Điều trị viêm âm hộ âm đạo ở phụ nữ

Gửi lúc 15:58' 03/05/2013

Huyết trắng hay khí hư không phải là một bệnh mà là triệu chứng của viêm âm hộ âm đạo (VAHAĐ) do vi trùng, ký sinh trùng hoặc vi nấm.

Khi nghi ngờ mình bị VAHAĐ, các chị em không nên tự chữa trị mà cần đi khám chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác và biện pháp điều trị hiệu
Nấm Candida albicans gây VAHAĐ.
quả.  

VAHAĐ là những từ dùng để mô tả tình trạng viêm các bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ. Tình trạng này thường do vi trùng, vi nấm hoặc ký sinh trùng. Ngoài ra VAHAĐ còn do lượng oestrogen thấp (viêm teo âm đạo) hoặc do đáp ứng dị ứng hoặc kích ứng với các chất như kem diệt tinh trùng, bao cao su, xà phòng hoặc tắm bồn với sữa tắm.

Thông thường, VAHAĐ gây tiết dịch âm đạo (huyết trắng), kích ứng và ngứa. Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ đi khám bệnh nhiều nhất là sự thay đổi của dịch tiết âm đạo. Dịch tiết âm đạo của phụ nữ là một hiện tượng sinh lý bình thường. Lượng dịch tiết và độ quánh của dịch thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. 3 typ VAHAĐ thường gặp nhất sẽ được mô tả riêng biệt sau đây.


Vi trùng là nguyên nhân gây VAHAĐ thường gặp nhất trong thời kỳ sinh sản của phụ nữ. 40 đến 50% các trường hợp là do vi trùng. VAHAĐ do vi khuẩn gặp nhiều nhất ở những phụ nữ có nhiều bạn tình và thấp nhất ở phụ nữ chưa quan hệ tình dục

20- 25% trường hợp VAHAĐ là do nấm Candida. Khoảng 75% phụ nữ bị nhiễm nấm âm đạo ít nhất một lần. 80-90% trường hợp, VAHAĐ do nấm Candida là do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans. Dùng kháng sinh bừa bãi sẽ diệt các vi khuẩn cộng sinh có ích trong âm đạo và gây ra sự bùng phát của vi nấm Candida. VAHAĐ do vi nấm thường gặp ở phụ nữ có thai, đái tháo đường không kiểm soát, dùng thuốc tránh thai hoặc dùng nhiều kháng sinh.

Trichomonas chiếm 15-20% các trường hợp viêm âm đạo. Ước tính có khoảng 120 triệu phụ nữ nhiễm Trichomonas trên toàn thế giới.

Các yếu tố nguy cơ khác gây VAHAĐ bao gồm dụng cụ tử cung (IUD), quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, tiền sử bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nguy cơ VAHAĐ do Candida bao gồm tiền sử nhiễm Candida, giao hợp thường xuyên, dùng thuốc tránh thai, có thai, bệnh  AIDS, dùng nhiều kháng sinh hoặc corticoids, đái tháo đường, thụt rửa âm đạo thường xuyên, dùng nhiều thuốc rửa vệ sinh phụ nữ, mặc quần áo chật, sử dụng tampon âm đạo (vaginal sponge) hoặc dụng cụ tử cung (IUD).

Thuốc điều trị

Điều trị VAHAĐ do bất kỳ nguyên nhân nào cũng nên do bác sĩ chuyên khoa quyết định. Không nên dùng các thuốc bán không cần toa vì dễ gây kháng thuốc và làm cho chẩn đoán gặp nhiều khó khăn về sau. Viện Nghiên cứu dịch tễ học Mỹ tổng hợp số liệu do 390 bác sĩ chuyên khoa Phụ Sản cung cấp cho thấy có đến 44% phụ nữ được chẩn đoán VAHAĐ do vi khuẩn đã tự mua thuốc kháng nấm để điều trị trước khi đi thăm khám.

- VAHAĐ do vi trùng cần được điều trị mỗi ngày bằng metronidazole (Flagyl, Protostat) hoặc clindamycin (Cleocin) liên tục một tuần (thuốc uống hoặc kem bơm vào âm đạo).

