Dấu hiệu nhận biết bạn có bị viêm đại tràng mạn tính?
Bệnh viêm đại tràng nếu không được chẩn đoán và điều trị dứt điểm sẽ trở thành mạn tính, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh, thậm chí có thể gây biến chứng trở thành ung thư đại tràng. Vì vậy bệnh viêm đại tràng mạn tính cần được chẩn đoán và điều trị sớm tránh các trường hợp biến chứng có thể xảy ra.
Tổng quan về đại tràng
Đại tràng (còn được gọi là ruột già) là phần cuối của đường ống tiêu hóa trong cơ thể. Đại tràng là một ống dài khoảng 120cm nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thu từ ruột non. Nó hấp thụ nước và muối khoáng từ thức ăn và cùng với sự phân hủy cùng với các vi khuẩn tạo bã thức ăn thành phân. Khi đủ lượng, đại tràng sẽ co bóp tạo nhu động và bài tiết phân qua trực tràng.
Viêm đại tràng là tình trạng trong lòng đại tràng bị viêm nhiễm, cụ thể là bị tổn thương viêm đỏ, phù nề, thậm chí có những chỗ bị tổn thương mất một phần niêm mạc thành ổ loét, có thể do vi khuẩn, kí sinh vật thông qua ăn uống gây ra. Nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến viêm đại tràng mạn tính.
Tầm quan trọng phải nhận biết sớm bệnh viêm đại tràng mạn tính
Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh viêm đại tràng ngày một gia tăng. Ở Việt Nam thì tỷ lệ này đã chiếm khoảng 15 – 20% dân số. Chỉ tính riêng tại BV E (Hà Nội), trong số những người đến khám thì đã có tới 30% người mắc viêm đại tràng.
Người bị viêm đại tràng thường có cảm giác mệt mỏi, ăn ngủ kém, chán ăn, giảm trí nhớ… Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính, người bệnh sẽ gầy yếu, xanh xao, thể lực suy kiệt do thiếu chất dinh dưỡng, thiếu nước và điện giải. Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa đã khuyến cáo: để hạn chế và tránh bệnh phát triển thành mạn tính cũng như bệnh ngày càng nặng hơn, người bị viêm đại tràng cần điều trị tích cực ngay khi phát hiện bệnh. Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính sẽ rất khó chữa trị vì lúc này bệnh đã gây ra những tổn thương sâu, rộng trên biểu mô niêm mạc đại tràng. Nhiều bệnh nhân phải chấp nhận chung sống với bệnh trong nhiều năm hoặc cả đời, thậm chí còn có nguy cơ gặp các biến chứng nặng nề.
Để ngăn chặn bệnh chuyển thành mạn tính, trước tiên, người bệnh cần phải phát hiện bệnh sớm dựa vào các biểu hiện bệnh.
Các dấu hiệu nhận biết bạn có bị viêm đại tràng mạn tính?
- Triệu chứng đầu tiên thường thấy là đau bụng vùng hố chậu, hạ vị, đau dọc theo khung đại tràng cho nên rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh như viêm ruột thừa, bệnh đường tiết niệu hay viêm phần phụ ở nữ giới. Những cơn đau bụng thường là đau quặn từng cơn, cũng có khi đau âm ỉ, bụng trướng, sôi bụng. Khi đau thường mót đi đại tiện, sau khi đi đại tiện thì bụng giảm đau hoặc hết đau.
- Thứ hai là rối loạn đại tiện: triệu chứng này rất đa dạng, chủ yếu là đi lỏng nhiều lần trong ngày, hay mót rặn, phân có thể có nhày mũi hoặc máu. Cũng có khi táo bón kèm nhày mũi hoặc táo lỏng xen kẽ. Nói chung là phân không ổn định, đại tiện không có cảm giác thoải mái.
- Tiếp theo là những triệu chứng toàn thân khác như mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng, chán ăn, giảm trí nhớ, tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng thái quá. Nếu thể bệnh nặng thì thể trạng dễ gầy sút, hốc hác.
Có nhiều người bệnh có thể thấy tình trạng sốt nhẹ, đau do viêm các khớp hoặc viêm đốt sống…
Tốt nhất, khi nhận thấy các dấu hiệu của viêm đại tràng mạn tính như trên, người bệnh nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165132 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66991 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46413 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36529 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30855 lượt xem )