Dinh dưỡng đối với bệnh gút
Bệnh gút là một bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến ăn uống do nồng độ acid uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của acid uric) hoặc tinh thể acid uric.
Nếu các tinh thể urat lắng đọng ở khớp (ở sụn khớp, bao hoạt dịch) làm cho khớp bị viêm, gây đau đớn, lâu dần gây biến dạng, cứng khớp; lắng đọng ở thận gây bệnh thận do urat (viêm thận kẽ, sỏi thận...). Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi 40 trở lên. Bệnh thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần.
Bệnh gút gây đau khớp do tổn thương lắng đọng tinh thể acid uric.
Các biểu hiện của bệnh:
- Viêm khớp cấp tính: sưng và đau nhức khớp nhất là khớp đốt ngón chân cái.
- Lắng đọng sạn urat: thấy những cục hay hạt urat nổi dưới da di động được dưới vành tai, mỏm khuỷu, xương bánh chè hoặc gần gân gót.
- Sỏi urat, acid uric trong hệ thống thận-tiết niệu.
- Viêm thận kẽ, suy thận.
- Xét nghiệm máu thấy acidt uric tăng cao trên 400micromol/lít.
Những người có nhiều nguy cơ bị tăng acid uric máu và mắc bệnh gút:
- Có tiền sử gia đình bị bệnh gút.
- Thừa cân và béo phì.
- Ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều nhân purin.
- Nghiện rượu, nghiện cà phê.
- Dùng nhiều thuốc lợi tiểu như hypothiazid, lasix... có thể làm tăng acid uric và gây ra các đợt gút cấp tính.
Chế độ ăn uống trong phòng bệnh
Nhiều bệnh nhân xuất hiện đợt sưng đau khớp dữ dội đến mức không đi lại được sau khi ăn nhậu nhiều hải sản, thịt chó, thịt thú rừng hay dạ dày, lòng lợn tiết canh. Vì vậy, chế độ ăn uống của bệnh nhân gút có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giúp hạ acid uric huyết bằng hạn chế đưa nhân purin vào cơ thể (acid uric được tạo nên do oxy hóa nhân purin).
Nguyên tắc ăn:
- Đảm bảo bữa ăn có đủ các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối.
- Đảm bảo cân đối giữa các thành phần sinh năng lượng (đạm - béo - đường). Tỷ lệ năng lượng do các thành phần cung cấp nên là: đạm : béo: đường = 12 - 15% : 18 - 20% : 65 - 70%.
- Ăn vừa phải các loại thức ăn chứa nhiều nhân purin: các loại thịt, hải sản, các loại phủ tạng.
- Cần có sự lựa chọn và phối hợp nhiều loại thực phẩm đều đặn trong thực đơn hàng ngày.
- Không uống quá nhiều và kéo dài rượu, bia, cà phê.
- Luôn uống đủ nước.
Chế độ ăn trong điều trị
- Giảm bớt lượng đạm trong khẩu phần ăn.
- Không nên ăn các thực phẩm có chứa nhiều acid uric (nhóm III): óc, gan, bầu dục các loại phủ tạng, nước ninh xương, luộc thịt...
- Ăn vừa phải các loại thực phẩm có hàm lượng acid uric trung bình (nhóm II): Thịt, cá, hải sản, đậu đỗ... các thực phẩm nhóm II chỉ nên ăn mỗi tuần 2 - 3 lần.
- Sử dụng các thực phẩm chứa ít acid uric trong chế biến bữa ăn hàng ngày: ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, trứng, sữa, phomát, rau quả.
- Hạn chế đồ uống gây tăng acid uric máu: rượu, bia, chè, cà phê.
- Ăn nhiều rau quả không chua. Hạn chế ăn các loại quả chua vì làm tăng thêm độ acid trong máu.
- Lượng đường, bột trong khẩu phần (gạo, bột mì, đường, bánh kẹo có thể sử dụng với tỷ lệ cao hơn người bình thường một chút).
- Uống nước có tính kiềm: nước rau, nước khoáng.
- Uống đủ nước hàng ngày.
Hàm lượng purin trong một số loại thực phẩm (tính theo mg trong 100mg thực phẩm):
Nhóm 1: nhân purin thấp (5 - 15mg): ngũ cốc, dầu, mỡ, trứng, sữa, rau, quả, hạt.
Nhóm 2: nhân purin trung bình (50 - 150mg): thịt, cá, hải sản, đậu đỗ.
Nhóm 3: nhân purin cao (trên 150mg): óc, gan, bầu dục, cá trích, nấm, măng tây, nước dùng thịt.
Nhóm 4: các loại đồ uống chứa nhân purin: rượu, bia, cà phê, chè. Để điều trị bệnh gút có hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chế độ ăn theo bệnh và sử dụng thuốc chữa bệnh hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
BS. ĐINH KIM LIÊN (Theo Suckhoedoisong.vn)
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165138 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66994 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46434 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36529 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30874 lượt xem )