Có một vị thuốc được tôn xưng là “Vua bổ huyết” – Dưỡng huyết đúng cách, thân thể tự nhiên khoẻ mạnh

Gửi lúc 16:10' 21/04/2025

Trong Đông y có câu: “Phụ nữ dĩ Can vi tiên thiên” – tức Can được xem là gốc rễ tiên thiên của phụ nữ. Can chủ tàng huyết, mà phụ nữ do đặc điểm sinh lý đặc biệt như kinh nguyệt, thai sản, dễ tiêu hao âm huyết, cho nên so với nam giới lại càng dễ xuất hiện tình trạng huyết hư.

Trong Đông y, Đương quy là vị thuốc vừa bổ huyết lại vừa dưỡng huyết rất hiệu quả, lại được xem là thánh dược trong phụ khoa

Trên lâm sàng, mười phần phụ nữ thì có đến tám, chín phần mắc chứng huyết hư ở mức độ khác nhau, đặc biệt là Can huyết hư và Tâm huyết hư.​

Biểu hiện thường gặp gồm:

- Lưỡi nhạt màu

- Mạch nhỏ (mạch tế)

- Kinh nguyệt ít

- Mắt khô, dễ mỏi

- Móng tay nhợt nhạt

- Chỉ số máu như hồng cầu và huyết sắc tố thấp

Trong Đông y, có một vị thuốc vừa bổ huyết lại vừa dưỡng huyết rất hiệu quả, lại được xem là thánh dược trong phụ khoa – Đương quy (Angelica sinensis (Oliv.) Diels).

1. Đương quy – Không chỉ bổ huyết mà còn hoạt huyết

Muốn hiểu vì sao Đương quy có thể vừa bổ huyết lại vừa hoạt huyết, trước hết cần hiểu rõ nguyên nhân gây huyết hư, và huyết hư dẫn đến hậu quả gì trong cơ thể.

1.1 Huyết hư gây ra điều gì?

Theo y lý Đông phương, huyết dịch trong cơ thể tuy là do Tâm sinh ra, nhưng Tỳ Vị là căn bản của hậu thiên, là nơi sinh hóa khí huyết. Thức ăn sau khi được Tỳ Vị tiêu hóa sẽ chuyển hóa thành tinh vi dưỡng chất, đưa đến các tạng phủ như Tâm, Phế, Can…

Tâm chủ huyết mạch, khi tinh vi vật chất đến Tâm sẽ hóa thành huyết dưới tác dụng của Tâm dương. Một phần lớn huyết sau đó được tàng trữ ở Can.

Nguyên nhân chính của huyết hư gồm:

- Sinh huyết không đủ – thường do Tỳ Vị hư yếu, không thể chuyển hóa dinh dưỡng đầy đủ để tạo huyết.

- Hao huyết quá mức – do mất máu, hành kinh nhiều, băng huyết, sinh nở, v.v.

- Huyết hư do khí hư (Tỳ khí yếu) thường có biểu hiện:

+ Mệt mỏi, dễ kiệt sức

+ Tinh thần uể oải

+ Ăn kém, đầy bụng

+ Kinh nguyệt giảm, lưỡi nhạt, móng nhợt, mạch tế

- Đặc biệt, nhiều phụ nữ ngày nay theo các chế độ ăn kiêng giảm cân cực đoan, dẫn đến thiếu dưỡng chất sinh huyết. Về lâu dài còn làm tổn thương Tỳ Vị, khiến khả năng tiêu hóa hấp thu kém đi, càng dễ dẫn đến huyết hư trầm trọng. Nặng hơn, có người vô kinh – dấu hiệu của huyết hư nghiêm trọng.

- Thêm vào đó, do phụ nữ vốn có thiên hướng mất huyết qua kinh nguyệt, thai nghén, sinh nở..., nếu lại gặp tình trạng rong kinh, băng huyết, hoặc chảy máu bất thường thì tình trạng huyết hư càng rõ rệt.

