Điều trị hội chứng ruột kích thích

Gửi lúc 09:53' 27/04/2013

Điều trị HCRKT chủ yếu tập trung vào các triệu chứng nổi trội ở từng bệnh nhân. Việc điều trị có thể không làm dứt hẵn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống.

Đây là một hội chứng thường hay tái phát, làm cho bệnh nhân rất lo lắng, do vậy, cần tạo được mối quan hệ tốt giữa thầy thuốc và bệnh nhân, biết lắng nghe người bệnh, trấn an và giải thích cho họ, giáo dục bệnh nhân về cách tiết chế và lối sống  để thích nghi và hạn chế triệu chứng.

1. Chế độ ăn uống sinh hoạt

Bệnh nhân có thể nhận biết các loại thức ăn nào thường “không dung nạp”, hay gây tiêu chảy và đau bụng (ví dụ như thức ăn nhiều dầu mỡ, rau sống, sữa tươi…) và tự họ đã hạn chế bớt các loại thức ăn đó. Tuy nhiên, cần hướng dẫn bệnh nhân không nên kiêng cữ quá mức vì có thể dẫn đến chán ăn và suy dinh dưỡng.

Đối với trường hợp táo bón thường xuyên, cần khuyên bệnh nhân uống nhiều nước, ăn thêm chất xơ, rau quả tươi hoặc dùng thêm chất cám (15-20g/ngày). Tránh các thức ăn khô, mắm, nhiều gia vị. Nên hoạt động thể lực, hạn chế ngồi nhiều một chỗ, tránh bớt  các căng thẳng về thần kinh…

2. Điều trị triệu chứng đau bụng và trướng bụng

Thuốc chống co thắt: thuốc kháng cholinergic (hyoscine, dicyclomine, atropin, scopolamine), thuốc chống co thắt hướng cơ trơn (phloroglucinol, alverine, mebeverine, trimebutine, pinaverine bromide, fenoverine), thuốc ức chế kênh canxi (pinaverium, nifedipine), thuốc chống trầm cảm (amitriptyline). Các thuốc này điều trị trướng bụng và giảm đau nhưng có thể làm nặng thêm tình trạng táo bón.

3. Điều trị triệu chứng tiêu chảy


Chúng ta có thể sử dụng các nhóm thuốc sau đây, khi cần có thể phối hợp để tăng hiệu quả điều trị:

* Thuốc chống tiêu chảy: loperamide, diphenoxylate, cholestyramine… các thuốc này làm giảm chuyển vận của ruột nhưng không làm giảm đau bụng, có khi lại gây táo bón, trướng bụng do phản hồi.

* Thuốc bảo vệ niêm mạc ruột: diosmectite, attapulgite mormoiron, bismuth … có hiệu quả che chở niêm mạc ruột, hấp phụ các độc tố nhưng cũng không làm giảm đau bụng khi dùng đơn độc.

* Các vi khuẩn thay thế : Lactobacillus acidophilus,  Saccharomyces boulardii… có tác dụng khôi phục lại sự cân bằng của vi khuẩn chí đường ruột.

4. Điều trị triệu chứng táo bón

* Thuốc nhuận trường: thuốc nhuận trường thẩm thấu (polyethylene glycol hoặc macrogol, lactulose, mannitol, sorbitol, muối magnesium), thuốc nhuận trường tạo khối (mucilage, gôm, hạt Ispaghul, Karaya, methyl cellulose), thuốc nhuận trường tăng co thắt (anthraqunol, docusate, bisacodyl, picosulfgate). Các thuốc nhuận trường có thể làm nặng thêm triệu chứng đau và trướng bụng.

St