Tía tô - Thuốc quý dân gian
Tía tô vừa là rau gia vị, vừa là cây thuốc phổ biến trong nhân dân. Có 2 loại: tía tô mép lá phẳng, màu tía nhạt, ít thơm và tía tô mép lá quăn, màu tía sẫm, mùi thơm mạnh. Loại tía tô mép lá quăn có giá trị sử dụng cao hơn. Tránh nhầm với cây cọc giậu (dã tô, cây nhâm) có bề ngoài giống hệt loại tía tô mép lá phẳng, nhưng không có mùi thơm của tía tô.
Lá tía tô - Vị thuốc tô diệp
Lá: Tên thuốc trong y học cổ truyền là tô diệp. Hái lá già cả cuống làm 2 lần cách nhau một tháng, đem phơi trong mát hoặc sấy nhẹ cho khô để giữ nguyên màu sắc và hương vị. Dược liệu có vị cay, mùi thơm, tính ấm, không độc, có tác dụng phát tán, phong hàn, hành khí, hóa trung, được dùng trong những trường hợp sau:
Chữa cảm sốt, trong người khó chịu, mệt mỏi: Lá tía tô, kinh giới, cam thảo đất, cúc tần hay sài hồ nam, mỗi thứ 3g, kim ngân 4g, mạn kinh 2g, gừng 3 lát. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Đồng thời, dùng dạng món ăn, bài thuốc dân gian thay cho bữa ăn trong ngày là ăn cháo giải cảm gồm tía tô và củ hành.
Chữa ho do cảm lạnh: Lá tía tô, lá xương sông, lá hẹ, mỗi thứ 12g; kinh giới, gừng mỗi thứ 8g. Sắc uống lúc nóng.
Chữa sốt, sổ mũi, chân tay nhức mỏi: Tía tô, kinh giới, lá tre, cúc tần, bạc hà, cát căn mỗi thứ 20g; cúc hoa, địa liền mỗi thứ 5g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 4 - 6g.
Chữa cảm cúm, nhức đầu, nôn nao: Viên cảm “hương tô” chứa 0,263g, lá tía tô 0,187g hương phụ, 0,15g bạch chỉ, 0,075 trần bì, 0,075g cam thảo. Người lớn, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 3 viên (thuốc có bán ở các hiệu thuốc).
Chữa đau bụng, kiết lỵ, tiêu chảy: Tía tô 20g, rau sam 20g, cỏ sữa 16g, cam thảo đất, cỏ mần trầu, kinh giới mỗi thứ 12g. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 10 – 12g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc hoàn. Nếu bệnh cấp, có thể sắc uống.
Cây tía tô
Dùng ngoài, lá tía tô phối hợp với lá thanh yên, lá chanh, lá ráy, lá lốt, mỗi thứ 50g, giã nhỏ, gói vào một miếng lá chuối tươi, dùi nhiều lỗ thủng, hơi nóng, đắp lên vết thương sau khi đã rửa sạch và sắc bột màng lụa bên trong vỏ quả chanh để chữa mụn nhọt độc vỡ mủ lâu ngày, không liền miệng. Ngày làm một lần trong nhiều ngày.
Cành tía tô - Vị thuốc tô ngạnh
Cành: Tên thuốc là tô ngạnh. Nhổ cả cây sau khi đã hái lá lần thứ hai, bỏ rễ để riêng, cắt thành từng đoạn dài 5 – 10cm, phơi hoặc sấy khô (chỉ lấy thân chính, không lấy những cành nhỏ).
Chữa động thai: Cành tía tô 8g, rễ cây gai 8g, ngải cứu hoặc cam thảo dây 4g. Tất cả sắc uống. Nếu thấy ra máu, thêm lá huyết dụ 10g, hoặc cành tía tô, tục đoạn, ngải cứu, mỗi thứ 12g, rễ gai, thục địa, hoài sơn, mỗi thứ 20g, chỉ xác 8g, sa nhân 6g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày.
