Cảnh giác với bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn

Gửi lúc 18:23' 25/04/2013

Viêm khớp nhiễm khuẩn là có tổn thương viêm một hay nhiều khớp do vi khuẩn gây ra. Bình thường, khớp được bôi trơn bởi dịch khớp và dịch khớp hoàn toàn vô khuẩn. Khi bị viêm khớp nhiễm khuẩn, có thể phát hiện được vi khuẩn trong dịch khớp.

Vi khuẩn, virut và nấm có thể gây viêm khớp

Nhiều nghiên cứu cho thấy, viêm khớp nhiễm khuẩn có thể do vi khuẩn, virut hoặc nấm gây ra. Vi khuẩn thường gây viêm khớp là: Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes và Haemophilus influenzae, Mycobacterium tuberculosis và xoắn khuẩn gây bệnh Lyme. Những người có nguy cơ cao như người tiêm chích ma túy và người cao tuổi, có thể gặp các vi khuẩn khác như E. coli và Pseudomonas spp. Các virut có khả năng gây viêm khớp gồm: virut viêm gan A, B, và C, parvovirus B19, virut herpes, HIV, adenovirus, virut coxsackie, virut quai bị và virut ebola. Một số vi nấm có thể gây viêm khớp là: histoplasma, coccidiomyces và blastomyces.

Dấu hiệu phát hiện viêm khớp nhiễm khuẩn

Hầu hết bệnh nhân bị viêm khớp nhiễm khuẩn chỉ xảy ra ở một khớp. Tuy nhiên, cũng có số ít trường hợp bệnh xảy ra ở nhiều khớp. Triệu chứng của bệnh cũng rất thay đổi, tùy thuộc vị trí khớp bị viêm, loại vi khuẩn gây bệnh và các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của bệnh nhân. Song, một ca viêm khớp nhiễm khuẩn điển hình thường có các dấu hiệu sau: sốt, lạnh run, khớp sưng, nóng, đỏ, đau và cứng, khó cử động.

Tổn thương khớp gối do viêm khớp nhiễm khuẩn.

Hay gặp viêm ở các khớp lớn như khớp gối, khớp mắt cá chân, khớp háng và khớp khuỷu tay. Đối với  những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ gây viêm khớp, có thể bị viêm nhiễm ở các khớp không điển hình như khớp ức đòn, khớp ngón tay chân, khớp hàm... Các vi khuẩn bất thường, như Brucella spp có thể gây nhiễm khuẩn ở các khớp ít gặp, chẳng hạn khớp cùng - chậu. Xét nghiệm dịch khớp có thể phát hiện vi khuẩn gây bệnh.

Dịch khớp có số lượng bạch cầu tăng, chỉ điểm của tình trạng nhiễm khuẩn. Cấy dịch khớp thấy vi khuẩn phát triển, lấy dịch khớp làm kháng sinh đồ giúp nhận dạng vi khuẩn gây bệnh và xác định loại kháng sinh thích hợp để điều trị. Chụp Xquang khớp giúp phát hiện tổn thương xương kế cận khớp. Kiểm tra bằng chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp đánh giá sự phá hủy khớp. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng, vận tốc lắng máu và creactive protein tăng.

Viêm khớp nhiễm khuẩn cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh: gout và giả gout, hai bệnh này có thể tìm thấy các tinh thể trong dịch khớp; thấp khớp cấp và viêm khớp dạng thấp thường viêm nhiều khớp; bệnh Still tuy có các triệu chứng lâm sàng giống với viêm khớp nhiễm khuẩn nhưng không có các triệu chứng xét nghiệm phát hiện được vi khuẩn; viêm khớp nhiễm khuẩn có thể bội nhiễm ở bệnh nhân có một bệnh viêm khớp dạng thấp, khi đó phải loại trừ bằng xét nghiệm dịch khớp.

Các khớp dễ bị viêm khớp nhiễm khuẩn.

 

Phương pháp điều trị  và phòng bệnh

Điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn chủ yếu là sử dụng kháng sinh và dẫn lưu hoạt dịch nhiễm khuẩn ra khỏi khớp. Dùng kháng sinh càng sớm càng tốt. Việc lựa chọn kháng sinh cần dựa vào kết quả cấy dịch khớp và kháng sinh đồ. Trong khi chờ đợi kết quả kháng sinh đồ, nên dùng ngay kháng sinh phổ rộng hoặc phải kết hợp nhiều loại kháng sinh. Thuốc kháng sinh cần được sử dụng liên tục trong thời gian từ 4 - 6 tuần. Nếu do vi nấm gây viêm khớp thì dùng kháng sinh chống nấm và dùng thuốc kháng virut để điều trị viêm khớp do virut.

 Dẫn lưu dịch khớp nhiễm khuẩn là thủ thuật thiết yếu, lúc đầu dùng bơm kim tiêm chọc hút dẫn lưu đều đặn hằng ngày, sau dùng phẫu thuật. Nội soi khớp được dùng để súc rửa khớp và cắt lọc các mô viêm nhiễm hoại tử. Dùng phẫu thuật để dẫn lưu khớp khi không thực hiện được dẫn lưu đầy đủ bằng bơm tiêm và nội soi khớp. Sau phẫu thuật mổ hở hoặc nội soi khớp, đôi khi cần đặt ống để tiếp tục dẫn lưu dịch khớp nhiễm khuẩn đã tái tạo lại trong các ngày sau.

 Biến chứng dễ gặp là khớp sẽ bị phá hủy hoặc dính khớp nếu nhiễm khuẩn để quá lâu. Nhiễm khuẩn hô hấp là biến chứng nguy hiểm gây tử vong  khoảng 10% trường hợp. Bệnh nhân bị viêm nhiều khớp nhiễm khuẩn, có thể tử vong tới 30%. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị tích cực là biện pháp tốt nhất để bảo vệ khớp.  

ThS. Trần MinhThanh (Theo Suckhoedoisong.vn)