Góc nhìn từ đại dịch Covid1-19: Vai trò của Thận

Gửi lúc 08:38' 12/08/2020

Theo Đông y, Thận là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể; nó được xem như gốc rễ của hoạt động sống và nền móng của sự di truyền. Khái niệm về Tạng Thận trong Đông Y rộng hơn so với “cơ quan” Thận theo giải phẫu Tây y. Một khi chức năng của tạng Thận gặp vấn đề thì cơ thể dễ dàng bị tấn công. Thực tế cho thấy, 15 ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính tới thời điểm hiện nay đa số đều liên quan đến Thận . Vậy Thận theo Đông y và Tây y có gì khác nhau? Khi chức năng của Thận suy yếu, sức đề kháng của cơ thể sẽ ảnh hưởng ra sao? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.

 

Thận theo quan điểm Tây y và nguy cơ tử vong do Covid-19

 

Thận là một bộ phận nằm trong hệ tiết niệu, bao gồm 2 quả : thận trái , thận phải và duy trì nhiều chức năng.

 

 

Thận có chức năng chính là lọc máu và lọc nước tiểu

 

Thận có hình hạt đậu nằm trong khoang bụng sau phúc mạc đối xứng nhau qua cột sống, ngang đốt ngực D11 đến đốt thắt lưng L3. Thận phải nằm thấp hơn thận trái một chút. Mặt trước thận nhẵn bóng còn mặt sau thì sần sùi. Các quả thận nhận máu từ cặp động mạch thận bắt nguồn từ động mạch chủ bụng, và chảy vào các cặp tĩnh mạch thận. Mỗi quả thận tiết nước tiểu vào niệu quản, là một cấu trúc cặp đôi dẫn nước tiểu vào bàng quang. Phía trên mỗi quả thận là tuyến nội tiết thượng thận.

Thận có chức năng chính là lọc máu và lọc nước tiểu, khi thận bị suy yếu sẽ dẫn tới nhiều bệnh liên quan đến thận như : suy thận, viêm bàng quang, ung thư bàng quang, ảnh hưởng tới tuyến tiền liệt,…

70% - 80% số ca mắc Covid-19 tử vong tại nước ta hiện nay (tính đến 11/08/2020) có bệnh thận mạn tính. Trên bệnh lý nền sẵn có, khi mắc SARS-CoV-2, người bệnh thường ít triệu chứng ban đầu, khi các triệu chứng “rõ ràng” thì cũng là lúc bệnh tiến triển nặng.

Bệnh thận mạn tính là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận có thời gian kéo dài trên 3 tháng, đã ảnh hưởng sức khỏe, sức đề kháng chung người bệnh. Nhóm dễ mắc thận mạn tính là những người có tiền sử mắc các bệnh lý về thận đặc biệt bệnh lý về cầu thận, sỏi thận, nhiễm khuẩn tiết niệu. Người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống hoặc sử dụng một số loại thuốc gây suy giảm chức năng thận như kháng sinh, NSAID, lạm dụng các thuốc không kê đơn như aspirin, ibuprofen và acetaminophen

Dấu hiệu nhận biết người bệnh gặp các vấn đề về chức năng thận, mắc thận mạn tính bao gồm: nôn hoặc thường xuyên cảm thấy buồn nôn; Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường; Cảm thấy mệt mỏi hoặc khó thở, không cảm thấy hứng thú trong ăn uống; Bị chuột rút, co giật cơ bắp, da khô và ngứa, tình trạng ngứa kéo dài.; Ngủ kém, sụt cân không có lý do rõ ràng, mệt mỏi, ủ rũ, phù chân, đau ngực, khó thở... ; Tăng huyết áp khó kiểm soát. Tuy nhiên trên thực tế, các dấu hiệu này không phải là đặc trưng duy nhất của bệnh lý thận mạn tính mà còn có thể gây ra bởi các bệnh lý khác. Tùy theo sức khỏe của người bệnh, giai đoạn bệnh mà các triệu chứng sẽ khác nhau ít, nhiều.

Thông thường khi khi nhắc đến Covid-19 thường mọi người chỉ cho rằng virus sẽ tấn công phổi và việc suy hô hấp do phổi không thực hiện được chức năng của mình là nguyên nhân gây ra tử vong, nhưng thực tế không chỉ vậy. Virus SARS-CoV-2 có thể di chuyển vào máu để tấn công tim, thận và gan. Ở những trường hợp đã tử vong tại Vũ Hán, đã có nghiên cứu dựa trên kết quả giải phẫu bệnh của các bệnh nhân tử vong giai đoạn nặng ghi nhận những dữ liệu liên quan đến thành phần protein trong cầu thận, hoại tử ống thận, bệnh lý vi mạch và xơ hoá mô kẽ.

