Vì sao ngày càng nhiều người bị bệnh trĩ?
Theo các chuyên gia y tế, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ thường là những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động như cán bộ văn phòng...
Bệnh trĩ hay dân gian còn gọi là bệnh lòi dom là một bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch (tĩnh mạch trực tràng – hậu môn). Bệnh có thể xảy ra với cả nam và nữ, ở các lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là từ 30 – 60 tuổi (50% số người từ 50 tuổi trở lên bị trĩ ít nhất là 1 lần trong đời).
Giới văn phòng có nguy cơ bị bệnh trĩ cao
Theo các chuyên gia y tế, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ thường là những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động như: cán bộ văn phòng, lái xe và nam giới uống rượu, bia nhiều. Ngoài ra, các đối tượng bị bệnh táo bón mạn tính cũng hay mắc bệnh trĩ. Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm, vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại ngùng, nhất là phụ nữ.
TS BS Nguyễn Thị Quỹ, nguyên Trưởng phòng nội soi Tiêu hóa BV Saint Paul, Phó Chủ tịch Hội Tiêu hóa Hà Nội cho rằng: Đối với bệnh trĩ, dù là người sống ở nông thôn hay thành thị, số người mắc bệnh này rất nhiều, từ 50-55% và ngày nay tỷ lệ này ngày càng nhiều hơn.
BS Quỹ phân tích, có một sự khác biệt là ở người thành thị do chế độ làm việc căng thẳng, cường độ làm việc quá nhiều, cộng với thức khuya và những áp lực công việc lớn, đồng thời chế độ sinh hoạt bị đảo lộn, ăn uống không đúng giờ. Với một số bệnh nhân làm việc tại những cơ quan hành chính hoặc ở trong các văn phòng nhiều, ít hoạt động, ít giao lưu, thường xuyên ngồi nhiều là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh trĩ ở người thành thị cao hơn.
BS Quỹ nhấn mạnh: “Ở nông thôn, dù có đặc thù là làm những công việc quá nặng, bê vác nhiều cũng là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Ngoài ra chế độ ăn uống ở nông thôn còn nhiều thiệt thòi, có nhiều trường hợp bị viêm đại tràng do nhiễm khuẩn trong đường ruột và gây nên các chứng như kiết lị, đi ngoài nhiều lần. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho trĩ xuất hiện”.
Chính bởi vậy, theo BS Quỹ, việc điều trị cho những nhóm đối tượng khác nhau cũng có những sự khác biệt giữa những bệnh nhân ở thành thị và nông thôn. Tuy nhiên để có đạt hiệu quả điều trị trĩ triệt để và tốt nhất thì trước hết cần nội soi và tìm nguyên nhân bệnh trĩ do đâu.
BS Quỹ cho biết: Đối với điều trị bệnh trĩ chỉ nên dùng thuốc khi đang ở giai đoạn 1 và 2, và cố gắng cùng với chế độ ăn uống, sinh hoạt để bệnh trĩ không tái phát và tiến triển thành giai đoạn 3 và giai đoạn 4.
Việc phẫu thuật trĩ là một phương pháp điều trị triệt để nhưng tốn kém và có thể có nhiều rủi ro. Tuy nhiên ở giai đoạn 4, hầu như phải điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, khi phẫu thuật xong, nếu không có một chế độ sinh hoạt đúng mức, không có một chế độ điều trị dự phòng, không uống thuốc thì bệnh trĩ vẫn có thể tái phát chứ không phải là khỏi hoàn toàn được.
BS Hoàng Đình Lân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam dẫn thống kế trên thế giới cho biết, tỷ lệ mắc bệnh trĩ tại Mỹ, ở những người từ 50 tuổi trở lên chiếm 70%.
Ở Việt Nam cũng tương tự, qua một số thống kê chúng tôi thấy rằng, ở độ tuổi 40 trở lên, số người mắc bệnh trĩ chiếm khoảng 60-70%. Ở người trẻ, tỷ lệ này ít hơn, tuy nhiên trong thời gian gần đây, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh trĩ ngày một nhiều hơn, nhất là ở khối văn phòng, ở những người thường xuyên sử dụng rượu bia.
Theo khảo sát của Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh trĩ chiếm khoảng 55% trong dân số và số người trẻ mắc bệnh này đang có xu hướng tăng.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ là do người trẻ hiện nay đang đối mặt với nhiều áp lực cuộc sống như sức ép công việc, sức ép từ xã hội và cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, người trẻ với lối sống hiện nay tương đối thoải mái, dùng nhiều rượu bia, ăn uống thất thường, việc tập luyện thể dục, thể thao thường hạn chế; nhiều người trẻ bây giờ còn quên cả ăn, quên cả ngủ để dành thời gian lướt mạng Internet cộng với nhiều loại thực phẩm hiện nay không đảm bảo vệ sinh khiến nhiều người bị viêm đại tràng và dẫn tới bệnh lý trĩ. Nhiều người trẻ sinh hoạt thái quá cũng dễ dẫn tới các bệnh nhiễm trùng, phải dùng điều trị kháng sinh thì cũng dễ dẫn tới bệnh trĩ.
Chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ sớm
Theo các chuyên gia y tế, việc phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ sớm là cần thiết đối với tất cả mọi người. Theo đó, mỗi người cần có chế độ ăn uống lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, có tác dụng nhuận tràng như (chuối, mồng tơi, khoai lang...); uống 2 lít nước mỗi ngày. Khi có triệu chứng táo bón, cần tìm cách để chấm dứt tình trạng này, không để táo bón xuất hiện thường xuyên.
BS Quỹ khuyên: Người có thói quen ăn nhiều đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu; uống nhiều rượu bia... cũng cần từ bỏ thói quen này vì đây là một trong những “nguồn cơn” gây bệnh trĩ. Kể cả đã bị trĩ và điều trị khỏi cũng không nên nghĩ “từ giờ ta có thể ăn uống tự do”.
Về sinh hoạt, nên tập thể dục đều đặn hàng ngày với một môn thể thao phù hợp (đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội...). Việc tập thể dục sẽ giúp tăng cường trao đổi chất, tăng nhu động ruột, hỗ trợ rất nhiều cho tiêu hóa. Ngoài ra, mọi người nên có thói quen đi vệ sinh đúng giờ như là luyện một phản xạ có điều kiện. Không nên nhịn đi vệ sinh vì sau vài lần nhịn sẽ bị táo bón, dễ gây tái phát bệnh trĩ./.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165166 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 67017 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46513 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36544 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30946 lượt xem )