Các loại u nang buồng trứng

Gửi lúc 13:31' 03/05/2013

Phần lớn các khối u ở buồng trứng là lành tính, chủ yếu là u nang. Bản thân chúng không gây nguy hiểm, nhưng nếu xảy ra biến chứng, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa.

Khối u buồng trứng lành tính là loại khối u thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ 3,6% các bệnh phụ khoa. Khối u lành tính thường được gọi là u nang buồng trứng. U nang buồng trứng được chia làm hai loại: u nang cơ năng và u nang thực thể.

U nang cơ năng: là những khối u có nguồn gốc từ các nang noãn (thường gọi là trứng) do các rối loạn sinh lý trong quá trình phát triển chứ không phải là do những tổn thương thực thể của buồng trứng. Những khối u này chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định rồi biến mất. U nang cơ năng gồm ba loại: nang bọc noãn, nang hoàng thể và nang hoàng tuyến.
- Nang bọc noãn: là nang noãn đã phát triển và trưởng thành (chín) nhưng không phóng noãn (rụng trứng) được.
- Nang hoàng thể: bình thường sau khi phóng noãn, các tế bào hạt của nang noãn chế tiết progesteron tạo thành hoàng thể phát triển đến cực đại vào khoảng ngày thứ 21 đến 23 của vòng kinh sẽ thoái triển dần rồi teo đi để trở thành một đám thoái hóa kính màu vàng nên được gọi là thể vàng. Nếu vì một lý do gì đó mà hoàng thể không những không teo đi mà ngược lại còn phát triển mạnh thành một nang mỏng chứa đầy dịch bên trong. Như vậy nang hoàng thể là do hoàng thể không teo đi mà lại phát triển quá mức, dịch bên trong được tích lại mà tạo thành nang.
- Nang hoàng tuyến: là sự bị kích thích quá mức của các nang bọc noãn nên các nang này không phóng noãn mà lại bị hoàng thể hóa, là loại nang cơ năng ít gặp nhất, thường gặp trong chửa trứng.

Biến chứng

- Vỡ nang: do vỏ mỏng nên khi thăm khám hoặc có áp lực đè mạnh lên bụng sẽ gây vỡ nang. Nếu vỏ nang có mạch máu bị tổn thương sẽ gây chảy máu, bệnh cảnh giống như chửa ngoài tử cung (CNTC) vỡ và phải xử lý như trường hợp CNTC vỡ, lụt máu ổ bụng.
- Chảy máu trong nang là một biến chứng thường gặp và làm cho bệnh nhân đau bụng mà mức độ đau phụ thuộc vào tình trạng chảy máu nhiều hay ít.
- Xoắn nang: khi cuống nang dài, nang di chuyển và bị xoắn.

Điều trị:

