Biến chứng của viêm đại tràng mạn tính

Gửi lúc 11:22' 28/09/2015

Viêm đại tràng mạn tính là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

 

Căn nguyên gây viêm đại tràng mạn tính

Bệnh viêm đại tràng mạn tính có nhiều nguyên nhân khác nhau, thông thường do đại tràng mắc bệnh cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm. Một số nguyên nhân thường gặp là viêm đại tràng do lỵ amíp.

Đầu tiên là bệnh lỵ amíp cấp tính, nếu không được điều trị hoặc điều trị dở dang thì bệnh nhanh chóng trở thành kiết lỵ mạn tính và đó là một loại bệnh viêm đại tràng mạn tính rất hay tái phát.

 

 

Bệnh viêm đại tràng do vi khuẩn lao cũng là một bệnh có thể gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Đây là bệnh lao ruột xuất phát sau lao phổi do người bệnh nuốt đờm từ phổi bị lao, vi khuẩn lao xuống dạ dày rồi đến ruột gây nên lao ruột. Lao đại tràng cũng có thể gặp loại nguyên phát do bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn lao qua đường ăn uống. Viêm đại tràng mạn tính có thể gặp do rối loạn thần kinh thực vật gây nên hội chứng ruột kích thích. Bệnh có thể gặp ở một số người bị bệnh viêm loét dạ dày mạn tính làm tăng tiết dịch vị trường diễn, dịch vị xuống ruột và gây nên bệnh viêm đại tràng mạn tính, đây là một loại bệnh  viêm đại tràng mạn tính gặp khá phổ biến ở người cao tuổi nước ta.

Biến chứng của viêm đại tràng mạn tính

Viêm đại tràng mạn tính ở người cao tuổi còn thể gặp trong một số trường hợp do vi khuẩn kỵ khí ở đường ruột, điển hình là vi khuẩn Clostridiun difficile. Bệnh xảy ra trong trường hợp lạm dụng thuốc kháng sinh đường ruột, sử dụng dài ngày làm cho vi khuẩn này quen thuốc, gây viêm đại tràng màng giả hoặc bị loạn khuẩn. Viêm đại tràng mạn tính cũng có thể gặp trong các trường hợp thương tổn co thắt, phù nề và xơ hóa gây hẹp lòng ruột dẫn đến tắc ruột, rò ruột, áp-xe và rò cạnh hậu môn, được gọi là bệnh Crohn. Ngoài ra, một số người cao tuổi là nữ giới do mắc bệnh ác tính ở phần phụ (ung thư cổ tử cung), sau khi xạ trị có thể gây nên viêm đại tràng mạn tính.

Viêm đại tràng mạn tính cũng có thể gặp trong một số trường hợp không xác định được căn nguyên gây bệnh (viêm đại tràng vô căn).

Sức đề kháng của người cao tuổi bị suy giảm lại thiếu dinh dưỡng, hay lo lắng thái quá hoặc do có thói quen ăn quá nhanh, thời gian nghỉ ngơi sau ăn ngắn hoặc thường sử dụng đồ ăn nhanh, chế biến sẵn (nhiều calo nhưng ít các vitamin), ăn ít rau xanh, uống nhiều bia rượu, thức khuya và tính chủ quan xem thường... cũng là những yếu tố thuận lợi để bệnh viêm đại tràng mạn tính xuất hiện.

Triệu chứng

Viêm đại tràng mạn tính là một bệnh dai dẳng, hay tái phát. Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, ăn kém, chán ăn, ăn không tiêu, thường bị rối loạn tiêu hóa (đi lỏng, phân lúc lỏng lúc sền sệt, lúc táo bón), da xanh, gầy sút, tinh thần căng thẳng cho nên hay cáu gắt vô cớ.

 

 

Người bệnh thường đau bụng vùng hố chậu, hạ vị, đau dọc theo khung đại tràng cho nên dễ nhầm với một số bệnh (viêm ruột thừa, bệnh đường tiết niệu, viêm phần phụ ở nữ giới). Thường đau quặn bụng, đau từng cơn, có khi đau âm ỉ, bụng trướng, sôi bụng. Khi đau thường mót đi đại tiện, sau khi đại tiện thì bụng giảm đau hoặc hết đau, nhất là trong bệnh hội chứng ruột kích thích.

Nếu viêm đại tràng mạn tính do lỵ amíp thì người bệnh thỉnh thoảng lại xuất hiện đi đại tiện có phân nhầy lẫn máu kèm cảm giác mót rặn và đau bụng quặn từng cơn (trong viêm đại tràng mạn tính do lao cũng có đi ngoài ra máu, nhầy mũi, mót rặn từng cơn nhưng thường có sốt về chiều và hơn 50% có tổn thương lao ở phổi khi chụp X-quang). Nếu có điều kiện cần xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng, xác định vi khuẩn lao, xác định có bị loạn khuẩn hay không. Nội soi hoặc chụp khung đại tràng có thuốc cản quang là những kỹ thuật thường được áp dụng ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện về trang thiết bị và bác sĩ chuyên khoa.

Viêm đại tràng mạn tính nếu không được được điều trị thì có thể gây nên những hậu quả xấu (biến chứng) cho người bệnh. Do rối loạn tiêu hóa kéo dài bởi đại tràng bị viêm, loét (lỵ amíp, lao), ăn kém, ngủ kém cho nên dễ dẫn đến suy kiệt (suy dinh dưỡng), thậm chí gây tắc ruột, thủng đại tràng hoặc xuất huyết ồ ạt. Nếu lao đại tràng (lao ruột) có thể dẫn đến lao màng bụng.

Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh

Điều trị viêm đại tràng mạn tính ở người cao tuổi phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu không xác định được nguyên nhân gây bệnh thì việc điều trị dứt điểm sẽ bị hạn chế hoặc không thành công. Do đó, người nghi mắc bệnh viêm đại tràng mạn tính nên khám bệnh càng sớm càng tốt, để khi đang bị viêm đại tràng cấp được điều trị kịp thời, bệnh chóng khỏi, tránh để chuyển thành mạn tính. Không tự động mua thuốc đại tràng để tự điều trị hoặc dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác cũng bị viêm đại tràng mạn tính để điều trị cho mình. Bởi vì, mỗi một người viêm đại tràng mạn tính có thể do các nguyên nhân khác nhau (không thể dùng thuốc điều trị viêm đại tràng mạn tính do lao để điều trị cho người bị viêm đại tràng mạn tính do lỵ amíp hoặc do loạn khuẩn đường ruột hoặc ngược lại…).