Thuốc nam trong cuộc trường chinh của người Việt

Gửi lúc 09:35' 09/05/2013

Câu chuyện này rút ra từ sử liệu nhằm kể về vai trò quan trọng của thuốc Nam, đặc biệt là thuốc từ các dân tộc thiểu số, trong việc kiến tạo đất nước ta. Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, thuốc Nam đã bị cấm cản mạnh mẽ; điều này đã làm dấy lên lòng tự hào dân tộc bởi việc sử dụng thuốc Nam được xem như một cảm thức chống thực dân. Cảm thức này lớn lên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khi thuốc Nam trở thành nguồn dược liệu chính yếu để điều trị cho cả bộ đội và người dân. Những thầy thuốc dân gian thuộc những nhóm dân tộc thiểu số vùng cao đã điều trị những người lính khi họ bị thương, bỏng, gãy xương, sốt rét, rắn/đỉa cắn, đau bụng, v.v... Từ thực tế này, Bác Hồ đã ca ngợi công dụng của thuốc Nam và lấy nó làm trung tâm trong việc cổ vũ tinh thần dân tộc bằng cách đưa thuốc Nam vào các chương trình, chính sách y tế quốc gia. Tri thức và thực hành dân gian về thuốc Nam từ vị thế “bên lề” đã trở thành trung tâm trong việc xây dựng đất nước-dân tộc Việt Nam, vừa chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vừa là biểu tượng của sự tinh thần độc lập, tự chủ. Như vậy, cái “bên ngoài” trở thành một phần không thể thiếu của cái “bên trong”, phá vỡ quan điểm phổ biến cho rằng “miền ngược” và “miền xuôi” là hai không gian, hai cộng đồng tách rời và không phụ thuộc.

Dưới chế độ thực dân Pháp, thuốc Nam bị những bác sĩ tây học coi rẻ với lý do “thiếu tính khoa học”. Năm 1938, chính quyền thực dân ra sức ngăn cản những người hành nghề y học cổ truyền. Trước đó không lâu, năm 1936, những thầy thuốc dân gian đã bắt đầu tổ chức phong trào để thành lập hội y học cổ truyền như một cách thể hiện tinh thần yêu nước. Trong Thế Chiến II, khi nguồn thuốc tây từ Châu Âu trở nên khan hiếm, vai trò của những thầy thuốc dân gian được coi trọng hơn. Với sự trở lại của người Pháp vào năm 1945-46, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã khuyến khích, thúc đẩy việc chữa bệnh bằng thuốc Nam, đề cao sức mạnh của tinh thần tự lực, tự cường và lòng tự hào dân tộc.

Trong kháng chiến chống Pháp, quân đội cách mạng Việt Nam từ miền xuôi dấn sâu lên miền núi phía Bắc, triển khai những cuộc đột kích chiến lược vào các trại lính Pháp. Nhiều chiến sĩ đã dựng trại sống giữa những người “miền ngược” và được cung cấp thức ăn, chỗ trú ẩn, và thông tin để định vị giữa chốn núi rừng. Chiến tranh đã cản trở việc tiếp cận thuốc men hiện đại, do đó, cả bộ đội và người dân ngày càng trông cậy vào thuốc Nam như nguồn dược liệu chính. Như vậy, thuốc Nam đã trở thành một chỗ dựa cho những chiến sĩ khoẻ mạnh mà về sau đã đánh bại cả quân Pháp và quân Mỹ.

Sau thất bại của Pháp vào năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về sự lệ thuộc vào dược liệu phương tây, kêu gọi cho sự phát triển mạnh hơn của dược liệu dân gian và việc kết hợp giữa y học phương Đông và y học phương Tây. Từ đó, những hội, viện nghiên cứu, bệnh viện và phòng khám y học cổ truyền đã được thành lập từ trung ương đến địa phương. Thành lập năm 1957, Hội Y học cổ truyền Việt Nam đã quy tụ hơn 20.000 thành viên trên khắp đất nước và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của dược liệu dân gian. Do tính công hiệu và sẵn có của thuốc Nam, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khuyến khích việc canh tác và sản xuất thuốc Nam ở các làng xã. Việc sản xuất thuốc men từ nguyên liệu địa phương trở thành một ưu tiên hàng đầu của ngành dược.

Trong kháng chiến chống Mỹ, miền ngược một lần nữa trở thành vùng đất chiến lược quan trọng đối với quân đội Bắc Việt, và cây thuốc của các dân tộc thiểu số vẫn là nguồn dược phẩm thiết yếu. Lúc đó, ngành dược trở nên phụ thuộc chặt chẽ vào những cây thuốc trồng ở vùng cao. Theo các nhà nghiên cứu Hoàng Bảo Châu, Phó Đức Thức và Hữu Ngọc, “số lượng bệnh nhân được chữa khỏi nhờ dược liệu truyền thống chỉ nội trong mạng lưới y tế chính thức đã tăng từ dưới 12.000 ca vào năm 1960 đến trên 750.000 vào năm 1970.”  

Từ đầu những năm 60, chính phủ đã khởi động chương trình nghiên cứu chuyên sâu về bộ dược điển thảo mộc trong những cộng đồng nông thôn. Từ năm 1975 đến 1985, Viện Dược liệu đã tiến hành một khảo sát ở quy mô quốc gia nhằm soạn danh mục cây thuốc cho mọi tỉnh thành. Dựa trên nghiên cứu toàn diện này, 40 loại thuốc mới đã được bào chế. Nhiều loại thuốc dân gian từ những nhóm dân tộc thiểu số ở vùng cao không chỉ có tác dụng trên những chứng bệnh thông thường mà còn chống lại cả những bệnh khó chữa hơn như bệnh đại tràng, viêm gan, loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh [bacillus pyocyanus] và một số dạng viêm khớp.

Bộ Y tế đã áp dụng danh sách chính thức những loại thuốc thiết yếu, mà 50 loại trong đó có nguồn gốc động và thực vật. Bộ Y tế cũng đã xây dựng một danh sách gồm 35 loại cây thuốc dùng cho những hoạt động y tế cơ bản ở làng xã. Hơn 100 loại đang được dùng trên khắp cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu y tế của phần đông dân chúng, điều trị những căn bệnh và chứng rối loạn thông thường. Chính sách quốc gia về dược khuyến khích đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu khoa học vào dược liệu cổ truyền, canh tác cây thuốc, bảo tồn gen, và đào tạo cán bộ.
Như vậy, dược liệu cổ truyền đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp duy trì một cộng đồng dân cư và quân đội khoẻ mạnh trong suốt hai cuộc chiến tranh. Do đó, nó đã được tích hợp làm thành tố trung tâm trong diễn ngôn và thực hành y tế quốc gia. Tầm quan trọng đã được chứng minh của các cây thuốc từ các dân tộc thiểu số góp phần làm lung lay những định kiến tiêu cực về “miền ngược”, phản bác lại quan điểm coi “miền ngược” như một không gian, cộng đồng tách biệt và độc lập cố hữu với “miền xuôi”.

St