Ăn uống đúng cách khi bị viêm đại tràng
Bệnh lý viêm đại tràng mạn thực ra nó là tên gọi chung cho một nhóm bệnh do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường gặp là do vi trùng lao, Amibe. Ngoài ra, còn một số bệnh viêm đại tràng mãn khác mà không tìm rõ căn nguyên như viêm đại tràng xuất huyết.
Đại tràng là đoạn ruột tiếp theo sau khi kết thúc đoạn ruột non, nó có chức năng là tái hấp thu các chất dinh dưỡng, nước, các chất khoáng, điện giải, vì thế nếu do một nguyên nhân nào đó gây xáo trộn chức năng hay gây ra tình trạng viêm nhiễm ở đoạn ruột này ta gọi là viêm đại tràng.
Để chẩn đoán được căn nguyên của bệnh viêm đại tràng mạn tính thường phải dùng đến những phương tiện cận lâm sàng như X-Quang đại tràng có cản quang để khảo sát hình ảnh của đại tràng hay dùng phương pháp nội soi đại tràng, nhưng hiện nay phương pháp hữu hiệu nhất là nội soi đại trực tràng. Tuy nhiên, nội soi đại tràng có chống chỉ định nên không phải lúc nào và bệnh nhân nào cũng nội soi được.
Về điều trị viêm đại tràng mạn tính, ngoài việc dùng thuốc tùy theo nguyên nhân gây bệnh thì chế độ ăn cũng góp phần không nhỏ trong quá trình điều trị. Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng tùy theo giai đoạn của bệnh góp phần làm giảm sự kích thích niêm mạc của đại tràng giúp cho đại tràng có cơ hội được nghỉ ngơi nhằm nâng cao khả năng hồi phục của đại tràng. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn phù hợp theo các trình tự như sau:
Trong những ngày không có triệu chứng của bệnh, người bệnh có thể tự do lựa chọn những món ăn hợp khẩu vị, giàu chất dinh dưỡng để ăn và bồi dưỡng cơ thể. Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng với những chất kích thích như thức ăn có nhiều chất cay, tuyệt đối không được dùng cà phê, chocolate, trà hay các chất giàu chất béo, chất mỡ như các món ăn xào, chiên… vì khi đó sẽ làm cho niêm mạc đại tràng gia tăng kích thích và bệnh sẽ nặng thêm. Thông thường tâm lý của người bệnh là rất kiêng dè không dám ăn bất kể là khi có hoặc không có triệu chứng của bệnh, vì sợ ăn vào sẽ làm cho đau đớn, khó chịu cho nên rất dễ xảy ra tình trạng suy nhược cơ thể.
Khi có triệu chứng của bệnh, tùy theo tình trạng bệnh mà chúng ta thực hiện chế độ ăn cho thích hợp.
Nếu bị táo bón: cần tăng cường thêm chất xơ để cải thiện tình trạng đi tiêu đồng thời phải thực hiện tiết chế giảm chất mỡ, giảm chất béo. Cần chia các bữa ăn chính ra thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, có thể 2 - 3 giờ ăn một lần để giảm tải cho đại tràng.
Nếu bị tiêu chảy: không nên ăn chất xơ, không ăn rau, củ, quả sống, các loại trái cây chế biến dạng khô, trái cây đóng hộp. Tuy nhiên, trái cây xay thì có thể dùng được.
Các sản phẩm từ sữa, tốt nhất là không dùng vì trong sữa có đường lactose là một loại đường rất khó tiêu hóa hơn nữa trong sữa còn có chất đạm có thể gây phản ứng dị ứng ở đường ruột làm cho niêm mạc ruột sưng phù gây nên tình trạng tiêu chảy nhiều hơn. Tuy nhiên đối với sữa đậu nành thì ta có thể dùng được vì trong sữa đậu nành không có những chất gây hại trên đại tràng.
Với người bệnh viêm đại tràng mạn tính, khi có các bệnh lý đau nhức đi kèm thì mỗi khi điều trị cần khai báo cẩn thận với bác sĩ điều trị về bệnh viêm đại tràng mãn. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc ở các hiệu thuốc về điều trị đau nhức vì các thuốc giảm đau kháng viêm thuộc nhóm nonsteroides như Aspirine, Ibuprofenè, Voltarene… có tác dụng gây loét niêm mạc đường tiêu hóa trong đó có niêm mạc đại tràng dễ dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Người bệnh viêm đại tràng mạn tính phải có tinh thần lạc quan, an tâm trong điều trị, tin tưởng tuyệt đối vào bác sĩ, tránh âu lo phiền muộn, nhất là stress sẽ làm tình trạng bệnh càng thêm trầm trọng, khó khỏi.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165132 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66991 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46413 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36529 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30855 lượt xem )