Ngoài ra, ở những người mắc bệnh lý thận mạn tính hay chức năng thận suy giảm, sức đề kháng thường kém, khi bị SARS-CoV-2 tấn công, lượng virus phát triển trong cơ thể sẽ nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.

Chưa kể một số nhận định của các chuyên gia còn cho rằng: “Một số người khi bị virus tấn công sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hệ thống này không chỉ tấn công virus mà còn tấn công các cơ quan nội tạng, gây suy các cơ quan và làm giảm các chức năng, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn”.

Tóm lại, với những số liệu và nghiên cứu được ghi nhận cho tới thời điểm hiện nay cho thấy, những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch đã được Bộ Y tế hướng dẫn. Việc phòng bệnh ở những đối tượng này cần được đặt lên hàng đầu bởi một khi đã bị virus SARS-CoV-2 thì hệ quả là không thể lường hết được.

 

“Thận” theo quan điểm của Đông y và sự suy yếu của các tạng phủ khi tạng Thận gặp “vấn đề”

 

Tạng thận không phải là quả thận (Tây y) mà gồm có thận âm, thận dương, thận khí và cả một hệ thống kinh mạch liên quan đến thận.

Tạng Thận theo khái niệm của Đông y có vai trò thực hiện chức năng sinh dục, tiết niệu, nội tiết, xương cốt, huyết dịch cho đến công năng của hệ thống thần kinh. Trong tạng thận chứa nguyên âm và nguyên dương (cũng được gọi là Thận âm và Thận dương). Tạng Thận cũng liên quan mật thiết với các tạng phủ khác nhằm thực hiện điều hòa chức năng sinh lý của cơ thể.. Mối quan hệ của tạng thận với các cơ quan khác là những mối quan hệ tương sinh và tương khắc với các trạng thái vận động không ngừng. Đông y sử dụng học thuyết Ngũ hành như một công cụ để giải thích sinh lý các tạng phủ trong cơ thể, hiện tượng bệnh lý và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị trên lâm sàng.

 

 

Đông y sử dụng học thuyết Ngũ hành như một công cụ để giải thích sinh lý các tạng phủ trong cơ thể

 

Thận ảnh hưởng đối với Phế

Dựa vào học thuyết ngũ hành, mối quan hệ giữa Thận với Phế giống như sự liên hệ giữa mẹ và con. Thận thuộc Thủy còn Phế thuộc Kim; Thủy và Kim tương sinh (Kim sinh Thủy, Thủy nhuận Kim). Chúng có tác dụng ảnh hưởng phụ thuộc lẫn nhau về sinh lý và bệnh lý.

Phế là cơ quan hô hấp. Hít vào khí trong (thanh khí) từ không khí thiên nhiên và thải ra khí dơ (trọc khí) của cơ thể, làm trao đổi khí giữa bên trong và ngoài cơ thể. Tùy thuộc vào sự vận hành của Phế, khí có thể lưu thông xuyên suốt cơ thể, vì vậy sự chuyển hóa trong cơ thể luôn được đảm bảo.

Tuy nhiên, hô hấp không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào chức năng của Phế, Thận cũng tham gia điều hòa quá trình hô hấp. Để duy trì khí trao đổi có hiệu quả, khí hít vào đã được Phế tinh chế phải đưa xuống Thận để được Thận thu nạp một cách thích hợp. Thận chủ “nạp khí” nghĩa là thu nhận, giữ lại khí hít vào của phế, điều tiết hoạt động hô hấp.

Thông thường hoạt động hô hấp tùy thuộc vào sự điều hòa lẫn nhau của Thận và Phế. Mối quan hệ này được nói rõ trong “Loại chứng trị tài” (Chẩn đoán phân biệt và điều trị các bệnh lý – Lâm Bội Cầm 1839 – nhà Thanh): “Phế chủ khí và Thận là gốc của khí; Phế chủ xuất khí và Thận chủ nạp khí; âm dương tương giao hô hấp được thông suốt là kết quả của sự cân bằng giữa âm và dương”.

