Củ nghệ ngừa bệnh Alzheimer

Gửi lúc 11:30' 02/05/2013

Bệnh Alzheimer là chứng bệnh mất dần trí nhớ do thoái hóa mô thần kinh và hàng năm tấn công hàng triệu người trên thế giới. Cho đến nay, dù vẫn chưa biết hết nguyên nhân gây bệnh, song nghiên cứu để tìm cách ngăn ngừa phần nào sự tiến triển của bệnh luôn được các nhà khoa học quan tâm.

Mới đây, các nhà khoa học thuộc hai trường đại học California tại Los Angeles và Riverside tuyên bố: các chất trong củ nghệ có thể ức chế sự phát tán của các mảng amyloid trong não (một nguyên nhân quan trọng gây bệnh Alzheimer).

Củ nghệ có tên khoa học Curcuma Longa thuộc họ Zingiberace là một gia vị chính được người Ấn độ dùng trong món cà-ri từ hơn 2000 năm trước. Trong khi gừng chỉ được dùng chủ yếu ở phương Đông thì nghệ đã sớm có mặt trên bàn ăn của người dân vùng quần đảo Thái Bình Dương (người Hawaii gọi nghệ là Iena vì màu vàng của nó); tuy người dân nơi đây thường nhầm lẫn bột nghệ với bột nghệ tây (safran - Crocus Sativus - có màu đỏ và hương vị nồng hơn).

Người Ấn độ phân biệt rất rõ hai thứ bột này và sử dụng chúng trong các trị liệu khác nhau. Và không chỉ củ nghệ, lá nghệ cũng được người Mã lai, Indonesia sử dụng làm gia vị và chúng cũng được dùng như một dấu hiệu may mắn trong các nghi thức tôn giáo, từ cưới hỏi cho đến sinh con…

Nghệ giàu kali và sắt, nổi trội nhất là chất curcumin (một polyphenol) có tính năng chống oxy hóa, kháng viêm cực mạnh, có khả năng ức chế các tế bào ung thư, giúp liền sẹo, là một trong những thành phần chính được sử dụng trong điều trị vết cắn của rắn mang bành. Đó cũng là chất màu tự nhiên để nhuộm áo cà sa của các vị hòa thượng từ xa xưa. Ngày nay, trong công nghệ thực phẩm, curcumin được sử dụng nhiều làm màu thực phẩm và có mã số là E100.

Theo nghiên cứu của hai trường đại học Mỹ (đăng trên tạp chí Journal of Alzheimer’s Disease tháng 7 vừa qua): vitamin D3 và curcumin khi kết hợp lại có khả năng kích thích hệ miễn dịch giúp ngăn ngừa và trị liệu bệnh Alzheimer.

Curcumin tinh chế lại được hấp thụ dễ dàng và có hiệu quả hơn so với curcumin tự nhiên, vì nó dễ phân hủy hơn. Cũng theo nghiên cứu thì một chế độ ăn nhiều nghệ tươi khó có thể đạt tới “ngưỡng” tác dụng nên cần dùng thêm viên bổ xung chứa curcumin để có thể phát huy tính kháng viêm và chống oxy hóa.

 

Vitamin D3 (được da tổng hợp dưới tác động của ánh nắng mặt trời) là một sinh tố quan trọng với xương và hệ miễn dịch. Mặc dù vitamin D và curcumin tác động khác nhau trong cơ chế miễn nhiễm của cơ thể song các nhà khoa học khẳng định: sử dụng kết hợp hai thành phần này với nhau hoặc là tách riêng vẫn có kết quả tốt, mức độ tùy thuộc vào cơ địa người bệnh.

Hiện tại, các nghiên cứu vẫn đang tiến hành nhằm xác định được liều lượng tối ưu nhất… và trong khi chờ đợi kết quả, các nhà khoa học khuyến cáo nên tận dụng những tính năng đã được công nhận của nghệ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng:

Tác dụng tích cực:
hỗ trợ điều trị căn bệnh khuyết tật gien (ở nhiễm sắc thể số 7) - còn gọi là bệnh mucovisidosis.

Giảm đau: curcumin ức chế sự tạo thành prostaglandin (chất này trong cơ thể có liên quan đến cơn đau do viêm gây ra, chẳng hạn như cơn đau trong bệnh gout). Cơ chế làm giảm cơn đau của nó tương tự như aspirin, ibuprofen tuy không mạnh bằng.

Kháng viêm: curcumin có tác dụng không thua kém cortison, có thể giảm nhẹ triệu chứng viêm của bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Nghiên cứu báo cáo cho thấy, tác dụng của 1.200mg curcumin sẽ tương đương với thuốc kháng viêm phenylbutazone 300mg. Đun nóng một cốc sữa, gần sôi thì bắc xuống, cho một thìa cà phê nghệ dạng bột vào đó khuấy đều và mỗi ngày uống 3 lần - bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ.

Hỗ trợ gan:
phòng ngừa được những tổn thương do carbon tetrachloride - CCl4 (một chất hóa học độc hại, có mùi hôi như chlor, thường được dùng trong chất tan công nghiệp và chất đông lạnh) gây ra trên gan. Tinh bột nghệ cũng ngăn chặn sự phát triển một số căn bệnh về gan do nghiện rượu.

Giúp liền sẹo, chống lão hóa da, ngăn ngừa sự hình thành các nếp nhăn, vết nám, làm cho da mịn màng, tươi trẻ. Nghệ còn hỗ trợ chống viêm, loét trong dạ dày.

Hỗ trợ chống xơ vữa động mạch (do cholesterol) và tăng độ bền mao mạch ngoại vi.

Giúp giảm cân, lưu thông và lọc máu, hạn chế sự phát triển của hệ thống mao mạch trong các mô mỡ, giúp làm giảm lượng đường trong máu, giảm lượng triglyceride và acid béo khiến cholesterol và chất béo trong gan thấp hơn bình thường.

Hỗ trợ tiêu hóa, giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn sống ký sinh trong ruột, đặc biệt tốt cho hệ tiêu hoá.

Các nhà khoa học cũng khuyên, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách ăn nhiều rau xanh như bông cải xanh, cải xoắn, củ cải và bắp cải có kết hợp với nghệ tươi hoặc bột nghệ tinh chế…

St