Cách điều trị chứng hôi miệng ở trẻ

Gửi lúc 15:57' 21/09/2015

Khi trẻ bị hôi miệng hoặc hơi thở của bé có mùi hôi thường các mẹ sẽ không chú ý, nhưng đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh mà trẻ đang mắc phải. Nguyên nhân gây ra hôi miệng có thể do răng miệng của bé có vấn đề, bé vệ sinh răng miệng không đúng cách, hoặc bé bị bệnh tai mũi họng hay đường tiêu hóa.

 

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây nên hôi miệng ở trẻ nhưng 70% trường hợp là do răng miệng.

Vệ sinh răng miệng kém

Trẻ em từ khoảng 2 tuổi trở đi thì số răng đã mọc đủ, nước bọt đã nhiều, trẻ đã tập ăn cơm, cá thịt hay những thứ rau mềm. Sau khi trẻ ăn, nếu không làm vệ sinh răng miệng thì những thức ăn này sẽ còn lại ở răng của trẻ cũng có thể gây mùi hôi. Những vi khuẩn bình thường sống trong miệng và sẽ tương tác với thức ăn thừa mắc lại ở giữa các kẽ răng, ở lợi, trên lưỡi hay bề mặt amiđan ở dưới họng. Đây là những nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi, đặc biệt nếu thực phẩm ở trong miệng một thời gian dài. Hôi miệng cũng có thể do trẻ viêm lợi hoặc viêm quanh răng, răng sâu gây viêm tuỷ răng

Bệnh hay dị ứng

Ngoài nguyên nhân do vấn đề vệ sinh răng miệng, hôi miệng cũng có thể là triệu chứng khi bé mắc các bệnh như viêm mũi, viêm xoang, viêm amiđan có hốc, u ở họng, viêm phế quản, viêm phổi, thoát vị bẹn hoặc dị ứng theo mùa, một số trẻ có thể bị trào ngược dạ dày hoặc nôn trớ.

Ngoài ra, một số bệnh, thường kèm theo các triệu chứng gây mùi trong hơi thở: tình trạng nhiễm toan và tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường tạo nên các mùi xêton. Bệnh nhân suy gan, hơi thở có mùi hôi đặc trưng. Do vậy, muốn biết hôi miệng do nguyên nhân gì, cách khắc phục thế nào bạn nên đưa bé đến bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị.

Khô miệng

Nếu bé thở đường miệng bởi vì đang bị ngạt mũi thì vi khuẩn trong miệng càng có cơ hội tăng trưởng.

Dị vật ở mũi

Hột đậu, đỗ hay một dị vật nào đó mà trẻ nhét vào mũi làm tổn thương niêm mạc mũi và gây bội nhiễm khiến cho khi ngửi ở mồm hoặc mũi trẻ có mùi rất hôi.

Ăn những thực phẩm nặng mùi

Nếu bé thích các món ăn có nhiều tỏi, hành thì chúng có thể là thủ phạm gây ra hơi thở hôi

Khắc phục

 

 

- Cho trẻ đánh răng đúng cách, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ, cạo sạch bẩn ở lưỡi, có thể dùng thêm dung dịch sát trùng miệng. Trẻ nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ăn. Nên đánh ít nhất 2 phút mỗi lần.

- Giảm bớt các gia vị như tỏi, hành, cari,… trong chế biến các món ăn cho trẻ.

- Cho trẻ uống đủ nước, nhất là khi đi ngủ để làm giảm mùi khi thức dậy.

- Cho trẻ đi kiểm tra răng định kỳ 6 tháng 1 lần để kịp thời điều trị.

Một số cách điều trị hôi miệng ở trẻ

- Dùng mật ong và quế: đây là bài thuốc dễ dùng nhất cho trẻ nhỏ vì có tính ngọt. Cách dùng, hàng ngày cho pha 2 muỗng cafe mật ong, 1 muỗng cafe bột quế hòa tan với 70ml nước ấm, súc miệng 3 – 4 lần/ngày sau khi đánh răng để loại bỏ triệt để những vi khuẩn còn bám ở chân răng.

 

 

- Rau hương nhu sắc kỹ, dùng nước súc miệng cho bé nhiều lần trong ngày.

- Nghiền mịn hạt mướp đắng, hòa với mật rồi vo thành viên, cho bé ngậm vào mỗi sáng — Thái nhỏ 100g lá trầu không, sắc với 200ml  nước đến khi đặc, dung nước này súc miệng cho bé, ngày 3-4 lần. Phương pháp này cũng rất hiệu quả trong việc điều trị chứng viêm chân răng có mủ ở trẻ.

- Mùi tàu 1 nắm, sắc lấy nước đặc, thêm vào vài hạt muối làm nước súc miệng cho bé. Làm nhiều lần trong ngày, liên tục trong 5-6 ngày.