Để duy trì hô hấp được thông suốt, Thận khí phải sung mãn và chức năng nạp khí của Thận không bị ảnh hưởng. Khi Thận khí suy nhược và không nạp được khí, khí đi xuống không được Thận thu nạp có thể dẫn đến các vấn đề về Phế như hít vào khó khăn và thì thở ra dài. Tình trạng sẽ nặng hơn khi vận động nhiều. Trong Đông y, đây được gọi là Thận không nạp khí. Trên lâm sàng, bệnh này có thể gặp trong viêm Phế quản mạn tính người cao tuổi, khí Phế thũng và Tâm Phế mạn, tất cả là kết quả của Thận hư khí nghịch, thận không nạp khí gây ra..

Thận ảnh hưởng đối với Tỳ

Trong khi Thận được xem như là “Tiên thiên” và nguồn gốc của sự sống, thì Tỳ được xem như là “Hậu thiên” và là nguồn sinh hóa khí huyết. Hai cơ quan này hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau.

Tỳ chủ vận hóa. Điều đó có nghĩa Tỳ là cơ quan chính cho tiêu hóa, hấp thu và vận chuyển tinh chất dinh dưỡng đến toàn cơ thể. Tinh chất dinh dưỡng là nguyên liệu cơ bản tạo nên huyết dịch, khí và tân dịch trong cơ thể. Chính vì vậy mà Tỳ được xem là “hậu thiên” và là nguồn gốc sản sinh ra khí huyết. Để hoạt động tốt, Tỳ phụ thuộc vào sự ôn ấm và hoạt động thúc đẩy của Thận dương.  Theo “Y môn bổng hát” viết: “Chức năng vận hóa của Tỳ và Vị được thúc đẩy nhờ sự ôn ấm và thúc đẩy của Thận dương”. Điều đó có nghĩa rằng “Tiên thiên” hỗ trợ “Hậu thiên”, nó cho phép Tỳ và Vị hoạt động một cách thông suốt. Và kết quả làm thức ăn và nước uống được tiêu hóa và tinh chất dinh dưỡng được sản xuất, đảm bảo bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.

Thận ảnh hưởng đối với Tâm

Theo Đông y, Tâm ở phần trên của cơ thể, nó thuộc Dương và chủ hỏa, có tính chất động. Trong khi đó, Thận nằm ở phần dưới cơ thể, nó thuộc Âm và chủ Thủy, có tính chất tĩnh. Theo lý luận Đông Y, sinh lý bình thường, Tâm hỏa giáng xuống Thận cùng với Thận dương ôn ấm Thận âm và ngăn ngừa Thận âm quá thịnh. Mặt khác, Thận thủy phải thăng lên cùng với Tâm âm để nuôi dưỡng Tâm dương, cũng là ngăn ngừa Tâm dương hoạt động thái quá. Đông y cho rằng: Khi Thận thiếu hỏa của Tâm, thủy sẽ lạnh; khi Tâm thiếu Thủy của Thận, hỏa sẽ thái quá”. Khi thủy và hỏa hài hòa, quan hệ cân bằng giữa âm ở dưới và dương ở trên giúp duy trì sự đảm bảo cần thiết cho sức khỏe (gọi là thủy hóa ký tế).

Thận liên quan với Can

Theo học thuyết ngũ hành, Can thuộc mộc và Thận thuộc thủy. Can thúc đẩy sự hoạt động của khí thông sướng và điều đạt, là nơi tàng huyết và điều chỉnh thích hợp sự bổ sung huyết cho tuần hoàn và toàn cơ thể. Theo học thuyết ngũ hành, Thủy sinh Mộc. Đây là mối quan hệ mẹ con. Thận giúp tăng cường và nuôi dưỡng Can để nó có thể hoạt động chức năng bình thường.

Tinh hậu thiên và huyết có chung nguồn gốc. Chúng được biến đổi từ tinh dinh dưỡng và là sản phẩm của quá trình tiêu hóa và chuyển đổi bởi Tỳ vị. Huyết được tàng ở Can và tinh được tàng ở Thận. Trong điều kiện sinh học bình thường, huyết được tàng ở Can cũng dựa trên sự nuôi dưỡng của Thận tinh. Ngược lại, Thận tinh cũng phụ thuộc vào sự bổ sung của Can huyết. Chúng biến đổi qua lại và nuôi dưỡng lẫn nhau.

