Vị thuốc đương quy – Vị thuốc đầu tay của các thầy thuốc y học cổ truyền
Theo tài liệu cổ, đương quy được coi là thánh dược bổ máu. Đương quy không chỉ có tác dụng dưỡng huyết mà còn hoạt huyết, chỉ huyết và nhiều công năng điều trị khác. Đây là vị thuốc được dùng nhiều và thường xuyên trong nhiều bài thuốc. Vị thuốc này cũng gần như không thể thiếu trong các bài thuốc chữa vô sinh - hiếm muộn cả nam lẫn nữ.
Vị thuốc đương quy – Vị thuốc đầu tay của các thầy thuốc y học cổ truyền
Theo Đông y đương quy có vị ngọt, cay, tính ôn, tác dụng vào 3 kinh: Tâm, Can, Tỳ. Đương quy có công năng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều huyết, thông kinh. Đương quy là vị thuốc rất phổ thông và là vị thuốc đầu tay dùng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Đương quy cũng là đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ, đồng thời cũng dùng trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh khác.
Đương quy có thể được sử dụng độc vị (một mình) hoặc phối hợp với các vị khác điều trị nhiều bệnh lý, nổi bật nhất là các bệnh lý gây ra bởi hội chứng nghẽn mạch máu, thiếu máu cục bộ. Đương quy cho hiệu quả cao trong các bệnh lý này nhờ tác dụng bổ huyết, hoạt huyết khử ứ, chỉ huyết.
Trích đoạn Y văn cổ:
+ Sách Bản kinh: "chủ khái nghịch thượng khí, ôn ngược hàn nhiệt tại bì phu, phụ nhân lậu hạ, tuyệt tử, chư ác sang thương kim sang".
+ Sách Danh y biệt lục: "ôn trung chỉ thống, trừ khách huyết nội bế, trúng phong kinh, không ra mồ hôi, thấp tý, trúng ác khách khí, hư lãnh, bổ ngũ tạng, sinh cơ nhục".
+ Sách Dược tính bản thảo: "chỉ ẩu nghịch hư lao hàn nhiệt, phá ứ huyết, bổ bất túc, chỉ lî phúc thống".
+ Sách Nhật hoa tử bản thảo: "trị các chứng lao, phá các huyết, dưỡng tân huyết, chủ trưng tích".
+ Sách Y học khởi nguyên: "Dược loại pháp tượng, Đương quy kỳ dụng hữu tam, tâm kinh bản dược dã, hóa huyết nhị dã, trị chu bệnh da thâm tam dã".
+ Sách Bản thảo cương mục: "trị đầu thống, tâm phúc chỉ thống, nhuận trường vị cân cốt bì phu. Trị ung thư, bài nùng chỉ thống, hòa huyết, bổ huyết".
+ Sách Cảnh nhạc toàn thư, bản thảo chính: "Đương quy vị ngọt mà nặng, nên chuyên bổ huyết, khí nhẹ mà cay nên hành huyết, bổ trung hữu động, hành trung hữu bổ, thành huyết trung chi khí dược, huyết trung chi thần dược dã., lúc dùng bổ, thuốc có tác dụng dưỡng vinh bổ huyết, bổ khí sinh tân, an ngũ tạng, cường hình thể, ích thần chí, đối với bệnh hư tổn, không bệnh nào là không dùng được. Lúc dùng thông, thuốc có tác dụng khử thống tiêu tiện, lợi cân cốt, trị chân tay co quắp, bại liệt, các chứng táo, sáp. Trường hợp âm trung hỏa thịnh, Đương quy dùng làm động huyết, không nên dùng, âm trung dương hư, Đương quy dưỡng huyết nên không thể thiếu được. Nếu huyết trệ mà sinh lî thì nên dùng. Tiểu nhi đậu chẩn kinh giản thuộc chứng dinh hư không thể thiếu được Đương quy".
Dưới góc nhìn khoa học
Đương quy có tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv.) Diels. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ đương quy. Thành phần hóa học trong rễ có tinh dầu, coumarin, acid amin, vitamin, nguyên tố vi lượng và một số chất khác. Nhờ những thành phần này mà các nhà khoa học đã đánh giá được những tác dụng của đương quy:
+ Đương quy có tác dụng 2 chiều đối với tử cung. Chất tan vào nước hoặc cồn không phải tinh dầu có tác dụng hưng phấn tử cung cô lập; còn chất bốc hơi sôi ở nhiệt độ cao và dầu Đương quy có tác dụng ức chế và lúc áp lực trong tử cung cao thì thuốc làm tăng co bóp tử cung. Đương quy còn có tác dụng tăng gia sự tổng hợp protid khiến tử cung dày lên. Đương quy còn có khả năng chống sự thiếu hụt vitamin E phòng ngừa sẩy thai nhưng không thể hiện rõ tác dụng như oestrogen.
