4 triệu chứng bệnh lồng ruột ở trẻ còn bú
Đối với trẻ còn bú, bất cứ bệnh tật gì xảy đến đều rất nguy hiểm. Đôi khi một số bệnh xảy ra cho trẻ lại xuất phát chính từ mong muốn chăm sóc tốt nhất cho bé của bố mẹ nhưng thực hiện không đúng cách. Bệnh lồng ruột là một trong những bệnh như vậy.
Lồng ruột ở trẻ
Bệnh lồng ruột xảy ra khi một khúc ruột bên trên di chuyển và chui vào khúc ruột phía dưới (hoặc ngược lại) làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ do kích thước của ruột non và ruột già quá chênh lệnh nhau.
Nguyên nhân của bệnh có rất nhiều. Có thể do bố mẹ vui đùa bé quá mức hoặc bé ăn quá nhiều, cũng có thể do nhu động ruột của trẻ bị bất ngờ biến đổi do thay đổi loại sữa trẻ đang dùng. Ngoài ra, các bệnh như u ở ruột, tiêu chảy… sẽ khiến bệnh có nhiều khả năng xuất hiện hơn.
Có hai phương pháp xử trí bệnh lồng ruột là: tháo lồng bằng bơm hơi vào đại tràng (đây là phương pháp hiệu quả mà không phải mổ tuy nhiên phải xứ trí sớm trước 48 giờ); mổ để tháo lồng (khi trẻ đến muộn sau 48 giờ, có dấu hiệu tắc ruột, có viêm phúc mạc).
Khi mắc bệnh, trẻ thường có 4 triệu chứng chính sau đây:
1. Khóc thét từng cơn
Trẻ đang ăn, chơi bình thường đột nhiên khóc thét từng cơn. Trong cơn khóc, trẻ ưỡn người, bỏ bú, khóc kéo dài độ vài phút sau đó nằm yên 10-15 phút lại tỉnh dậy, có thể bú một ít rồi lại khóc tiếp. Trẻ khóc là do cơn đau bụng dữ dội. Khóc nhiều khiến trẻ mệt, mặt trắng bệch, lưng cong ưỡn lên, hai tay nắm chặt, chân co lại hay đạp lung tung.
2. Nôn mửa
Sau khi quấy khóc lần đầu, trẻ bắt đầu nôn. ở giai đoạn sớm, trẻ nôn ra thức ăn chưa kịp tiêu hóa; ở giai đoạn muộn trẻ nôn ra mật xanh vàng, sau đó nôn ra dịch dạng phân.
3. Đi ngoài ra máu
Trẻ bị lồng ruột đi ngoài ra phân có chất nhầy giống hoặc có máu đỏ sẫm. Thông thường, sau 4-12 tiếng bị lồng ruột là trẻ đi ngoài ra máu.
4. Bụng nổi cục
Khi trẻ nằm yên, sờ tay vào dưới bụng phải hoặc trên rốn có thể thấy một khối nổi lên, trơn nhẵn, không cứng, đó là khối lồng của ruột. Lúc trẻ mới bị lồng ruột, nếu sờ vào hố chậu bên phải thì thấy rỗng vì ruột ở đây đã chui vào khối lồng rồi.
Ngoài 4 triệu chứng chính trên, nếu trẻ bị lồng ruột ở giai đoạn sớm thì không có triệu chứng sốt, không có dấu hiệu suy sụp, mất nước. Tuy nhiên nếu ở giai đoạn muộn, sau 12 tiếng thì trẻ thường có có dấu hiệu tắc ruột, viêm phúc mạc, đại tiện ra máu, nôn ra phân, cơn khóc có ít đi, trẻ lờ đờ, da xanh tái, sốt 39-40 độ C, bụng chướng và khó sờ thấy khối lồng.
Nhìn chung, nếu thấy trẻ có 4 triệu chứng kể trên thì nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời vì lồng ruột cấp tính không thể tự tháo ra được. Nếu bệnh không được chẩn đoán sớm và cấp cứu kịp thời thì sẽ dẫn đến hoại tử ruột gây viêm phúc mạc và tử vong.
St
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165133 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66992 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46414 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36529 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30860 lượt xem )