Lao xương cùng chẩn đoán thường muộn, vì sao?

Gửi lúc 18:26' 25/04/2013

Ở nước ta thường nói đến bệnh lao phổi, lao hạch, lao thận, bàng quang không phải là hiếm gặp. Lao ngoài phổi chiếm khoảng 15%. Lao xương khớp chiếm tỷ lệ 2-5% bệnh lao, hay gặp lao cột sống chủ yếu chiếm đến gần 50% trong lao xương khớp. Tuy nhiên, lao xương cùng một vị trí vô cùng hiếm gặp. Chính vì vậy đôi khi bệnh thường chẩn đoán muộn. Trong y văn, bệnh này hay gặp ở phụ nữ trẻ tuổi trong độ tuổi sinh đẻ.

Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (BK-Bacille de Koch) gây ra. Robert Koch đã tìm ra trực khuẩn lao năm 1882. Lao xương khớp được coi là lao thứ phát, do vi khuẩn lao sau khi qua phổi hoặc hệ thống tiêu hóa sẽ theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó của hệ cơ xương khớp. Lao xương khớp có thể bị đơn độc hoặc lao khớp xảy ra sau khi mắc lao phổi hay lao các cơ quan khác và thường lao một khớp.

Vị trí xương cùng trong khung chậu.

Lao xương cùng hay gặp ở phụ nữ trẻ, biểu hiện đau vùng thắt lưng hông, bên phải hoặc bên trái, đau có tính chất kiểu viêm, sau 3-4 tháng bệnh nhân có thể gầy sút cân, đôi khi biểu hiện sốt nhẹ kèm theo.

Chẩn đoán lao xương khớp bao gồm các xét nghiệm máu, soi đờm tìm BK, test lao trong da, xét nghiệm các bệnh phẩm lấy từ tổn thương. Ngoài ra, dựa vào hình ảnh chụp Xquang thường quy, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ vùng nghi tổn thương, chẩn đoán tế bào học (sinh thiết tổ chức tổn thương).

Thời gian điều trị lao xương khớp kéo dài hơn điều trị lao phổi, thời gian điều trị lao xương khớp từ 9 -12 tháng, thậm chí có thể kéo dài 18 tháng. Bệnh lao chữa được và đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ điều trị, thực hiện chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý.

Gần đây ở Maroc theo các nhà thấp khớp học và ngoại khoa thần kinh gặp vài trường hợp. Ca lâm sàng thứ nhất: một bệnh nhân nữ 30 tuổi, từ hơn một năm nay phàn nàn đau thắt lưng - hông bên phải và đau có tính chất đau kiểu viêm. 2 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân gầy sút, các xét nghiệm có máu lắng cao, phản ứng trong da với lao là 15mm và không có BK trong đờm và trong nước tiểu. Bệnh nhân được chụp khung chậu cho thấy có hình ảnh hủy xương cùng ở vùng khớp cùng chậu phải. Sau đó, bệnh nhân được chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ khung chậu cho thấy có dịch ở khớp cùng chậu và phần mềm xung quanh. Sinh thiết vùng xương cùng chẩn đoán xác định lao xương và bệnh nhân được điều trị thuốc kháng vi khuẩn lao trong thời gian 9 tháng. Ca lâm sàng thứ hai: bệnh nhân nữ 23 tuổi, đến khám vì đau thắt lưng hông tổn thương S1 bên trái, bệnh nhân bị bệnh 5 tháng và kèm có sốt, vã mồ hôi ban đêm, cơ thể gầy sút 20kg, bệnh nhân có cứng cột sống. Test trong da với lao là 18mm, không có BK trong đờm. Chụp Xquang thường quy khung chậu cho thấy hình ảnh bình thường. Chụp cắt lớp ở bụng và khung chậu cho thấy có ổ áp-xe trước xương cùng và sau ổ cối và hủy xương ở S2. Bệnh nhân được dẫn lưu ổ áp-xe và sinh thiết xương cùng và chẩn đoán lao xương cùng và điều trị lao 9 tháng. Ca lâm sàng thứ ba, bệnh nhân nữ 35 tuổi, từ một năm nay phàn nàn đau thắt lưng hông bên phải, bệnh nhân đau có tính chất đau kiểu viêm. Chụp cắt lớp khung chậu cho thấy có hủy xương cùng chậu bên phải. Chẩn đoán tế bào học là lao xương có u hạt và tế bào khổng lồ đa nhân. Bệnh nhân được điều trị thuốc kháng lao một năm và cải thiện tốt.

Lao xương cùng đơn độc thường hiếm gặp và thường chẩn đoán muộn. Trước những trường hợp có hủy xương cùng và người bệnh sống trong vùng dịch tễ bệnh lao, cần thăm dò các xét nghiệm chẩn đoán lao xương cùng như chụp cắt lớp khung chậu, chụp cộng hưởng từ khung chậu giúp chẩn đoán sớm và điều trị đặc hiệu sớm cho bệnh nhân, tránh lây lan bệnh và để lại các di chứng nặng nề.   

TS. Mai Thị Minh Tâm (Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E)

(Theo Suckhoedoisong.vn)