- Với những nang bọc noãn và nang hoàng thể cần theo dõi 2-3 tháng. Sau thời gian theo dõi, nếu khối u vẫn tồn tại thì nên mổ. Trong thời gian theo dõi, có thể dùng thuốc tránh thai để buồng trứng nghỉ ngơi, không chịu sự kích thích của tuyến yên, nang sẽ tự thoái triển.
- Nang hoàng tuyến thì phải điều trị bệnh chính là chửa trứng hoặc u nguyên bào nuôi. U nang thực thể buồng trứng
U nang thực thể buồng trứng là những tổn thương giải phẫu từ nhu mô bình thường của buồng trứng. Khối u tiến triển âm thầm, kéo dài trong nhiều năm. U nang thực thể buồng trứng gồm ba loại là u nang nước, u nang nhầy và u nang bì.
- U nang nước: là một túi chứa nước có cuống dài, vỏ mỏng, di động, mặt ngoài trơn nhẵn, bên trong chứa dịch trong, đôi khi có nhiều thùy. Vỏ nang thường trơn nhẵn và mỏng nên dễ vỡ. Mặt trong của vỏ nang thường nhẵn, đôi khi có những nhú nhỏ và những nhú này có thể xuất hiện ở mặt ngoài của nang. Nếu nang có những nhú nhỏ thì đã bị ung thư hóa. Nếu số lượng nhú càng nhiều thì nguy cơ bị ung thư hóa càng cao. Đôi khi dịch trong nang chứa màu nâu hay màu sôcôla là do chảy máu trong nang.
- U nang nhầy là loại khối u có vỏ dầy hơn, màu trắng hoặc trắng ngà, có cấu trúc giống như da. Trong nang chứa chất dịch nhầy trong, bên trong có vách ngăn khối u thành nhiều thùy nhỏ. U nang nhầy rất thường gặp, kích thước thay đổi từ vài trăm gam nhưng cũng có khi nặng tới hàng chục kilôgam, có thể dính vào các tạng xung quanh. Mức độ ung thư hóa rất thấp vì lớp vỏ giống tổ chức da là loại đã biệt hóa cao, nhưng nếu khối u bị vỡ hoặc các tế bào khối u xâm nhập ổ bụng thì sẽ tiết các chất nhầy gây bệnh nhầy dính phúc mạc.
- U nang bì hay còn gọi là u quái là loại u lành tính, chiếm khoảng 10% tổng các khối u buồng trứng, có thể gặp ở trẻ em, vị thành niên, tuổi sinh đẻ và người già. Vỏ khối u dầy, trơn láng, có lẫn những sợi cơ. Lớp vỏ bên trong có cấu trúc giống như da. Kích thước khối u thường không to, có đường kính dưới 10cm, nhưng nặng nên dễ gây xoắn. Thường là một bên, nhưng có 10-20% là khối u gặp cả hai bên. Trong nang chứa các tổ chức của da đã biệt hóa cao như lông, tóc, móng, răng, chất bã đậu. Cũng có thể thấy các tổ chức của xương, sụn hoặc một chất trắng như não hay thần kinh. Nguồn gốc của khối u là từ lá thai ngoài. Nếu khối u chứa những tổ chức non xuất phát từ lá thai trong hoặc lá thai giữa (từ tế bào mầm), chưa biệt hóa (như tổ chức của bào thai: thần kinh, tuyến giáp) thì nguy cơ bị ung thư cao.
Bệnh phát triển âm thầm, lặng lẽ gần như không có triệu chứng, chỉ được phát hiện một cách tình cờ như khám sức khỏe định kỳ hay siêu âm bụng. Cũng có khi biểu hiện một bệnh cảnh cấp cứu ngoại khoa ở bụng do xoắn cuống nang, hoặc là do biến chứng của khối u như chèn ép gây đau hay bí trung, đại tiện. Thông thường người bệnh chỉ phát hiện được khi khối u đã to, có kích thước lớn nên tự sờ thấy được.

Biến chứng

- Xoắn cuống nang: là một cấp cứu thường gặp trong phụ khoa. Bệnh hay xảy ra ở những trường hợp khối u có cuống dài, có đường kính khoảng 8-10cm, vì khối u nhỏ, lại có cuống dài nên dễ di động, khối u nặng dễ bị xoắn. Tất cả các loại đều có thể bị xoắn nhưng u nang bì gặp nhiều hơn. Nếu được chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời tiên lượng tốt. Nếu chẩn đoán muộn, khối u vỡ hoặc hoại tử, có nguy cơ dẫn đến tử vong.
- Vỡ nang là biến chứng ít gặp và nếu xảy ra thì thường gặp trong trường hợp u nang nước do có vỏ mỏng, là hậu quả của xoắn cuống nang mà không được cấp cứu kịp thời, hoặc khi thăm khám thô bạo, hoặc chấn thương ở vùng bụng, cũng có thể gặp sau giao hợp.
- Có thể gây vô sinh, sẩy thai, đẻ non hay cản trở cuộc đẻ gây đẻ khó. Có khả năng chuyển thành ung thư.
Điều trị: với u nang buồng trứng thực thể, cần phải mổ cắt bỏ u càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng. Vì có một tỷ lệ là ung thư cho nên tất cả những bệnh nhân đã mổ cắt bỏ khối u buồng trứng phải đến khám lại theo hẹn của thầy thuốc.

St