- VAHAĐ do Trichomonas được điều trị bằng metronidazole liều cao uống một lần duy nhất hoặc liều trung bình uống ngày 2 lần liên tục một tuần. Bạn tình nam của bệnh nhân cũng cần được điều trị cùng lúc để tránh lây lan trở lại.

-  VAHAĐ do Candida  thường được điều trị bằng các gel, kem, hoặc thuốc đạn đặt thẳng vào âm đạo. Các thuốc kháng nấm thường dùng để trị VAHAĐ do Candida bao gồm fluconazole đường uống (Diflucan), butoconazole (Femstat), clotrimazole (Gyne-lotrimin, Mycelex), miconazole (Monistat), and ticonazole (Vagistat). Thuốc sẽ có hiệu quả sau vài ngày. Phụ nữ nhiễm Candida đã tái phát nhiều lần cần được điều trị trong nhiều tuần, kết hợp với điều trị phòng - ngừa dài hạn.

Điều trị hỗ trợ

Tập trung vào việc tái tạo lại môi trường cân bằng về vi khuẩn bình thường của âm đạo. Lactobacillus acidophilus và L. bifidus được khuyên dùng. Có thể dùng đường uống hoặc bơm trực tiếp vào âm đạo. Bơm thụt rửa âm đạo bằng acid boric có thể giúp acid hóa pH âm đạo để ngăn chặn sự phát triển của những vi khuẩn gây bệnh. Đối với trường hợp viêm teo niêm mạc âm đạo, đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh, dùng kem có chứa progesterone thoa tại chỗ có thể giảm bớt các triệu chứng do niêm mạc âm đạo mỏng đi gây nên.

Thay đổi chế độ ăn và bổ sung thêm chất dinh dưỡng cũng có thể giúp ích cho việc điều trị VAHAĐ. Các vitamin chống ôxy hóa, bao gồm A, C, E, và các vitamin nhóm B, vitamin D, được khuyên dùng. Các thực phẩm tránh dùng bao gồm phô mai, rượu, chocolat, nước tương, đường, dấm, thực phẩm lên men. Nên mặc quần lót rộng rãi, bằng vải coton để âm hộ - âm đạo được khô ráo mát mẻ, giúp phòng tránh một số thể VAHAĐ.

VAHAĐ là một bệnh có triệu chứng nhẹ. Đa số phụ nữ đáp ứng tốt với điều trị. Những viêm nhiễm ở âm đạo, nếu không được điều trị đúng mức sẽ dẫn đến những biến chứng như viêm phần phụ (pelvic inflammatory disease), viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng sau phẫu thuật.

Phòng ngừa

Nhiễm trùng âm hộ - âm đạo có thể được phòng tránh bằng những biện pháp sau:

- Không được sử dụng những thuốc điều trị vi nấm bán không cần toa nếu chưa được chẩn đoán chính xác nhiễm nấm candida âm đạo.

- Tránh thụt rửa âm đạo nhiều vì sẽ gây rối loạn cân bằng vi sinh vật và tạo điều kiện cho chúng xâm nhập lên tử cung và phần phụ.

- Lau khô người và tránh mặc quần áo ướt sau khi tắm.

- Tránh trang phục quá chật. Nên dùng quần lót bằng vải coton.

- Rửa sạch màng ngăn âm đạo, nắp chụp cổ tử cung, các dụng cụ dùng để bơm thuốc diệt tinh trùng sau khi sử dụng. Nên dùng bao cao su để phòng tránh những bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Tránh trang phục quá chật. Nên dùng quần lót bằng vải coton.

- Rửa sạch màng ngăn âm đạo, nắp chụp cổ tử cung, các dụng cụ dùng để bơm thuốc diệt tinh trùng sau khi sử dụng. Nên dùng bao cao su để phòng tránh những bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Sau khi đi tiêu nên lau chùi từ phía trước ra sau để tránh đem vi trùng từ phân vào âm đạo.

Theo BS. Khánh Đồng
SK&ĐS