Để vết thương nhỏ không trở thành mối nguy lớn

Gửi lúc 13:33' 16/10/2015

Những vết thương nhỏ tưởng như vô hại nhưng có khi lại gây nguy hiểm tính mạng nếu không được xử lý đúng cách.

 

Bôi, đắp tùy tiện: Rất nguy hiểm

 

 

Có rất nhiều nguyên nhân khiến một vết thương hở bị nhiễm trùng. Nó có thể do vật gây ra vết thương bẩn, xử lý không đúng khi mới bị thương, để vết thương tiếp xúc với môi trường không sạch… Nhiễm trùng không chỉ làm vết thương lâu lành mà còn là nguyên nhân khiến những vết thương “chẳng đáng gì” gây hậu quả nghiêm trọng.

 Tại các BV, phòng khám, một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng khiến BS phải lắc đầu là những thứ “thuốc bôi” được sử dụng vì nghe truyền miệng như: nước mắm, dầu gió, xà bông bột, kem đánh răng, kem dưỡng da các loại, cây cỏ không rõ nguồn gốc…

Không chỉ BS tây y mà nhiều thầy thuốc đông y cũng ngán ngẩm khi bệnh nhân tự ý sử dụng các loại lá để đắp, bó mà không hiểu hết về chúng.

Cần điều trị đúng quy trình
Khi điều trị vết thương cần tuân theo quy trình: cầm máu, sát trùng, xử lý để vết thương mau lành và chống sẹo. Ở giai đoạn cầm máu, các thầy thuốc đông y hay sử dụng cỏ mực, bột gạo, lá trắc bá diệp… nhưng phải qua xử lý (ví dụ bột gạo phải đảo sơ để nguội, cỏ mực phải rửa sạch bằng nước muối rồi giã nát) nên nếu đang bị thương giữa đường hoặc không rõ cách xử lý các vị thuốc này thì nên dùng một miếng gạc sạch ép chặt vết thương cho đến khi máu ngưng chảy. Sau khi cầm máu, nên sát trùng vết thương. Nhiều người hay xé thuốc lá để đắp lên vết thương nhưng điều này không cần thiết, thậm chí còn gây phiền toái vì thuốc lá có thể chứa nhiều loại hóa chất có hại. Có thể dùng nhiều bài thuốc đông y phổ biến vào mục đích này như lá trầu rửa sạch đất cát nấu sôi để nguội, lá tía tô hoặc rau cần tây rửa sạch bằng nước muối rồi giã nát, lá dâu tằm chiên trong dầu mè cho tan diệp lục tố… Tuy nhiên, nếu không biết cách dùng và không sẵn điều kiện để thực hiện đúng thì có thể sử dụng một thứ khá đơn giản để rửa vết thương là nước muối sinh lý (nồng độ 0,9%). Ngoài ra, dân gian cũng thích dùng nghệ vốn là một dược liệu có tính sát trùng, chống sẹo tốt nhưng nên lưu ý không sử dụng quá sớm bởi ở vết thương hở, nhất là khi chưa cầm máu hẳn, sẽ làm gia tăng tình trạng xuất huyết.

 

 

Để tránh nhiễm trùng, cần hết sức chú ý trong giai đoạn làm sạch vết thương vì nếu để sót bụi bẩn, nhựa đường, các loại cỏ lá… bám trên vùng tổn thương thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Khi vệ sinh vết thương hằng ngày nên cẩn thận và nhẹ tay, đừng làm tổn thương các lớp mô, da non vừa được tái tạo; lúc thay băng nên thấm nước ấm rồi nhẹ nhàng gỡ ra để tránh tổn thương thêm.