Chứng hay quên đang ăn mòn giới trẻ

Gửi lúc 11:37' 02/11/2015

Chứng hay quên là bệnh của người cao tuổi khi mà tuổi tác cao khiến các cơ quan dần lão hóa và bị sa sút trí tuệ. Nhưng chứng hay quên hiện nay còn gặp ở cả những người trẻ tuổi, thậm chí là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Người bệnh thường than phiền là giảm trí nhớ hoặc khó nhớ, hay quên. Vậy căn nguyên của hội chứng này là gì?

 

Người trẻ cũng mắc chứng hay quên, vì sao?

Có hai loại trí nhớ khác nhau là trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn là ghi nhớ về những việc diễn ra trong vòng vài giờ gần đây, trí nhớ dài hạn là liên quan đến các tiến trình trong quá khứ và các mối liên hệ. Khi người trẻ tuổi bị hư hỏng một hoặc cả hai loại trí nhớ trên thì họ sẽ bị mắc chứng quên. Các nguyên nhân có thể gây bệnh hay quên ở người trẻ gồm:

 

 

Làm việc căng thẳng có thể dẫn đến bệnh hay quên: Phần lớn người trẻ tuổi phàn nàn về trí nhớ của mình không phải là những người mắc bệnh lý suy giảm trí nhớ thật sự mà do những người này thường mắc một trong các hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, căng thẳng kéo dài hoặc stress cấp tính, áp lực công việc, rối loạn giấc ngủ làm giảm tập trung chú ý và ảnh hưởng đến trí nhớ. Họ thường khó khăn trong việc nhớ các sự kiện mới và nhớ lại các việc đã qua. Tuy nhiên, khi được điều trị và thư giãn thần kinh tốt, thường khả năng trí nhớ cũng phục hồi dần theo tiến triển tốt lên của bệnh.

Do các bệnh lý: Người trẻ đang bị trầm cảm hay những dấu hiệu của chứng tâm thần phân liệt rất hay quên. Mất trí nhớ ở những trường hợp này xảy ra trong những tình huống quá căng thẳng hoặc nguy cấp và thường chỉ bị mất trí nhớ ngắn hạn, tuy nhiên đôi khi cũng bị mất trí nhớ dài hạn. Người mắc bệnh gan, thận mạn tính mà không biết hoặc bệnh phổi mạn tính gây thiếu ôxy não cũng có triệu chứng hay quên.

 

Giảm trí nhớ xuất hiện ngày càng nhiều ở những người trẻ tuổi.

 

Nguyên do bệnh ở não và chấn thương não: Mất trí nhớ tạm thời dễ xảy ra ở những người bị viêm não và viêm màng não. Các nguyên nhân này có thể gây tổn thương vững bền ở não. Tùy theo mức độ tổn thương, người ta có thể mất trí nhớ ngắn hạn hay dài hạn hoặc cả hai. Nhiều bệnh thực thể có biểu hiện hay quên như bệnh nhân sau đột quỵ, các chấn thương não ở người lớn tuổi như bị máu tụ dưới màng cứng (chấn thương này thường xảy ra khi bị ngã và đập đầu nhẹ vào tường nhưng không biết hoặc ngã trong lúc say xỉn nên không nhớ). Ngoài ra, còn có những trường hợp teo vỏ não do mắc một bệnh di truyền hoặc bệnh lý thoái hóa não... cũng gây mất trí nhớ và hay quên.

Ngoài ra, đa số bệnh nhân chấn thương sọ não bị mất trí nhớ ngắn hạn, họ không thể nhớ lại về tai nạn đã qua. Nếu tổn thương não rộng và nặng hơn thì có thể mất cả trí nhớ dài hạn.

Do thuốc và chất gây nghiện: Ở người thiếu vitamin B1 dễ bị chứng mất trí nhớ mang tên là hội chứng Wernicke-Korsakoff. Hội chứng này thường thấy ở người thiếu ăn kéo dài hoặc người nghiện rượu. Nếu không điều trị, bệnh có thể tiến tới mức sa sút trí tuệ. Được điều trị tốt, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn, nhưng về sau thỉnh thoảng vẫn có thể có những khoảng thời gian ngắn bị mất trí nhớ tạm thời. Sử dụng các chất kích thích, nghiện rượu bia lâu năm, sử dụng chất gây nghiện như cocain cũng là nguyên nhân gây chứng hay quên.

Làm gì để điều trị chứng hay quên?

Khi một người bị chứng hay quên, nhân cách người bệnh cũng thay đổi như biểu hiện tính ngơ ngác, thờ ơ với người khác, luôn than phiền quên, không nhớ. Hai kiểu biểu hiện rối loạn trí nhớ thường gặp mắc chứng quên này thường hay lặp lại câu hỏi, nhấn mạnh từ cuối hay nhắc đoạn cuối của câu.

Chứng hay quên có thể chữa trị khỏi. Nhiều cố gắng của y học đã khẳng định chứng quên ở giai đoạn sớm thì có thể điều trị khỏi hoặc ít ra cũng làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại, giúp cho người bệnh có cuộc sống tốt hơn. Do đó, khi thấy có biểu hiện quên nên đi khám ngay để được xác định mức độ quên, tìm các yếu tố nguy cơ gây bệnh và điều trị bệnh.