Ăn uống sau mổ ung thư đại trực tràng

Gửi lúc 14:41' 21/07/2016

Việc chăm sóc, dinh dưỡng đúng cách cho bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng là cực kỳ quan trọng, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhân.

 

 

Nhu cầu tăng dinh dưỡng và năng lượng giúp làm lành vết thương, chống nhiễm trùng và phục hồi phục sức khỏe sau cuộc mổ. Bệnh nhân suy dinh dưỡng trước mổ sẽ làm thời gian hồi phục kéo dài, vết thương chậm lành và biến chứng nhiễm trùng vết mổ là không thể tránh khỏi, do đó cần chăm sóc dinh dưỡng tích cực trước khi mổ.

Hơn nửa số bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác nhau được điều trị đầu tiên bằng phẫu thuật. Các bác sĩ có thể cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần cơ quan bị bệnh, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng ăn và tiêu hóa thức ăn. Ở những bệnh nhân phẫu thuật vùng đầu cổ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tác động nhai nuốt, nếm, ngửi thức ăn và nuốt nước bọt. Khi phẫu thuật thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng thì sẽ ảnh hưởng đến sự vận chuyển thức ăn và tiêu hóa thức ăn. Một điều không thể bỏ qua là cảm xúc căng thẳng về cuộc mổ cũng ảnh hưởng đến sự ngon miệng của người bệnh.

Liệu pháp dinh dưỡng có thể giúp làm giảm mất cân bằng dinh dưỡng do phẫu thuật gây ra, bổ sung dinh dưỡng qua đường uống, đường ruột, đường tĩnh mạch, các loại thuốc làm tăng thêm sự thèm ăn. Tránh các loại nước uống có ga (sô-đa) và các loại thức ăn gây ra khí như: đậu, đậu Hà Lan, bông cải xanh, bắp cải, củ cải, dưa leo. Chọn thức ăn giàu protein và nhiều calo (trứng, phó mát, sữa, kem, các loại hạt, bơ đậu phộng, thịt gia cầm, cá…).

 

Ở những bệnh nhân bị táo bón, nên tăng thêm chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày (ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau củ quả, trái cây…). Việc hồi phục chức năng sinh lý đường ruột của bệnh nhân ung thư đại trực tràng trở về bình thường khoảng một tuần sau mổ. Chế độ ăn không thay đổi so với trước mổ, tuy nhiên ở những bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng (ruột kết) cần giảm bớt lượng chất xơ trong thời gian vài tháng đầu sau mổ.