1.2 Tại sao huyết hư lại sinh huyết ứ?

Đông y ví huyết mạch như dòng sông, huyết dịch như nước. Nước ít thì dòng chảy chậm, dễ tụ đọng ở những chỗ quanh co, tích tụ rác bẩn, tạo thành ứ trệ.

Tương tự, khi huyết không đủ, lưu thông sẽ kém đi, kết hợp với sản phẩm chuyển hóa như mỡ máu, đàm thấp tích tụ, dễ hình thành huyết ứ. Lâm sàng thường thấy:

- Kinh có cục máu

- Lưỡi có điểm ứ huyết, sắc tím

- Tĩnh mạch dưới lưỡi giãn, tím sẫm

Trong trường hợp này, cần vừa bổ huyết vừa hoạt huyết. Đương quy là lựa chọn tối ưu, bởi khác với những thuốc hoạt huyết như Đào nhân, Hồng hoa dễ hao huyết, thì Đương quy hoạt huyết mà không phá huyết.

2. Đương quy được dùng như thế nào trên lâm sàng?

2.1 Huyết hư do khí hư, đặc biệt là Tỳ khí hư yếu

Dùng bài Đương quy bổ huyết thang – phương thuốc cổ phương nổi tiếng của danh y Lý Đông Viên thời Kim Nguyên.

Bài thuốc gồm: Hoàng kỳ và Đương quy, với tỷ lệ Hoàng kỳ gấp 5 lần Đương quy (Vì khí là động lực sinh huyết, đặc biệt coi trọng Tỳ khí trong tạo huyết)

Nếu Tỳ khí suy yếu rõ, có thể gia thêm: Đảng sâm, Bạch truật, Phục linh để kiện Tỳ ích khí, hỗ trợ hấp thu dưỡng chất sinh huyết.

Thuốc Đương quy bổ huyết P/H được bào chế theo bài thuốc cổ phương Đương quy bổ huyết

2.2 Huyết hư làm chủ, khí hư không rõ, kèm huyết ứ nhẹ

Dùng bài Tứ vật thang gồm: Thục địa – Đương quy – Bạch thược – Xuyên khung

- Thục địa: bổ Thận, sinh tinh, sinh huyết

- Đương quy & Bạch thược: dưỡng Can huyết (Đương quy ôn, Bạch thược lương – điều hòa âm dương)

- Xuyên khung: hoạt huyết, hành khí

Khi ứ huyết rõ hơn (kinh có máu cục, lưỡi có ban tím, mạch trệ...), có thể gia thêm: Đào nhân, Hồng hoa, Xích thược để tăng công năng hoạt huyết.

Thuốc Hoạt huyết thông mạch P/H của Đông dược Phúc Hưng được bào chế theo bài thuốc cổ phương Tứ vật thang

2.3 Huyết hư, Can Thận hư gây táo bón

Hay gặp ở người cao tuổi – tinh huyết suy kiệt, ruột khô, phân khó ra.

Dùng bài Tế xuyên tiễn (济川煎) gồm:

- Đương quy: dưỡng huyết, nhuận tràng

- Nhục thung dung, Ngưu tất: bổ Thận, sinh tinh, hoạt huyết, nhuận táo

- Trạch tả: tiết trọc khí, lợi niệu

- Thăng ma, Chỉ xác: điều khí thăng giáng, hỗ trợ tiêu hóa và thông tiện

3. Những ai không nên dùng Đương quy?

- Người có nội nhiệt rõ rệt: lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch sác, nhiệt miệng, tiểu vàng, đại tiện nóng rát...: Không nên dùng Đương quy vì tính ôn sẽ làm trầm trọng thêm nội nhiệt.

- Người Tỳ hư, tiêu hóa kém, đàm thấp nặng: Nên dùng liều thấp, tránh gây đầy bụng, tiêu hóa khó khăn.

Đương quy là vị thuốc quý trong Đông y, đặc biệt đối với phụ nữ. Nhưng cũng như mọi phương thuốc, cần sử dụng đúng người, đúng bệnh, đúng liều, nên tham vấn ý kiến chuyên môn trước khi sử dụng. 

BS YHCT Phạm Thu Hằng