Viêm tai giữa - đừng chết vì chủ quan

Gửi lúc 14:02' 18/04/2013
Viêm tai giữa nguy hiểm vì có thể gây biến chứng viêm não - màng não hay ápxe não… Thường gặp nhất là di chứng nghe kém, gây trở ngại không nhỏ trong quá trình hình thành ngôn ngữ của trẻ. Do chủ quan, không ít trường hợp mắc bệnh viêm tai giữa phải chịu điếc, có trường hợp tử vong bởi biến chứng viêm màng não hay xuất huyết não…



Để phòng ngừa viêm tai giữa, không cho trẻ bơi lội nếu tai có dấu hiệu đau

Viêm tai giữa là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm (nằm sau màng nhĩ), thường tạo dịch trong hòm nhĩ, dịch này có thể nhiễm trùng. Đây là một trong những bệnh thường gặp nhất, đứng hàng thứ hai sau viêm nhiễm đường hô hấp trên ở trẻ em, nhưng cũng không hiếm thấy ở người lớn.

Dấu hiệu thường gặp

Nguyên nhân gây ra căn bệnh này là viêm nhiễm vùng mũi họng bởi vi trùng hoặc siêu vi. Ngoài ra, là do tắc vòi nhĩ, thường gặp do sùi, u ở vòm họng, do viêm mũi xoang mủ. Có trường hợp mắc bệnh do viêm nhiễm đường hô hấp, dị nguyên, bệnh lý trào ngược. Không khí ô nhiễm, thời tiết lạnh cũng là những tác nhân gây viêm tai giữa hiện nay.

Dấu hiệu thường gặp của viêm tai giữa khởi đầu là đau tai, sau đó chảy nước tai và sức nghe giảm. Ngoài ra có những dấu hiệu ít gặp khác như ù tai, chóng mặt (thường được phát hiện ở trẻ lớn). Có trường hợp sốt, sưng sau tai, chán ăn và khó ngủ… Để phát hiện bệnh, người lớn cũng như trẻ em cần được sự trợ giúp của bác sĩ trong chẩn đoán như dùng đèn soi tai có kính phóng đại (Otoscope); kính hiển vi soi tai và nội soi tai (Oto-Endoscope).

Điều trị thế nào?

Có nhiều cách điều trị viêm tai giữa, trong đó phương pháp điều trị nội khoa là chủ yếu. Theo đó, kháng sinh uống là thuốc được chọn hàng đầu. Việc chọn lựa kháng sinh dựa trên kiến thức về vi khuẩn thường gặp trong viêm tai giữa. Lý tưởng nhất là dựa trên kết quả kháng sinh đồ cấy mủ tai.

Thời gian điều trị tối thiểu tám ngày. Nếu màng nhĩ không thủng, có thể dùng thuốc nhỏ tai, không nên bơm rửa. Nếu màng nhĩ thủng, có thể nhỏ tai trong 3 – 4 ngày đầu (loại không độc cho tai) để ngăn chặn sự hình thành các bửng mủ làm bít dẫn lưu, sau đó rửa bằng nước muối sinh lý hay nước oxy già. Ngoài ra có thể thông vòi, bơm thuốc vòi nhĩ.

Một số trường hợp viêm tai nhưng trị kháng sinh không hiệu quả, phải chích rạch màng nhĩ – đặt ống thông nhĩ Diabolo hay nạo VA (viêm amidan) nếu viêm tai giữa kèm dấu hiệu viêm đường hô hấp trên do tắc nghẽn bởi VA phì đại. Nếu bệnh nhân có triệu chứng đe doạ biến chứng và điều trị nội khoa tối ưu không mang lại kết quả khả quan, có thể cần phẫu thuật hòm nhĩ, khoét xương chũm.

Phòng ngừa vẫn hơn

Mọi người cần phát hiện bệnh sớm để giải quyết sớm ổ viêm vùng mũi họng như nạo VA; điều trị viêm mũi xoang, loại bỏ các bít tắc ở vòm; làm thông vòi nhĩ bằng nghiệm pháp Valsava (bệnh nhân bịt chặt hai mũi, phồng má thổi một hơi mạnh nhưng phải ngậm miệng để hơi không thoát ra).

Nếu không nghe thấy tiếng hơi qua vòi đập vào màng nhĩ là nghiệm pháp âm tính, do vòi nhĩ bị tắc. Lưu ý trong các trường hợp viêm đọng nhầy mủ ở vùng mũi họng – xoang – vòm thì không nên thổi hơi mà để bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng, nuốt nước bọt. Ngoài ra, có thể chủng ngừa vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae – vi khuẩn thường gặp nhất trong viêm tai giữa). Cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường ở nhà trẻ, không bơi lội khi tai có dấu hiệu đau, tránh khói thuốc lá và giữ tai luôn khô sạch… là những biện pháp phòng ngừa tốt.

Theo Sài Gòn Tiếp thị