Viêm âm đạo: Phòng dễ hơn chữa

Gửi lúc 15:25' 03/05/2013

Gói gọn trong 3 chữ viêm-âm đạo nhưng thật ra bệnh này có đến 6 thể ứng với những nguyên nhân khác nhau và không dễ dàng nhận biết. Ngay cả những thầy thuốc có kinh nghiệm cũng có thể gặp khó khăn trong chẩn đoán nếu ở thể bệnh kết hợp. Trong các thể bệnh nói trên, thường gặp nhất là VAĐ do nấm Candida. Lưu ý là nấm Candida thường trực ở âm đạo, miệng và ống tiêu hóa với số lượng ít, nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển nhiều và gây bệnh.

Thứ hai là viêm âm đạo do loạn khuẩn, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, do môi trường âm đạo bị mất cân bằng và có sự phát triển mạnh  của nhiều loại vi khuẩn.


Có 3 thể VAĐ mà chị em phụ nữ cần quan tâm nhiều là VAĐ do trùng doi, do chlamydia hoặc do virus vì các thể bệnh này thường lây nhiễm qua quan hệ tình dục và muốn điều trị hiệu quả, phải đồng thời chữa cho cả bạn tình.

Trong số này cần lưu ý VAĐ do Chlamydia, nhất là các chị em trong khoảng tuổi 18-35 có nhiều bạn tình, vì số ca mắc thể này khá nhiều nhưng thường không thể hiện triệu chứng nên khó phát hiện bệnh.

Ngoài ra, có một thể khá đặc biệt là VAĐ không do nhiễm khuẩn, mà do dị ứng hoặc suy giảm hormon ở phụ nữ mãn kinh, âm đạo bị khô hoặc "teo".

Khi cơ thể có sự mất cân bằng thì VAĐ dễ tái phát, ví dụ như phải dùng kháng sinh chữa trị viêm nhiễm đường tiết niệu và kháng sinh này đã diệt luôn cả những vi khuẩn có ích cho cơ thể mà trước nay vẫn chung sống hòa bình với nấm ở âm đạo. Những vi khuẩn có ích này bị tiêu diệt, giảm số lượng nên nấm có điều kiện phát triển và gây ra viêm.

Ngoài ra, cũng có những yếu tố khác có thể gây ra sự mất cân bằng trong cơ thể như tình trạng thai nghén, mắc bệnh tiểu đường…

Mắt và âm đạo là 2 khu vực trong cơ thể phụ nữ có khả năng tự làm sạch. Số lượng vi khuẩn và vi nấm có ích trong cơ thể của từng phụ nữ khác nhau và biến đổi theo tuổi tác, theo các giai đoạn của cuộc đời và có thể bị tác động bởi các yếu tố có hại.

Trong môi trường âm đạo bình thường, vi khuẩn Lactobacillus Doderlein tạo ra axit lactic chiếm ưu thế. Đây được coi là đội quân bảo vệ tích cực, hàng rào sinh học tự nhiên, bằng cách làm cho môi trường âm đạo luôn có độ toan ổn định, vi khuẩn và vi nấm gây bệnh không thể xâm nhập và sinh sôi nẩy nở.
 
Điều đáng lo là cứ khoảng 3 phụ nữ thì có một người có rất ít Lactobacillus mà lúc đầu tình trạng thiếu hụt này thường không nhận biết được, nếu để kéo dài sẽ dẫn đến viêm âm đạo. Ngoài ra, thiếu hụt Lactobacillus còn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn âm đạo kéo dài, tái diễn, nếu đang mang thai thì dễ làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc đẻ non.
 
Bệnh dễ phòng tránh

Tuy VAĐ dễ tái phát nhưng rất may là dễ phòng tránh. Trước hết là vệ sinh sạch sẽ thân thể và vùng sinh dục, nhưng lưu ý không bơm rửa vào âm đạo; thực hành tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngoài ra, nên tránh mặc đồ ẩm, may từ nguyên liệu có tính ít hút nước như đồ lót có nhiều chất ni-lông; đặc biệt là lưu ý giữ thông thoáng khi mặc quần bò...

Phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh hoặc đã bị cắt buồng trứng, có thể dùng hormon estrogen dạng viên hay kem theo hướng dẫn của thầy thuốc để giữ âm đạo không bị khô.

Nếu bị VAĐ nên tránh quan hệ tình dục hoặc tối thiểu là phải mang bao cao su khi hành sự. Bạn tình của người bị VAĐ cũng cần được xét nghiệm để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu có và theo dõi kỹ kết quả điều trị.

St