Tướng hỏa có nguồn gốc từ Mệnh môn, đó là Can và Thận. Nó có ở cả Can và Thận. Chúng quan hệ với quân hỏa (Tâm hỏa) và cả hai cùng phối hợp hoạt động chức năng với nhau như trong 1 vương quốc và đẩy mạnh hoạt động chức năng khỏe mạnh cho toàn cơ thể.

Thận ảnh hưởng đến Phủ

Với các phủ, Thận có quan hệ mật thiết nhất với phủ Bàng quang. Kinh Thận và kinh Bàng quang có mối quan hệ biểu lý với nhau. Hơn nữa, theo học thuyết ngũ hành, cả hai đều thuộc hành Thủy, vì vậy không lạ gì khi Thận và Bàng quang là hai cơ quan quan trọng trong vận chuyển nước toàn cơ thể.

Thận chủ thủy bằng việc điều hòa và bài tiết nước, Đông y mô tả Thận như một máy bơm. Còn Bàng quang chứa đựng và bài tiết nước tiểu, cũng là một bộ phận trong quá trình bơm nước. Theo quan niệm Đông y, quá trình hoạt động của chúng thực hiện những hoạt động này tương tự như việc đóng mở của các cửa van nước khác nhau. Chức năng khí hóa của Thận khí là yếu tố quyết định cho hoạt động chức năng của Bàng quang được bình thường. Khi Thận khí đầy đủ và chức năng bế tàng hoạt động thích hợp thì Bàng quang sẽ đóng mở đều đặn giúp duy trì hoạt động chứa đựng và thải nước tiểu. Khi thận khí thiếu hụt,  dẫn đến Bàng quang đóng mở không đều đặn. Khi đó sẽ gặp phải những vấn đề như chứng phù, tiểu tiện không kiểm soát và tiểu nhiều lần. Vì thế những thay đổi bệnh lý về sự tàng trữ và bài tiết nước tiểu thường liên quan đến cả Bàng quang và Thận.

Nói chung theo quan điểm Đông y, Thận là tạng quan trọng nhất trong cơ thể. Chúng có thể được xem là nền tảng di truyền và gốc rễ của sự sống. Khi chúng ta lớn lên già đi, chức năng của Thận cũng bị sụt giảm một cách tự nhiên. Khi chức năng tạng Thận suy giảm đồng nghĩa với việc chức năng của tạng phủ sức đề kháng tự nhiên của cơ thể cũng giảm đi. Lúc này sự tấn công của những yếu tố bên ngoài có thể làm cơ thể “sụp đổ” một cách nhanh chóng.

Lý giải vai trò của Thận theo Tây y hay tạng Thận theo Đông y đều cho thấy, vai trò quan trọng của chức năng vận hành của Thận (Tây y), công năng của Tạng Thận (Đông y). Dù theo quan điểm nào, Đông y hay Tây y thì việc nâng cao chức năng của Thận là vô cùng cần thiết trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

 

Chủ động nâng cao sức khỏe nói chung và công năng tạng Thận nói riêng để phòng bệnh

 

10 phương pháp dưỡng thận đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện dưới đây sẽ giúp bạn “dưỡng Thận” tốt nhất, nâng cao sức khỏe một cách tự nhiên:

- Bảo vệ tốt đôi chân

Giữ ấm bàn chân là cách thức đơn giản và hiệu quả nhất để dưỡng thận. Bởi lẽ, kinh mạch của thận xuất phát từ lòng bàn chân, nhưng đây lại là nơi rất dễ bị hàn khí xâm nhập. Vì thế, nếu muốn bảo vệ thận, chúng ta cần đặc biệt chú ý giữ ấm cho đôi chân của mình, khi đi ngủ đừng để chân đối diện với máy điều hòa hoặc quạt, càng không nên đi chân trần nơi ẩm ướt trong thời gian lâu.

Ngoài ra lòng bàn chân có rất nhiều huyệt vị, tiêu biểu là huyệt Dũng Tuyền. Trung y cho rằng "thận xuất phát từ huyệt Dũng Tuyền". Bởi vậy, mỗi đêm trước khi ngủ, ta nên mát xa cho huyệt Dũng Tuyền để đạt được tác dụng dưỡng thận, cố tinh.

- Đại tiện cần được thông suốt

Đại tiện không thông, đại tràng bị ứ tắc, "trọc khí" (khí bẩn) từ bên trên dồn xuống, không chỉ gây khó chịu, tức ngực mà còn làm tổn thương đến thận, kéo theo đó là thắt lưng và xương sống mỏi mệt.

