Nhận diện và chẩn đoán bệnh động kinh

Gửi lúc 11:53' 02/05/2013

Động kinh là hiện tượng tế bào thần kinh vỏ não phóng điện động kinh lặp đi lặp lại, biểu hiện bằng những cơn co giật hoặc vắng ý thức. Động kinh có thể không rõ nguyên nhân hoặc do u não, nhiễm độc não do thuốc, rối loạn chuyển hóa, hạ đường huyết, viêm não... gây nên.


Ai cũng có thể từng lên cơn co giật, nhưng đó chỉ là hoạt động quá mức và thoảng qua của một vùng vỏ não. Bệnh động kinh phải có những cơn co giật phát đi phát lại liên tục trong nhiều năm tháng. Động kinh không rõ nguyên nhân gọi là động kinh tiên phát vô căn, còn loại có thể xác định được nguyên nhân thì gọi là động kinh thứ phát.

Động kinh toàn thể: có hai loại là cơn động kinh lớn và nhỏ

Cơn lớn: người bệnh mất ý thức hoàn toàn và co giật trong vòng 5-10 phút. Cơn khởi phát rất đột ngột, bệnh nhân bỗng dưng kêu lên một tiếng rồi ngã vật ra. Bệnh diễn biến theo ba giai đoạn:

- Giai đoạn tăng trương lực: toàn thân co cứng, răng cắn vào lưỡi, giật rung, co giật đột ngột toàn thân.

- Giai đoạn thoái lui: người bệnh thở ầm ĩ, đôi khi đái dầm.

- Khi tỉnh dậy, bệnh nhân hoàn toàn không nhớ chuyện vừa xảy ra.

Cơn nhỏ: còn gọi là cơn vắng ý thức, thường gặp ở trẻ từ 4 đến 6 tuổi và mất đi ở tuổi dậy thì. Trẻ đột nhiên bị mất ý thức trong vài giây, bất động, mắt nhìn trừng trừng. Tuy nhiên, trẻ không bị ngã và không hay biết đang trải qua cơn động kinh.

Động kinh cục bộ: gồm động kinh đơn giản và động kinh phức tạp.

- Động kinh đơn giản: người bệnh không rối loạn ý thức, song bị rối loạn vận động (co giật chỉ hạn chế ở một vùng) và rối loạn cảm giác (hoang tưởng).

- Động kinh phức tạp: người bệnh có rối loạn ý thức, có biểu hiện tâm thần vận động đơn giản như nhai tóp tép, giậm chân; hoặc phức tạp như bỏ nhà ra đi mà không hay biết.

Cách chẩn đoán bệnh:

- Ghi điện não đồ

- Chụp cắt lớn vi tính não.

- Chụp não bằng cộng hưởng từ.

Cách điều trị


- Cần đặt người bệnh nằm nghiêng về một bên, đặt bông vào giữa hai hàm răng để tránh cắn vào lưỡi khi lên cơn. Nếu cần có thể tiêm bắp thịt một ống Seduxen hoặc Phenonbarbital.

- Củng cố điều trị bằng các thuốc chống động kinh như Tegretol, Depakine… để tránh cơn tại phát.

- Người bệnh cần ngủ đủ và đúng giờ, kiêng rượu và các đồ uống pha rượu.

- Bệnh nhân mắc bệnh động kinh nhạy cảm với ánh sáng, xuất hiện cơn khi có ánh sáng nhấp nháy, cần trận trọng khi xem vô tuyến và làm việc với máy tính, trò chơi điện tử.

- Không chơi những môn thể thao nguy hiểm đến tính mạng như lặn sâu, leo núi, không lái xe tải nặng, không lái xe chở hành khách…

 

Giáo sư Phạm Gia Cường

Theo VnExpress.net