho do cảm hàn hiệu quả.
- Can khương đường: Can khương (gừng khô) 90g, tán thành bột, trộn với 500g đường mạch nha, cho vào hũ sứ, hầm chín. Ngày uống 1-2 thìa, đờm nhiều có thể uống thêm 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Bài thuốc có tác dụng làm ấm phổi, tán hàn, giảm ho.
Vào mùa hè còn dễ xuất hiện các triệu chứng ho do “hàn xâm nhập trực tiếp” vào trong cơ thể do ăn đồ lạnh, uống nước đá, ăn kem lạnh,… Trường hợp này ngoài ho còn có thể xuất hiện các triệu chứng nôn, buồn nôn, đau bụng, chướng bụng, đi ngoài,… Khi đó, chúng ta có thể dùng phương pháp sau đây: Gừng tươi 30g, Trần bì 15g, đổ 3 bát nước vào nồi đun cạn còn 1 bát, thêm 3 nhánh hành lá thái nhỏ, nước sôi cho thêm 1-2 thìa đường nâu đun cùng, giúp đạt hiệu quả ôn ấm trung tiêu, tán hàn, giảm đờm, cầm nôn.
Ho do nhiệt
Vào mùa hè nhiệt độ cao, con người bị hấp hơi bởi sức nóng, đặc biệt là khi hoạt động ngoài trời trong thời gian dài rất dễ xuất hiện triệu chứng: ho đờm khó khạc, đờm vàng hoặc dính, họng khô và đau, kèm theo sợ gió, sốt, đau đầu, miệng khát,…
Phương pháp thực liệu: Bối mẫu chưng lê
Cắt ¼ trên quả lê, bỏ vỏ, khoét bỏ phần lõi giữa, cho 2 thìa đường phèn, 20g bối mẫu vào trong quả lê. Cho lê vào nồi hấp khoảng 30 phút, ngày ăn ngày 2 lần, ho nhiều có thể tăng lên 3-4 lần/ngày.
Ho do đàm thấp
Theo Đông y, vào mùa hè thấp khí thịnh, do chế độ ăn uống không hợp lý, đặc biệt là rượu bia, đồ ăn béo ngọt, đậm vị ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày, ruột, Đông y gọi trường hợp này là “tỳ hư”.
Phương pháp thực liệu: Xạ can thang
Rễ xạ can 20g, đun nước uống ngày 3 lần. Phương pháp này vừa đơn giản vừa hiệu quả giúp thanh phế nhiệt, chỉ khái hoá đàm.
Ho do đàm hoả
Nguyên nhân do thấp nhiệt từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể hoặc bản chất cơ thể có đàm sẵn. Đàm (đờm) cản trở khí vận hành trong cơ thể, khí uất hoá nhiệt, nhiệt kết hợp với đàm dẫn đến các triệu chứng ho, thở ngắn và nông, hoặc trong họng có tiếng khò khè, đàm (đờm) nhiều quánh dính hoặc đờm vàng, khó khạc, đờm có mùi tanh hoặc có lẫn máu, ngực đầy tức khó chịu, sắc mặt đỏ, miệng khô khát nước.
Phương thuốc: Tử uyển cân thang
Rễ tử uyển 9g, đun lấy nước, khi đun hoà thêm 1 quả trứng gà, ngày ăn 2 lần. Điều trị ho do đàm nhiệt nhiều, ho lâu không khỏi.
Dự phòng ho mùa hè cần chú ý:
+ Tránh để bị cảm lạnh mùa hè, phòng gió, phòng ngấm nước mưa, phòng điều hoà lạnh.
+ Không nên ăn nhiều các đồ sống lạnh: bao gồm các loại hoa quả, rau tính lạnh, uống nước đá, hải sản tanh lạnh. Uống nước nên uống nước lọc thông thường hoặc nước ấm để bảo vệ chức năng của tỳ vị.
+ Khi ho không nên ăn nhiều các loai thịt, đồ chua, lên men, đồ cay, dầu mỡ, chất kích thích, rượu bia, thuốc lá,…
+ Tránh ăn quá no
+ Tránh thức đêm nhiều, ban đêm là thời gian để nghỉ ngơi.
+ Điều tiết cảm xúc của bản thân, tìm phương án giải phóng cảm xúc cho mình, tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi yếu tố bên ngoài.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165058 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66919 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 45912 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36474 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30539 lượt xem )