Cách chữa bệnh viêm gan A

Gửi lúc 15:57' 26/04/2013

Thuốc uống:
Trong quá khứ nhiều loại thuốc như methionine, choline, chất cốt từ gan (liver extract), thuốc Cortisol, kích thích tố nữ Estrogen, Amatandine v.v. đã được thử nghiệm trong việc chữa trị bệnh viêm gan A cấp tính. Gần đây nhất, một số thuốc mới với khả năng tàn phá các vi khuẩn loại DNA và RNA trên nhiều phương diện khác nhau cũng được thí nghiệm.

Thí dụ điển hình như Ribavirin, Isoprinosine, Levamisole, v.v. Tiếc thay cho tới nay, vẫn chưa có một phương pháp cũng như thuốc men nào khả quan và hữu hiệu có thể rút ngắn thời gian lành bệnh, một khi vi khuẩn viêm gan A đã xâm nhập vào cơ thể người bệnh.

GAMMA GLOBULIN
Ðây là chất đề kháng lấy từ huyết tương của người khác để truyền thẳng vào máu bệnh nhân. Thuốc chỉ hiệu nghiệm nếu được truyền vào máu trước khi bệnh nhân tiếp xúc với vi khuẩn viêm gan A hoặc trong vòng 2 tuần lễ sau khi bị lây bệnh. Vì thế, thuốc này được dùng để ngừa bệnh hơn là chữa bệnh. Tuy nhiên chất đề kháng này tương đối mắc tiền và có thể mang lại nhiều phản ứng phụ trầm trọng.

DƯỢC THẢO:
Từ xa xưa, một số dược liệu có tác dụng làm mát gan và giải độc cho gan đã được người dân sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như: Cây Diệp hạ châu ( hay còn có tên gọi dân gian là Cây Chó đẻ răng cưa ),  actiso, hoàng bá, vọng cách, nhân trần, cà gai leo..., trong đó, cây diệp hạ châu đắng được đánh giá cao. Theo y học cổ truyền, diệp hạ châu vị đắng hơi ngọt, tính mát, quy kinh vào can, đởm nên có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng tiết mật. Công dụng chính là thanh can lương huyết (mát gan, mát máu), giải độc. Trong dân gian, diệp hạ châu đắng được sử dụng để điều trị viêm gan vàng da, rối loạn tiêu hóa.



TỊNH DƯỠNG:
Một số người cho rằng bệnh nhân viêm gan A cấp tính nên nghỉ ngơi và không nên làm việc quá nặng nhọc. Họ nên thay đổi cách thức ăn uống trong một thời gian ngắn. Nên tránh những thức ăn quá nhiều dầu mỡ. Nên tẩm bổ với những thức ăn và nước uống chứa nhiều chất đường (sugar) hoặc chất bột (starch). Nên ăn khoảng 3,000 đến 4,000 calories mỗi ngày, trong thời gian bị bệnh. (Trung bình chúng ta chỉ cần khoảng 1.800 đến 2.200 calories mỗi ngày, tùy theo tuổi tác và nghề nghiệp cũng như phái giới.)



Ngược lại, một số bác sĩ tin rằng, bệnh nhân viêm gan cấp tính không bắt buộc phải nằm nghỉ một chỗ. Họ có thể tiếp tục hoạt động như thường lệ. Nhưng tránh những công việc quá nặng nhọc, nhất là đối với bệnh nhân lớn tuổi hoặc kém cường tráng. Nếu không bị buồn nôn, họ có thể tiếp tục ăn uống bình thường và không cần kiêng cữ thức ăn nhiều dầu mỡ. Ðể biết thêm chi tiết xin đọc bài Dinh Dưỡng cho Người Bệnh Viêm Gan.

"ÐAU ÐÂU CHỮA ÐÓ" (SYMPTOMATIC TREATMENT)
Như những bệnh cảm cúm thông thường, đa số những bệnh viêm gan A không cần chữa tự nhiên cũng hết. Nếu cần, quý vị có thể dùng một số thuốc như Tylenol khi bị đau nhức, Pepto-bismol, Imodium nếu bị tiêu chảy, hoặc thuốc nhét hậu môn (suppositories) như Tigan, Compazine, v.v., trong lúc nôn ói.  Tuy nhiên, quý vị chỉ nên dùng thuốc trong những trường hợp bất khả kháng mà thôi. Càng ít chừng nào, càng tốt chừng nấy. Uống thuốc khi gan đang bị viêm cấp tính không khác hơn là "châm dầu vào lửa".  Tuyệt đối không được uống thuốc an thần, thuốc ngủ hoặc thuốc có chứa chất rượu. Những phương pháp cổ truyền như đấm bóp (massage), ấn huyệt (acupressure), xoa dầu nóng, cạo gió (coin rubbing), xông hơi (steam bath), châm cứu (acupuncture) nếu được ứng dụng đúng cách có thể thuyên giảm một số triệu chứng như đau nhức, khó chịu, buồn nôn, ói mửa, v.v. mà không gây ảnh hưởng xấu đến lá gan. Hãy tham khảo kỹ lưỡng với bác sĩ của mình mỗi lần dùng các loại thuốc khác nhau, ngay cả khi uống các loại dược thảo.

NHẬP VIỆN:

Nếu bệnh nhân bị đau bụng, buồn nôn, ói mửa liên tục và không ăn uống được; họ cần nhập viện để chữa trị. Thuốc men và thức ăn sẽ được truyền qua đường nước biển, giúp cơ thể của họ chóng phục sức hơn.  Nếu gan bị tàn phá một cách quá mãnh liệt như trong trường hợp viêm gan ác tính (fulminant hepatitis), bệnh nhân cần được chuyển về những trung tâm y khoa đại học để được ghép gan (liver transplant). Tóm lại, cách thức chữa bệnh viêm gan A cấp tính thay đổi theo từng trường hợp, tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân và cũng như kinh nghiệm hành nghề của người y sĩ. Vì bệnh viêm gan A dễ lây nhất trong thời gian TRƯỚC khi phát bệnh, nên bệnh có thể lây lan rất nhanh. Một khi bệnh nhân đã có những triệu chứng như vàng da, bệnh không còn lây nữa. Vì thế, họ không cần phải nằm riêng biệt trong những phòng đóng kín. Như viết ở trên, viêm gan A không gây ra bệnh viêm gan kinh niên và không đưa đến chai gan hoặc ung thư gan.
 

(Theo Maxreading.com)