Biến chứng nguy hiểm do xoắn đại tràng

Gửi lúc 14:23' 04/08/2016

Xoắn đại tràng là một bệnh gây tắc nghẽn và thiếu máu cục bộ, hay gặp ở đại tràng xích ma và manh tràng, ít gặp hơn là xoắn tràng ngang và đại tràng góc lách. Vòng xoắn có thể có từ 180 - 540 độ. Xoắn đại tràng gây trướng ruột cục bộ, do nhu động ruột đẩy phân và khí đến vị trí xoắn gây tăng áp lực. Áp lực này có thể cao hơn áp lực tĩnh mạch thì tâm trương. Tắc nghẽn tĩnh mạch và giảm tưới máu động mạch do xoắn mạc treo dẫn đến thiếu máu cục bộ, hoại tử và thủng đại tràng.

 

Các dạng bệnh thường gặp

Xoắn đại tràng xích ma là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 8% các trường hợp tắc ruột, gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể tiến triển mạn tính, bán cấp hay cấp tính. Tuy nguyên nhân gây xoắn đại tràng xích ma chưa được biết rõ, nhưng các nhà chuyên môn biết các yếu tố dễ gây bệnh là: đại tràng xích ma dài, hai chân đại tràng xích ma gần nhau; người bị bệnh táo bón; bệnh nhân bị phình đại tràng bẩm sinh.

Xoắn manh tràng chiếm khoảng 1-3% các trường hợp tắc ruột, hay gặp ở người độ tuổi 20-40. Sự bất thường về cố định đại tràng lên và manh tràng vào thành bụng là nguyên nhân chính gây ra xoắn manh tràng. Các yếu tố dễ gây bệnh là: phụ nữ có thai, u vùng chậu, người có thói quen ăn quá nhiều, quá no. Có hai thể xoắn manh tràng là xoắn thật sự do manh tràng xoay quanh trục đại tràng lên, chiếm 2/3 số ca bệnh, dễ dẫn đến hoại tử; hai là gập góc manh tràng, manh tràng bị gập lên trên và vào giữa theo trục ngang.

Bệnh nhân bị xoắn đại tràng thường có các dấu hiệu gì?

Đau bụng dữ dội, khởi đầu đau khu trú, sau cơn đau có thể lan rộng khắp vùng bụng. Trướng bụng là một triệu chứng quan trọng, nếu trướng ở bên phải cần nghĩ đến xoắn manh tràng; trướng bụng ở phía bên trái thường là xoắn đại tràng xích ma. Chỉ trong vài giờ, toàn bộ bụng phình to. Buồn nôn xảy ra trước khi nôn, nấc cục. Bí trung và đại tiện. Nếu không được phát hiện bệnh và điều trị sớm có thể dẫn đến sốc với biểu hiện: mạch nhanh, yếu, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết, khó thở, sốt. Bệnh nhân bị xoắn đại tràng xích ma mạn tính thường trướng bụng, nặng bụng dưới và táo bón. Xoắn manh tràng mạn tính thường biểu hiện bằng hội chứng bán tắc ruột.

 

Trên thực tế rất khó phân biệt giữa xoắn đại tràng xích ma cấp tính và xoắn manh tràng cấp tính. Xoắn đại tràng xích ma thường gặp ở người lớn tuổi. Triệu chứng xoắn đại tràng cấp tính: đau bụng, bụng trướng nhanh; nôn ói; bí trung và đại tiện; bụng trướng hơi nhiều và trướng không đều. Nếu xoắn đại tràng hoại tử có biểu hiện: sốt, bụng ấn đau; khi thủng đại tràng có triệu chứng viêm phúc mạc toàn thể với sốc và triệu chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc. Bác sĩ thăm trực tràng thấy bóng trực tràng trống. Chụp Xquang bụng có thể chẩn đoán xác định 60-70% các trường hợp xoắn đại tràng xích ma. Chụp Xquang bụng cũng có thể chẩn đoán xác định hầu hết các trường hợp xoắn manh tràng.

Điều trị như thế nào?

Xoắn đại tràng xich ma: tháo xoắn qua ngả trực tràng khi chưa hoại tử đại tràng. Bệnh nhân nằm nghiêng trái, luồn ống thông mềm vào trực tràng dưới sự hướng dẫn của màn huỳnh quang hay nội soi trực tràng. Khi hơi và dịch phân thoát ra thì lưu ống trong 48 giờ. Sau khi tháo xoắn, bệnh nhân được theo dõi sát trong vòng 12 giờ đầu để phát hiện sớm hoại tử đại tràng tiếp diễn. Phẫu thuật cấp cứu: khi thủng hay hoại tử đại tràng; trước đó tháo xoắn qua ngả trực tràng thất bại.

Xoắn manh tràng: chưa có dấu hiệu hoại tử, cố gắng điều trị bảo tồn bằng tháo xoắn qua thụt barium (hay nội soi đại tràng). Sau đó xếp lịch mổ để đính manh tràng và đại tràng lên vào thành bụng. Nếu tháo xoắn qua thụt barium thất bại hoặc có dấu hiệu hoại tử manh tràng, phải phẫu thuật điều trị.

Lời khuyên của bác sĩ

Trong các yếu tố gây xoắn đại tràng, ngoại trừ các yếu tố bẩm sinh  có những yếu tố có thể phòng tránh được như: bệnh táo bón, người có thói quen ăn quá nhiều. 

Bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh táo bón và xoắn đại tràng như sau: uống đủ nước hàng ngày, đối với trẻ em lứa tuổi còn bú sau các bữa ăn bà mẹ cần cho con uống thêm nước, tốt nhất là nước cam, chanh... Trẻ em ở tuổi đi học, cần chú ý cho các cháu uống đủ nước. Đối với người cao tuổi và người lớn, ngoài bữa ăn cần uống ít nhất 1 lít nước mỗi ngày, trong những ngày nắng nóng cần uống 2 lít/ngày. Những người bệnh sốt cao có thể mất 2-3 lít nước mỗi ngày qua mồ hôi, nên sau khi hết sốt thường bị táo bón, vì vậy, khi đang sốt phải thường xuyên cho uống nước hoặc ăn các thức ăn lỏng như cháo, súp, nước trái cây. Mọi người cần ăn đủ chất xơ như rau xanh, trái cây. Tập thói quen đi đại tiện vào một giờ cố định, tốt nhất là vào sáng sớm. Mọi người chỉ nên ăn vừa no, tránh thói quen ăn quá no, quá nhiều để vừa tránh bệnh thừa cân béo phì, vừa tránh được bệnh táo bón.