+ Dịch ngâm Đương quy cho chuột nhắt làm tăng huyết sắc tố và hồng cầu. Tác dụng này có quan hệ với hàm lượng vitamin B12 và acid folic trong Đương quy.
+ Đương quy có tác dụng làm dãn động mạch vành, tăng lưu lượng máu của động mạch vành, giảm tiêu hao lượng oxy của cơ tim, giảm ngưng tập của tiểu cầu, chống sự hình thành huyết khối, có tác dụng làm giảm rối loạn nhịp tim và hạ lipid huyết. Đương quy có tác dụng làm dãn huyết quản ngoại vi, làm dịu co thắt cơ trơn của huyết quản ngoại vi, tăng lưu lượng máu; vì thế mà Đương quy có tác dụng giảm đau. Tinh dầu Đương quy làm huyết áp tăng nhưng chất hòa tan trong nước thì làm hạ huyết áp.
+ Tác dụng chống viêm: nước chiết xuất Đương quy giảm thấp tính thẩm thấu của huyết quản, ức chế các chất gây viêm của tiểu cầu như 5TH phóng ra.
+ Tác dụng giảm đau, an thần do tinh dầu Đương quy.
+ Đương quy có tác dụng làm tăng chức năng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể, tăng khả năng thực bào của đại thực bào, thúc đẩy sự chuyển dạng Lympho bào. Nhưng cũng có người cho rằng Đương quy có tác dụng ức chế miễn dịch.
+ Có tác dụng lợi tiểu do thành phần đường mía trong Đương quy, cao nước thô của Đương quy có tác dụng hưng phấn đối với cơ trơn ruột non và bàng quang của súc vật thí nghiệm.
+ Có tác dụng làm dãn cơ trơn phế quản và làm giảm cơn hen (bình suyễn).
+ Có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa glycogen gan giảm thấp.
+ Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc Đương quy có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn coli, lî, thương hàn, phó thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn bạch hầu, liên cầu khuẩn tán huyết. Tinh dầu Đương quy có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn coli, trực khuẩn lî Flexner, trực khuẩn mủ xanh.
+ Có tác dụng phòng chống thiếu vitamin E trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược, nhà xuất bản Khoa học 1965, tr265).
+ Về tác dụng đối với huyết áp, có tài liệu nói: theo Schmidt, Y Bác An và Trần khắc Khôi (1924, Chinese Med.J 38, 362), tinh dầu của Đương quy có tác dụng hạ huyết áp, nhưng thành phần không bay hơi của Đương quy lại có tính chất làm co cơ trơn ở thành mạch máu làm cho huyết áp tăng cao.
+ Đương quy có tác dụng nhuận tràng thông tiện.
+ Đương quy còn có những tác dụng quý khác như giảm đau xương khớp, viêm nhiễm, đau đầu, nhiễm khuẩn, hoạt tràng, hạ mỡ máu, bảo vệ gan...
Đương quy giúp dưỡng huyết, bổ huyết
Đương quy là vị thuốc hàng đầu trong các bài thuốc bổ huyết kinh điển. Trường hợp cần dưỡng huyết thông mạch thì dù là huyết chứng, hư chứng, biểu chứng hay ung nhọt ngoài da đều dùng được Đương quy.
Một số bài thuốc kinh điển dụng đến Đương quy như Tứ vật thang, Bát trân thang, Đương quy tán... Nổi bật nhất phải kể tới bài thuốc nghìn năm tuổi Tứ vật thang.
Bài thuốc Tứ vật (bổ huyết) gồm: đương quy 12g, thục địa 12g,bạch thược 12g, xuyên khung 6g.
Tứ vật thang được mệnh danh là thánh dược bổ huyết
Tứ vật là bài thuốc vừa bổ huyết, vừa hoạt huyết (người xưa còn nói bài thuốc này là bài thuốc chuyên để điều huyết “Điều huyết chi chuyên tễ”). Trong bài thuốc có đương quy là bổ huyết, hòa huyết, địa hoàng là bổ huyết tư âm là quân; bạch thược là dưỡng huyết liễm âm để tăng tính dược của quân, làm cho chức năng tàng huyết của Can tốt, làm Thần. Xuyên khung có tác dụng hành huyết trong khí làm huyết lưu thông chống huyết ứ trệ cho nên là tá và sứ. Bài thuốc này có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết kiêm cả hành khí, cho nên không những điều trị huyết hư mà dùng cho cả huyết ứ trệ.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông cho rằng khí là vệ thuộc dương, huyết là dinh thuộc âm đó là lưỡng nghi ở người. Khí huyết sung mãn sẽ sống lâu. Bài thuốc Tứ vật thang là bài thuốc quý có thể giúp nâng cao tuổi thọ, dưỡng bệnh rất tốt.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165058 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66919 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 45912 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36474 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30539 lượt xem )