Loét dạ dày, tá tràng - các triệu chứng và biến chứng thường gặp
Loét dạ dày - tá tràng là do mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ như: niêm mạc, lớp nhày, bicacbonat... và các yếu tố tấn công như: axít, pepsin. Axít và pepsin trong dịch dạ dày phá hủy niêm mạc của dạ dày và tá tràng gây loét dạ dày - tá tràng.
Ở Việt Nam ước tính 7-10% dân số bị loét dạ dày - tá tràng. Tỷ lệ nam và nữ trong loét dạ dày là 1/1, còn đối với loét hành tá tràng là 2/1.
Các triệu chứng bệnh thường gặp
Biểu hiện thường gặp nhất là đau vùng thượng vị. Triệu chứng đau thường liên quan tới bữa ăn từ 30 phút - 2 giờ, đau có thể xuất hiện khi đói hoặc nửa đêm về sáng. Có khi chỉ biểu hiện bằng cồn cào, ăn vào thì dịu đi. Đau bụng có thể xuyên ra sau lưng, đau lan sang phải.
Đau còn có tính chu kỳ: đau khoảng 2-8 tuần kể cả không điều trị gì thì triệu chứng đau cũng giảm, sau đó sẽ có đợt đau tái phát.
Có những bệnh nhân xuất hiện ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị. Khoảng 20% bệnh nhân bị loét dạ dày - tá tràng nhưng không hề có triệu chứng, mà người bệnh vào viện vì các biến chứng như: xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị hoặc nội soi kiểm tra mới phát hiện ra bệnh.
Các biến chứng của loét dạ dày - tá tràng
Đây là căn bệnh nhiều người mắc nhưng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều người đến bệnh viện khi đã xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là quá muộn để cho kết quả điều trị tốt. Các biến chứng đó là:
Xuất huyết tiêu hóa: Người bệnh đau bụng nhiều, nôn ra máu, đại tiện phân đen như nhựa đường.
Hẹp môn vị làm bệnh nhân nôn nhiều, không thể ăn được, ăn vào gây nôn và đau bụng, khiến cơ thể bị suy nhược.
Thủng dạ dày hoặc tá tràng: Đột ngột người bệnh thấy đau bụng dữ dội, bụng căng cứng, nôn ra máu, nếu không cấp cứu kịp thời dễ bị tử vong.
Ung thư dạ dày: Trong loét hành tá tràng thì không gây ung thư nhưng loét dạ dày là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến ung thư. Nhiều người đau dạ dày hàng chục năm không điều trị triệt để, đến khi sức khỏe giảm sút nhiều đi khám thì đã thành ung thư.
Trước kia thường chụp Xquang để chẩn đoán loét dạ dày - tá tràng nhưng phương pháp này tỏ ra kém chính xác và không xác định được bản chất ổ loét là lành tính hay ác tính.
Ngày nay, nội soi dạ dày - tá tràng bằng ống mềm cho phép thầy thuốc quan sát trực tiếp được tổn thương, đồng thời sinh thiết giúp chẩn đoán người bệnh có bị nhiễm Helicobacter pylori hay không. Trong trường hợp nghi ngờ ổ loét dạ dày ác tính cho phép sinh thiết để chẩn đoán trên vi thể giúp tìm được tế bào ác tính. Nội soi còn giúp theo dõi quá trình liền sẹo và khỏi của ổ loét.
Theo ThS. Vũ Trường Khanh -Khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai
(Theo Suckhoedoisong.vn)
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165132 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66992 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46413 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36529 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30855 lượt xem )