Viêm họng - cách phòng và trị bệnh cho trẻ trong mùa lạnh

Gửi lúc 13:32' 14/09/2015

Viêm họng là 1 bệnh rất phổ biện trong xã hội ngày nay, nhất là khi môi trường ngày càng bị ô nhiễm, không khí và nguồn nước ngày càng tệ đi. Tỷ lệ viêm họng mắc nhiều ở các trẻ nhỏ dưới 7 – 8 tuổi. Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa, chuyển lạnh, không khí ẩm là nguyên nhân khiến liên cầu khuẩn phát triển, gây nên viêm họng, sau đó tiến triển thành viêm đường hô hấp. Bệnh viêm họng lại có cơ hội bùng phát và nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh dễ chuyển thành mãn tính . Việc xác định nguyên nhân bệnh viêm họng cho trẻ ngay từ sớm sẽ giúp chúng ta có thể phòng và điều trị bệnh dễ dàng hơn.

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm họng ở trẻ nhỏ nhưng đa phần là do các loại virut khoảng 80% còn lại là do vi khuẩn (chủ yếu liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A Streptococcus – thủ phạm gây nên những biến chứng nghiêm trọng về tim, khớp và thận) và các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, khói bụi, rượu, hoá chất…

Các triệu chứng viêm họng ở trẻ em :

Sổ mũi, hắt hơi, nặng đầu, mỏi chân tay: Đây là triệu chứng đầu tiên của viêm họng cấp. Nó giống các dấu hiệu của các bệnh về đường hô hấp khác nên bạn có thể đi kiểm tra để có thể biết rõ nguyên nhân.

 Nghẹt mũi, sốt cao, ăn ngủ kém, mệt mỏi: Sau khi sổ mũi, hắt hơi 1 - 2 ngày, trẻ sẽ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi trong và loãng, sổ họng sưng đau kèm sốt cao 39 - 40 độ C. Sốt cao làm trẻ có hiện tượng ớn lạnh, nhức đầu, đau mỏi thân mình, cổ họng sưng làm trẻ nuốt đau kèm theo nghẹt mũi làm cho trẻ ăn ngủ kém, mệt mỏi. 

 Hạch cổ sưng đau: Có một số trẻ có hiện tượng sưng hạch ở cổ. Đây là hiện tượng bình thường khi cơ thể phản ứng với bệnh.

Đau rát họng, ho khan: Trẻ ở giai đoạn đầu có cảm giác khô nóng tại cổ họng, khát nước sau đó chuyển thành đau rát lúc nói và ăn. Cảm giác này lan lên cả tai và đau nhói khi nuốt. Trẻ bị đau ngứa tại cổ họng dẫn đến hiện tượng ho khan, nếu không điều trị kịp thời sẽ làm cho trẻ bị khàn tiếng.

Trẻ thở bằng miệng: Khi mũi bị viêm nghẹt sinh ra chất dịch bẩn chảy xuống cổ họng, làm họng bị viêm nhiễm dẫn đến viêm họng. Hơn nữa, khi bị nghẹt mũi, trẻ  không thể tự thở bằng mũi mà chuyển sang thở bằng miệng.

Như vậy, lượng không khí vào cơ thể chưa được thanh lọc và làm ấm đã đến cổ họng khiến cổ họng bị lạnh và thương tổn. Đây là nguyên nhân khiến cho các bệnh về đường hô hấp xâm nhập.

Amidan sưng to, thành sau cổ họng sưng thậm chí xuất huyết, viêm màng tiếp hợp:Khi khám, ta sẽ thấy được toàn bộ niêm mạc mũi họng trẻ sưng đỏ rực, thành sau họng sưng phù, đỏ, xuất tiết. Hai amidan sưng to, thường có hốc nếu nặng có thể có mủ hoặc bựa trắng trên bề mặt. Nếu viêm họng cấp do virus cúm sẽ có hiện tượng xuất huyết ở thành sau họng, nếu do virus APC thì có hiện tượng xuất tiết mũi, viêm màng tiếp hợp.

Cách phòng bệnh viêm họng hiệu quả cho trẻ :

– Vệ sinh họng, răng, miệng cho con em mình hàng ngày bằng cách đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng.

