Ðau thần kinh tọa và cột sống thắt lưng

Gửi lúc 14:13' 21/12/2015

Đau thần kinh tọa phối hợp với bệnh cột sống thắt lưng gây ra hội chứng thắt lưng hông. Mùa đông, nhất là những ngày lạnh ẩm, ở người bệnh mạn tính, bệnh thường trở nặng và số người mắc bệnh lần đầu cũng gia tăng.

 

 

Vì sao đau thần kinh tọa lại phối hợp với bệnh cột sống thắt lưng?

Trên thực tế lâm sàng, có nhiều bệnh nhân bị đau thần kinh tọa phối hợp cùng với bệnh của cột sống thắt lưng. Nguyên nhân là do đoạn cột sống thắt lưng có các rễ thần kinh tủy sống liên quan về cấu tạo, chức năng và bệnh lý với dây thần kinh tọa (thần kinh hông to). Nếu cột sống thắt lưng hoặc đĩa đệm có những tổn thương, thường làm cho các rễ thần kinh bị tổn thương theo, trong đó có các rễ cấu tạo thần kinh tọa. Những bệnh cột sống thắt lưng như: thoái hóa cột sống; thoái hóa đĩa đệm ở người cao tuổi; thoát vị đĩa đệm; trượt đốt sống do chấn thương; viêm đốt sống; chấn thương dây thần kinh tọa, gãy xương cột sống thắt lưng, gãy xương chậu; viêm cột sống do tụ cầu, lao cột sống... đều có thể gây ra hội chứng thắt lưng hông.

Dấu hiệu đa dạng của bệnh

Bệnh nhân bị tổn thương cột sống, khi bị hội chứng thắt lưng hông thường có các dấu hiệu của 2 hội chứng: hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh phối hợp với nhau.

Biểu hiện của hội chứng cột sống thường gồm các triệu chứng: sau một chấn thương hoặc đột ngột xảy ra đau cột sống thắt lưng, hay có khi lại chỉ thấy đau ít rồi tăng dần, khi đó gọi là đau bán cấp hoặc mạn tính. Đau có các tính chất: chỉ đau ở những đốt sống nhất định, mức độ đau có thể là đau dữ dội hay chỉ đau nhẹ âm ỉ. Khi ấn trên mỏm gai các đốt sống thắt lưng, bệnh nhân sẽ thấy đau chói ở các đốt sống bị tổn thương. Biến dạng cột sống: nhiều bệnh nhân bị thay đổi đường cong sinh lý của cột sống như giảm ưỡn, mất ưỡn cột sống thắt lưng hoặc cột sống bị cong đảo ngược, khi đó, cột sống thắt lưng không ưỡn như bình thường mà lại gù và lệch vẹo sang một bên. Các động tác cử động đều bị giảm biên độ hoạt động như: động tác cúi thì không cúi được như trước kia, động tác ngửa thì hơi ngửa đã bị đau, các động tác nghiêng, xoay cột sống đều bị hạn chế hoặc rất đau. Chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ xác định được tổn thương cột sống.

Dấu hiệu của hội chứng rễ thần kinh gồm: đau rễ thần kinh, với tính chất đau lan dọc theo đường đi của rễ thần kinh, đau nhức buốt như bị mưng mủ; khi bệnh nhân nghỉ ngơi thì hết đau hoặc giảm đau rõ rệt; đau tăng khi đi, đứng, khi ho hoặc hắt hơi; nặng hơn là bị đau liên tục dù ở tư thế nào cũng đau. Do bị đau nên bệnh nhân giảm khả năng đi lại, giảm khả năng lao động. Bệnh nhân, người nhà hay bác sĩ có thể tìm thấy các điểm đau: thống điểm Valleix là ấn ở điểm giữa nếp lằn mông thì bệnh nhân đau; dấu hiệu Déjerine dương tính là khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi thì đau tăng. Nhiều bệnh nhân còn cảm thấy bị rối loạn cảm giác da dọc mặt ngoài đùi, lan xuống cẳng chân tới mắt cá ngoài, mu bàn chân và ngón chân hoặc từ mặt sau đùi, cẳng chân tới gót chân và gan bàn chân. Bệnh nhân không đi xa được do đau mà phải nghỉ từng đoạn cho đỡ đau mới đi tiếp được. Một số bệnh nhân bị yếu cơ nên làm động tác gấp bàn chân về phía mu khó khăn hoặc khó duỗi thẳng bàn chân. Rối loạn phản xạ: nhiều người bị giảm hoặc mất phản xạ gân gót. Rối loạn thần kinh thực vật gây giảm nhiệt độ da, rối loạn tiết mồ hôi, mất phản xạ dựng lông, lông chân khô dễ gãy, bị teo cơ. Biến dạng cột sống: cột sống bị vẹo một bên và mất đường cong sinh lý, ưỡn ra trước ở vùng thắt lưng; thân mình và xương chậu nghiêng về bên đối diện với bên đau, thân hơi gập ra trước, mông bên đau xệ xuống, cơ cạnh cột sống co cứng.

 

 

Lời khuyên của bác sĩ

Hội chứng thắt lưng hông thường do những bệnh thoái hóa cột sống, thoái hóa đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống do chấn thương, viêm đốt sống, gãy xương cột sống, gãy xương chậu, viêm cột sống do tụ cầu, do lao. Vì vậy, mọi người cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh là nguyên nhân gây bệnh này. Trong mùa đông giá lạnh, cần mặc ấm, nhất là trong những ngày trời rét và độ ẩm cao để bệnh không tăng nặng. Mọi người cần đảm bảo dinh dưỡng tốt, tăng cường ăn rau xanh và trái cây chín các loại. Nên bổ sung thêm vitamin nhóm B, vitamin C hàng ngày. Không nên lao động nặng và vận động mạnh ở vùng thắt lưng và hai chân. Đi giày, ủng để tránh chân bị nhiễm lạnh.