Bệnh tiêu chảy
Trong thời gian qua, báo chí và các quan chức y tế bàn nhiều về nguyên nhân của bệnh tiêu chảy cấp tính (mà báo chí ngày nay gọi là“tiêu chảy cấp nguy hiểm”). Các bàn thảo này cho ấn tượng rằng ăn thịt chó hay mắm tôm là nguyên nhân của bệnh tiêu chảy cấp tính. Nhưng sự thật có lẽ không đơn giản như thế. Trong bài này, chúng tôi trình bày các thông tin đơn giản để bạn đọc hiểu được bệnh tốt hơn.
Bệnh danh
Thật ra, nhiều người trong y khoa rất ngạc nhiên với cụm từ “tiêu chảy cấp nguy hiểm”. Có người nói rằng họ chưa bao giờ thấy bệnh danh này trong thời gian học ở trường y. Chúng tôi không tìm thấy một bệnh danh tiếng Anh nào tương đương với “tiêu chảy cấp nguy hiểm” trong ICD-10.
Chúng tôi tra Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, Nxb Đà Nẵng 1998) thì thấy định nghĩa chữ cấp như sau: “mặt phẳng hẹp làm bậc để bước lên; loại hạng trong một hệ thống (xếp theo trình độ cao thấp, trên dưới; gấp, kíp (như việc cấp lắm)”.
Quay sang định nghĩa “cấp tính” chúng tôi thấy Từ điển định nghĩa như sau: “(bệnh) ở trạng thái phát triển nhanh; trái với mãn tính”.
Như vậy, trong tiếng Việt, chữ cấp trong “tiêu chảy cấp nguy hiểm” là không chuẩn tiếng Việt. Chúng tôi tự hỏi tại sao chúng ta không sử dụng “Tiêu chảy cấp tính” (mà tiếng Anh gọi là “acute diarrhea”) cho chuẩn?
Thỉnh thoảng chúng tôi thấy báo chí Việt Nam dịch cụm từ “tiêu chảy cấp nguy hiểm” sang tiếng Anh là “severe acute watery diarrhea” hay có khi là “severe acute diarrhea”, nhưng cách dịch này không đúng. Chữ severe trong tiếng Anh có nhiều nghĩa nhưng không có nghĩa nào để dịch là nguy hiểm cả. Thật ra, severe trong văn cảnh y khoa có nghĩa là nặng, nghiêm trọng, gay go. Do đó, trong bài này chúng tôi sử dụng cụm từ “tiêu chảy cấp tính” thay vì “tiêu chảy cấp”.
Với thói quen ăn uống bình thường như ở nước ta (ba bữa ăn sáng, trưa, và chiều) một người bình thường bài tiết ra khoảng 100 đến 200 g phân. Tần số đi tiêu có thể dao động từ 3 lần một ngày đến 3 lần một tuần.
Do đó, theo tiêu chuẩn lâm sàng, tiêu chảy được định nghĩa là sự gia tăng số lần đi tiêu trong một ngày (trên 3 lần), trọng lượng phân cao bài tiết trên 200 g/ngày. Cụ thể hơn:
* Người lớn: đi tiêu với phân bài tiết trên 200 g/ngày [1].
* Trẻ em: đi tiêu với phân bài tiết trên 20 g/ngày.
* Tiêu ra chất lỏng trong phân.
Bình thường, phân người chứa khoảng 60 đến 90% nước; nhưng người mắc bệnh tiêu chảy thì phân hàm chứa trên 90% nước. Phân có thể chứa nhiều nước vì do chuyển hóa quá nhanh qua hệ thống tiêu hóa; nếu một thành phần của phân ngăn chận ruột già hấp thu nước, hay nếu nước bị thải bởi ruột già vào phân. Theo qui luật thông thường, ruột có thể hấp thu một lượng nước lớn hơn lượng nước cần thiết mỗi ngày. Tuy nhiên, khi khả năng dự trữ bị áp đảo (tràn ngập) thì tiêu chảy sẽ xảy ra.
Cần phải phân biệt tiêu chảy với chứng tiêu đùn (fecal incontinence) thường hay thấy ở những bệnh nhân với cơ chậu (pelvis muscle) yếu hay rối loạn ruột thẳng và hậu môn (anorectal dysfunction). Người với chứng tiêu chảy giả (Pseudo-diarrhea hay hyperdefecation) cũng đi tiêu nhiều lần nhưng trọng lượng phân không tăng như thấy ở các bệnh nhân rối loạn đường ruột hay tăng năng tuyến giáp (hyperthyroidism).
Bệnh tiêu chảy có thể phân loại theo thời gian mắc bệnh (cấp tính hay mãn tính), cơ chế bệnh (thấm lọc - osmotic hay bài tiết - secretory), độ nghiêm trọng (nhỏ hay lớn), hay đặc điểm của phân (nước, chất béo, hay có máu). Trong thực hành lâm sàng, thời gian mắc bệnh và đặc điểm bệnh là hai yếu tố có ích nhất trong việc chẩn đoán và điều trị.
Tiêu chảy cấp tính được định nghĩa là tình trạng tiêu chảy kéo dài dưới 4 tuần (có nơi định nghĩa dưới 2 tuần). Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 4 tuần, ca bệnh được xem là tiêu chảy mãn tính.
Tiêu chảy thẩm thấu (osmotic diarrhea) là loại tiêu chảy do một loại dung dịch mà ruột không thể hấp thu hay tiếp thu rất khó, và từ đó gây áp lực thẩm thấu đến màng nhầy trong ruột, và hệ quả là bài thải nước thái quá. Loại tiêu chảy này thường ngưng khi bệnh nhân ngưng ăn một thời gian ngắn.