– Cần đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để tránh khói bụi, tránh cho trẻ đến những nơi môi trường bị ô nhiễm.

– Tránh cho trẻ uống nước quá lạnh hoặc quá nóng hay có thói quen ngậm kẹo hay ăn kem.

– Với phòng ngủ, cần thoáng mát nhưng không được có gió lùa, nếu có điều hòa nhiệt độ thì nên giữ ở mức nhiệt độ mát mẻ dễ chịu, khoảng 28oC.

– Tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước, hoạt động thể chất, đánh răng sau mỗi bữa ăn, rửa tay trước khi ăn và rửa tay sau khi đi vệ sinh.

– Khi trẻ mắc bệnh về răng, miệng, xoang, mũi… cần điều trị dứt điểm, tránh để mầm bệnh tồn tại và lây lan gây viêm họng.

– Khi viêm họng có chỉ định điều trị, cần thực hiện nghiêm túc, uống thuốc theo toa, đúng phác đồ kháng sinh được kê toa.

– Cần cho trẻ uống đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian, không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị vì điều trị không đúng sẽ để lại tình trạng kháng thuốc, làm cho điều trị sau này gặp nhiều khó khăn.

Cách chữa trị bệnh viêm họng cho trẻ em:

Khi thấy trẻ bị viêm họng có ho, sốt, bạn đừng vội lo lắng, hãy dùng một số biện pháp đơn giản dưới đây để chữa viêm họng cho cháu:

- Rau diếp cá: còn gọi là giấp cá, ngoài các tác dụng như thanh nhiệt, giải độc, thoát mủ (đối với mụn nhọt làm mủ), thông tiểu tiện, giảm phù thũng, sát khuẩn, chống viêm, rau diếp cá còn là một trong những vị thuốc kháng sinh tự nhiên trị ho viêm họng rất hiệu quả cho bé. Đây là vị thuốc kháng sinh hoàn toàn mát, nhất là đối với các bé bị táo bón. Diếp cá có tác dụng kháng viêm trực tiếp trên họng. Trong thời gian bé uống rau diếp cá, bạn có thể thấy con đi ngoài hơi nát. Đó là điều hoàn toàn bình thường.

- Lá húng chanh: Trong lá húng chanh có chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc rất tốt nên có thể được dùng làm thuốc chữa ho, trị viêm họng cho bé.

- Lá hẹ :Hẹ là một vị thuốc dân gian. Lá hẹ có tác dụng trị ho cho trẻ rất hiệu quả.

- Lá xương sông: Lá xương sông có tác dụng trị viêm họng và ho do cảm lạnh hoặc ho có đờm ở trẻ.

- Cải cúc: với trẻ em, muốn trị được ho các mẹ cần phải bỏ ra một chút thời gian để chế biến. Lá cải cúc rửa sạch, thái nhỏ sau đó thêm một ít mật ong vào và hấp cách thủy trong vòng khoảng 20 phút cho ra nước rồi cho bé uống. Nên cho bé uống khoảng từ 3 – 5 ngày

- Tía tô: Các công dụng của tía tô thường được biết đến là: trị cảm lạnh, nôn mửa, cảm sốt, sốt rét, nhức đầu, lợi tiểu, ra mồ hôi, bụng trướng, táo bón, dị ứng, trúng độc, đau khớp xương…Tía tô có tính ấm, vị cay, không độc, trị ho viêm họng rất tốt cho trẻ.

- Tỏi, mật ong: Giã nát hai tép tỏi, trộn với hai thìa cà phê mật ong, đem hấp cách thủy. Chú ý không được hấp chín tỏi, nếm thử thấy vị hắc mùi tỏi là được. Cho bé uống nửa thìa cà phê, ngày từ 1 – 2 lần. Trước khi uống, nên cho bé uống nước lọc.

 Trên đây là các bài thuốc dân gian, nguyên liệu dễ kiếm mà cách chế biến cũng đơn giản, dễ làm. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý các loại lá chữa ho thường chỉ có công dụng khi bệnh vừa mới phát, vi khuẩn còn “thường trú” vùng họng. Những trường hợp viêm họng, ho dài ngày thì nên đi cho cháu khám bệnh để dùng thuốc phù hợp.

Tổng hợp