Chữa vết thương phần mềm theo y học cổ truyền

Gửi lúc 15:18' 02/10/2015

Cũng như cách chữa của y học hiện đại, cách chữa các vết thương phần mềm của y học cổ truyền cũng tiến hành cầm máu, rửa sạch vết thương, làm mất các mô hoại tử, làm mọc mô hạt, liền vết thương.

 

Cây cẩu tích điều trị vết thương

 

Cũng như cách chữa của y học hiện đại, cách chữa các vết thương phần mềm của y học cổ truyền cũng tiến hành cầm máu, rửa sạch vết thương, làm mất các mô hoại tử, làm mọc mô hạt, liền vết thương. Đặc điểm của cách chữa cổ truyền là áp dụng đồng thời các phương thuốc uống có tác dụng toàn thân để thúc đẩy các quá trình liền vết thương và các bước làm mất các mô hoại tử và kích thích mọc mô hạt, làm liền da (sinh cơ), nên kết quả điều trị tốt và tương đối nhanh.

Sau đây là phương pháp chữa vết thương phần mềm theo y học cổ truyền:

Cầm máu nếu có chảy máu: Lông cây cẩu tích tẩm cồn 90o, phơi khô, đắp vào vết thương rồi băng lại, máu sẽ cầm rất nhanh.

Rửa sạch vết thương: Sau khi cầm máu, rửa vết thương bằng nước thuốc: Lá trầu không tươi 40g, đun sôi với 2 lít nước trong 15 phút, để nguội cho thêm 6g phèn phi, hòa tan, lọc rồi rửa vết thương.

Làm sạch vết thương: Làm sạch vết thương, hết nhiễm khuẩn và mủ tại chỗ, mất mô hoại tử và mùi hôi: Lá mỏ quạ tươi rửa sạch, giã nát đắp vào vết thương. Mỗi ngày thay một lần đến khi vết thương sạch, màu đỏ tươi.

 

Cây mỏ quạ

 

Làm chóng mọc mô hạt, sinh cơ và chóng liền da: Lá mỏ quạ, lá bòng bong, lá nọc sởi, dùng tươi với lượng bằng nhau, bỏ cọng, rửa sạch, giã nát đắp vào vết thương, hai ngày thay băng một lần.

Điều trị vết thương

Bài 1: Lấy lá sắn thuyền tươi, bỏ cọng, rửa sạch, giã nhỏ đắp lên vết thương, băng lại. Hai ngày thay băng một lần. Hoặc lấy lá sắn thuyền, bỏ cọng, phơi khô, giã nhỏ, rây mịn, khi dùng rắc lên vết thương, không phải băng. Về mùa hè dùng dạng bột tốt hơn vì rắc được khắp kẽ vết thương; vết thương không băng kín nên thoáng, chóng lành.

Bài 2: Bột rau má 60%, bột nghệ 35%, bột phèn chua (phi khô) 5% trộn đều, rây mịn, bảo quản nơi khô ráo. Rửa sạch, thấm khô vết thương rồi rắc thuốc kín. Nếu vết thương nông, nhỏ thì để ngỏ cho nhanh khô. Nếu vết thương sâu và rộng thì khi rắc thuốc xong, cần đặt gạc lên trên rồi băng lại. Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn, sinh da non, dùng chữa vết thương phần mềm mới hoặc đã nhiễm khuẩn.

Các bài thuốc uống có tác dụng toàn thân

Bài 1: Chống khát do mất máu: Lá sắn dây rửa sạch, giã nát cho vào một bát nước đun sôi để nguội, thêm ít đường và vài hạt muối, uống ngày một lần.

Bài 2: Làm mát máu tiêu độc, chống viêm nhiễm: Lá mặt quỷ (sao vàng) 40g, nõn dứa dại 12g, cánh bèo cái 8g, gừng sao cháy 4g. Sắc uống ngày một thang.