Tiêu chảy xuất tiết (secretory diarrhea) là một sự rối loạn về chuyển tải ion trong các tế bào biểu mô của ruột làm gia tăng sự bài tiết, giảm hấp thu, hay cả hai. Với loại tiêu chảy này, ngưng ăn không làm hết bệnh. Một ví dụ cổ điển của tiêu chảy cấp tính bài tiết là bệnh tả, và các ca bệnh nhiễm vi khuẩn enterotoxigenic E coli (ETEC).
Khi nào cần đi gặp bác sĩ
Mặc dù tiêu chảy thường không nghiêm trọng và bệnh nhân tự hồi phục, nhưng trong trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân cần phải đi gặp bác sĩ. Những trường hợp sau đây cần đến tư vấn của bác sĩ:
* Đi tiêu chảy hơn 3 ngày
* Cảm thấy đau bụng hay đau ruột dữ dội
* Nhiệt độ trong người trên 38 độ C
* Đi tiêu chảy có máu trong phân hay phân màu hắc ín
* Dấu hiệu mất nước.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy. Một số nguyên nhân thông thường của tiêu chảy cấp tính là: nhiễm vi khuẩn, nhiễm trùng, ký sinh trùng, thuốc men, và rối loạn đường ruột. Theo y văn, khoảng 30-40% ca tiêu chảy là do nhiễm vi khuẩn, 20-30% do nhiễm vi trùng (riêng E. coli O157 là nguyên nhân của khoảng 30% các ca tiêu chảy ra máu)
Tác nhân vi-rút
Nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp tính là nhiễm vi rút. Trường hợp này còn được biết đến như là viêm dạ dày ruột do virus (viral gastroenteritis) hay có vẻ văn hoa một chút là “cúm dạ dày” (stomach flu)
Có nhiều loại vi rút có thể gây tiêu chảy cấp tính, thông thường là:
* Rotavirus (thường là nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ em)
* Adenovirus
* Caliciviruses
* Astrovirus.
Tác nhân vi trùng
Một số vi trùng (hay còn gọi là “vi khuẩn”) có thể là nguyên nhân của tiêu chảy:
* Staphylococcus aureus (S. aureus) – thường hay nhiễm các loại thịt đã qua xứ lí công nghệ và các loại bánh làm bằng sữa.
* Clostridium perfringens – thường hay nhiễm các thực phẩm được hâm ấm.
* Bacillus cereus – thường lây nhiễm qua gạo và đậu, kể cả giá sống.
* Salmonella – hay nhiễm trứng gà, trứng vịt và gia cầm. Sốt thương hàn thường do nhiễm trùng Salmonella typhi.
* Shigella – vi khuẩn/trùng này là nguyên nhân của bệnh tiêu chảy thường được phát hiện trong các nhà giữa trẻ, các làng ở nông thôn.
* Escherichia coli (E. coli) – hay nhiễm thịt chưa nấu chín; tuy nhiên, các trận dịch tiêu chảy E. coli thường liên quan đến giá sống, nước trái cây chưa qua diệt khuẩn theo phương pháp Pasteur, các loại nem chua, rau cải, và phó mát.
* Campylobacter jejuni – thường nhiễm chim, gà, vịt. Vi khuẩn này thường được phát hiện ở các nhà có nuôi gia cầm.
* Yersinia enterocolitica – một vi khuẩn/trùng gây nhiễm trùng Yersin (yersiniosis). Nhiễm trùng này thường xảy ra khi ăn thịt và sữa bị nhiễm trùng.
* Vibrio parahaemolyticus – một loại nhiễm trùng thường do ăn đồ biển sống, nhất là hàu.
* Vibrio cholerae – vi trùng/khuẩn gây bệnh tả, thường hay thấy ở các nước đang phát triển, và là hệ quả của nguồn nước bị ô nhiễm.
Ký sinh trùng
Ký sinh trùng có thể vào cơ thể chúng ta qua đường thực phẩm hay nước và “đóng đô” ở hệ thống tiêu hóa. Các ký sinh trùng có thể gây tiêu chảy bao gồm:
* Giardia lamblia – ký sinh trùng này thường làm ô nhiễm nguồn nước, Giardia còn là nguyên nhân phổ biến của bệnh tiêu chảy ở người đồng tính luyến ái.
* Entamoeba histolytica – ký sinh trùng này lan truyền qua đường nước hay thực phẩm bị nhiễm phân người, nhưng cũng có thể do trực tiếp tiếp xúc qua tay dơ bẩn kể cả quan hệ tình dục.
* Cryptosporidium – có thể lan truyền qua thực phẩm. Nguy cơ thường cao hơn ở trẻ em hơn là người lớn. Các loại rau sống trộn (salad) trồng bằng phân bón cũng là một nguồn lây truyền kí sinh trùng này. Vì ký sinh trùng này có thể sống trong nước nên nước cũng có thể là nguồn lây lan.
Thuốc men
Có khá nhiều thuốc có thể gây ra tiêu chảy. Một số thuốc thông thường là:
* Thuốc trụ sinh
* Thuốc chống cao huyết áp
* Nhuận tràng
* Antacids chứa magnesium.
Một số chất hóa học khác cũng có thể gây bệnh tiêu chảy:
* Rượu
* Cà phê
* Trà
* Kẹo chewing gum không đường và bạc hà cũng có thể gây tiêu chảy
Bệnh
Buồn phiền, lo lắng, nhiễm trùng máu (sepsis), các bệnh truyền nhiễm liên quan đến sex, viêm tai, v.v… cũng có thể gây ra tiêu chảy
St
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165143 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 67001 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46448 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36532 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30879 lượt xem )