Chữa băng huyết, động thai: Cành tía tô 10g, lá huyết dụ 10g, hoa cau đực 10g, tóc đốt thành than một dúm. Tất cả sao vàng, sắc uống ngày một thang.
Chữa sưng vú: Cành tía tô, rễ gai, mỗi thứ 12g, ngải cứu, cỏ nhọ nồi, trắc bách diệp sao cháy đen, mỗi thứ 30g. Sắc đặc, uống làm một lần.
Chữa suy nhược thần kinh: Cành tía tô 8g, câu đằng, thảo quyết minh, cam thảo dây, mỗi vị 12g; cúc hoa, hương phụ, chỉ xác, uất kim, mỗi vị 8g. Sắc uống.
Chữa bế kinh: Cành tía tô 8g, đan sâm, ngưu tất mỗi thứ 12g; xuyên khung 10g; quế chi, bạch chỉ, uất kim, nga truật, mỗi thứ 8g. Sắc uống trong ngày.
Dùng ngoài, cành tía tô phối hợp với rễ cây vương tùng, vỏ thân cây thông, xác ve sầu (thuyền thoái) mỗi thứ 20 – 30g. Nấu nước tắm rửa chữa phù toàn thân.
Quả tía tô - Vị thuốc tô tử
Quả: Tên thuốc là tô tử. Hái quả ở những cây định lấy quả, không hái lá hoặc chỉ hái ít lá ở lần thứ nhất. Phơi hoặc sấy khô.
Dùng riêng, quả tía tô với liều 6 – 12g sắc uống chữa ho, nôn mửa, đau bụng, khó tiêu. Dùng phối hợp với những vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa ho có đờm, ho hen lâu ngày ở người cao tuổi: Quả tía tô và hạt cải bẹ, mỗi thứ 10g, tán bột, uống hằng ngày với nước sắc lá táo chua và dây tơ hồng.
Chữa ho suyễn, ngực đầy tức, thở đứt quãng: Quả tía tô, bán hạ chế, mỗi vị 10g; đương quy 8g; cam thảo, nhục quế mỗi vị 6g; tiền hồ, hậu phác, tô diệp mỗi vị 4g; gừng tươi 2 lát; đại táo 1 quả. Sắc uống ngày một thang.
Hoặc quả tía tô 10g; bạch giới tử, lai phục tử mỗi vị 8g. Giã nhỏ, hấp với đường phèn vừa đủ ngọt. Uống lúc nóng.
Chữa mày đay: Quả tía tô 12g; kinh giới, ké đầu ngựa, ý dĩ mỗi thứ 16g; phòng phong, đan sâm mỗi thứ 12g; bạch chỉ, quế chi mỗi thứ 8g; gừng sống 6g. Sắc uống trong ngày.
Chữa viêm phổi ở trẻ em: Quả tía tô 8g; sài đất, thạch cao mỗi thứ 20g; kim ngân hoa 16g; lá tre 12g; hoàng liên, tang bạch bì mỗi thứ 8g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa phù khi mang thai (do khí trệ): Quả tía tô, hương phụ, trần bì ô dược, mộc qua, mỗi thứ 8g; cam thảo 4g; sinh khương 2g. Sắc uống.
Rễ tía tô - Vị thuốc tô căn
Rễ: Tên thuốc là tô căn. Thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô, dùng trong, rễ tía tô với rễ cây gai, rễ đu đủ và rễ cỏ lào mỗi thứ 20 - 30g. Sắc uống chữa kiết lỵ, tiêu chảy.
Dùng ngoài, rễ tía tô, lá thanh yên, nõn khoai môn, lá lốt, giã nhỏ, gói vào vải xô, hơ nóng, đắp chữa vết thương tụ máu, sưng tấy và đau nhức. Ngày làm 2 – 3 lần.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165288 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 67125 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46957 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36633 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 31306 lượt xem )