Bởi vậy, luôn duy trì đại tiện thông suốt cũng là một trong những việc cần làm để dưỡng thận.

Các thầy thuốc Đông y khuyên rằng khi đại tiện khó, bạn có thể dùng hai mu bàn tay áp vào chỗ thận và dùng lực massage vị trí này để kích phát khí ở thận, làm cho quá trình đào thảo nhanh hơn, cũng giúp thắt lưng xương sống đỡ mỏi hơn.

- Uống đủ nước:

Cơ thể con người có tới ¾ là nước. Bởi vậy, nước được ví như nguồn sống của chúng ta.

Tình trạng thiếu nước không chỉ khiến cho cơ thể mệt mỏi mà còn tạo điều kiện cho các chất độc ứ đọng do không được bài tiết qua đường tiết niệu.

Bởi vậy, uống đủ nước là một việc làm trọng yếu trong "thập đại phương pháp" dưỡng thận.

Cần đặc biệt lưu ý rằng, chúng ta nên "tiếp nước" cho cơ thể một cách thường xuyên, không nên chờ khát mới uống, bởi khi bạn cảm thấy khát đồng nghĩa với việc cơ thể đang phát ra "tín hiệu cảnh báo".

- Tuyệt đối không nhịn tiểu

Khi lượng nước tiểu trong bàng quang đạt đến một mức độ nhất định, cơ quan này sẽ kích thích thần kinh sinh ra phản xạ muốn bài tiết nước tiểu ra ngoài. Bởi vậy, ngay khi cảm thấy buồn tiểu, chúng ta nên "giải quyết" kịp thời và tuyệt đối không nhịn.

Việc nhịn tiểu không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn làm ứ tắc các chất cặn bã trong cơ thể. Khi những chất có hại này lưu lại, một phần trong chúng sẽ được "tái hấp thu", gây tổn hại đến thận.

- Nuốt nước bọt thường xuyên

Nước bọt trong khoang miệng của chúng ta chia làm hai phần. Đó là nước bọt trong và nước bọt đục.

Nước miếng trong có dạng loãng, liên quan đến tiêu hóa do tạng Tỳ tiết xuất. Nước miếng đục có dạng đặc và liên hệ mật thiết tới tình trạng của thận.

Bởi vậy, việc nuốt nước bọt cũng là một trong những phương pháp dưỡng thận nói riêng và dưỡng sinh nói chung.

- Tận dụng những "thần dược tự nhiên"

Những thực phẩm có màu đen như vừng đen, mộc nhĩ đen, gạo đen… luôn đứng đầu trong danh sách những "thần dược" tự nhiên dành cho thận.

Bên cạnh đó, nhiều loại thực phẩm như tỏi, quả óc chó, hạch đào, rau hẹ, tôm… cũng có tác dụng dưỡng thận vô cùng hiệu quả.

- Bảo đảm giấc ngủ

Một giấc ngủ đủ giờ và chất lượng có tác dụng bảo dưỡng tinh lực và khí huyết của thận.

Do áp lực công việc, một bộ phận không nhỏ người hiện đại thường có thói quen ngủ muộn. Vì thế, số lượng bệnh nhân suy kiệt chức năng thận do thức đêm, ngủ không đủ giấc được ghi nhận thường xuyên và ngày càng tăng lên.

- Ngăn ngừa mệt mỏi

Lao động chân tay quá nặng sẽ tổn hại nguyên khí, lao động trí óc quá nặng sẽ hao tổn huyết.

- Cảnh giác khi dùng thuốc

Các loại thuốc chứa thành phần aminoglycosides, vancomycin, các kim loại nặng, cisplatin, thuốc chống viêm không steroid, cephalosporin,…

Do đó, khi dùng thuốc cần đặc biệt lưu ý, tránh việc lạm dụng hay dùng liều. Đối với những loại thuốccó chứa các thành phần trên, chúng ta cần nắm rõ liều lượng, tác dụng và dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ.

- Bài tập dưỡng thận

Một trong những bài tập dưỡng thận rất đơn giản được các thầy thuốc hướng dẫn là: Chà hai lòng bàn tay vào nhau cho đến khi nóng lên, sau đó úp vào hai eo, mát xa cho phần eo, đến khi eo cảm thấy nóng mới thôi.

Tiến hành bài tập này vào đều đặn vào mỗi buổi sáng sẽ rất đạt được hiệu quả dưỡng thận rất tốt.

 

Quang Nghị tổng hợp