Những con đường ngắn nhất dẫn đến viêm đại tràng

Gửi lúc 14:44' 01/10/2015

Hiện nay, viêm đại tràng là một trong những bệnh lý phổ biến tại các khoa tiêu hoá. Bệnh dễ thành mạn tính và có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện điều trị kịp thời.

 

Viêm đại tràng do đâu?

Do chế độ ăn uống không khoa học: Ăn uống không điều độ, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, đặc biệt, lạm dụng rượu bia gây rối loạn chức năng và tổn thương niêm mạc đại tràng là những nguyên nhân phổ biến. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ dẫn đến táo bón, lâu ngày cũng dễ gây viêm đại tràng.

 

 

Do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng: Các loại vi khuẩn gây bệnh lỵ (Shigella, Salmonella), nhiễm nguyên sinh động vật (amip), nhiễm ký sinh trùng (giun sán)… có thể gây rối loạn tiêu hóa và dẫn tới viêm đại tràng cấp và mạn tính.

Do chế độ vận động không hợp lý: Thói quen ít vận động, ngồi nhiều, nhịn đại tiện gây táo bón làm tổn thương niêm mạc đại tràng dẫn đến viêm đại tràng.

Các nguyên nhân khác: Viêm đại tràng còn có thể do cơ thể thiếu canxi, vitamin A, C, E và khoáng chất Se; rối loạn thần kinh thực vật hoặc không có nguyên nhân.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đại tràng

Đau bụng: Vị trí đau không cố định, thường lan theo dọc khung đại tràng. Đau âm ỉ hoặc dữ dội theo từng cơn. Cơn đau tăng lên sau khi ăn và trước khi đại tiện. Cơn đau dễ tái phát khi người bệnh uống bia rượu, ăn các đồ ăn nhiều dầu mỡ hay thức ăn lạ.

 

 

Trướng bụng, đầy hơi: Bệnh nhân luôn cảm thấy bụng căng tức, khó chịu dọc theo khung đại tràng.

Rối loạn vận chuyển phân: Đại tiện nhiều lần trong ngày (2 - 6 lần) hoặc ngược lại táo bón 2 - 3 ngày mới đi ngoài được. Bệnh nhân thường cảm thấy không thoải mái sau khi đại tiện, hay có cảm giác mót rặn muốn đi nữa. Đặc biệt, khi ăn thức ăn lạ hay các món nhiều dầu mỡ rất dễ đi ngoài.

Các triệu chứng khác khá đa dạng, thay đổi tùy từng bệnh nhân và theo từng thể bệnh. Đa số người bệnh ăn uống không ngon miệng, chán ăn, gầy sút, có thể thiếu máu. Tùy từng nguyên nhân có thể gây sốt trong trường hợp nhiễm khuẩn hoặc không gây sốt.