Dao cầu và thuyền tán trong chặng đường phát triển của y học cổ truyền

Gửi lúc 15:17' 28/07/2022

Y học cổ truyền Việt Nam phát triển cùng chiều dài lịch sử của dân tộc, chịu ảnh hưởng nhiều từ nền kinh tế nông nghiệp và nền văn hóa phương Đông. Sau thời kỳ Hùng Vương, từ năm 111 trước Công Nguyên đến năm 938 sau Công Nguyên, mặc dù phương Bắc bị đô hộ gần 1.000 năm nhưng ông cha ta vẫn phát huy nền y học cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc, có kế thừa và tiếp thu thêm nền y học Trung Quốc (Trung y) giao lưu sang nước ta nhưng không làm mất đi bản sắc.

Cho đến hôm nay, y khoa nhân loại đã có những bước tiến vượt bậc về mặt khoa học, công nghệ, đi sâu vào giải mã cơ chế bệnh, giải phẫu bệnh... nhưng nền y học Vọng - Văn - Vấn - Thiết vẫn chưa từng lạc hậu, thậm chí là phát triển song hành, có một vị thế độc lập, kiên cố và bảo lưu những nguyên lý cơ bản từ thuở định danh đến nay.

Dao cầu và thuyền tán trong chặng đường phát triển của y học cổ truyền

Hàng chục năm sau ngày toàn cầu hóa, lần đầu tiên trong lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống nhất đưa Đông y vào sách yếu lược toàn cầu bản mới nhất. Đây là sự ghi nhận chưa từng có trong lịch sử y khoa nhân loại, đánh giá đúng mức và đúng tầm của một loại hình khoa học Đông phương đầy minh triết.

Câu chuyện về nền Đông dược nếu để nói lại và nói hết, chắc phải tốn cả vài chục ngàn trang giấy. Tuy nhiên lâu nay, trong các sách vở ghi chép kinh điển cũng như hiện đại, chỉ nói đến phần dược liệu, bào chế, tính vi, quy kinh... của dược phẩm, mà ít nói đến những dụng cụ đặc thù. Y học hiện đại gọi chúng với cái tên chung là "thiết bị - dụng cụ y tế". Tiêu biểu trong bào chế Đông dược là hai đại biểu thông dụng: Dao cầu và thuyền tán.

Trong ‘Bào Chích Luận’ của Lôi Hiệu, viết khoảng năm 420 –479 – cuốn sách được coi là quy phạm cho những người bào chế thuốc thì dao cầu và thuyền tán là hai dụng cụ kinh điển không thể không nhắc đến.

Kể từ khi xuất hiện "Bào Chích Luận" của Lôi Hiệu đến nay, hai dụng cụ này đóng vai trò đặc trưng của ngành nghề, gắn liền với thương hiệu của những đại phu, lang công, trong suốt chiều dài lịch sử y học cổ truyền. Từ Thái y viện đến các y quán, y đường... hình ảnh của hai dụng cụ này trở nên gần gũi và mang đầy Y khí.

Dao cầu

Dao cầu là một loại dao đặc thù, với thiết kế theo lối đòn bẩy, một đầu dao gắn vào trụ của bàn tọa và cầu dao, một đầu cán vểnh để giảm lực khi kéo miết. Đây là một thiết kế thông minh có trước rất lâu so với phát hiện và câu nói vĩ đại của Acsimet: "Hãy cho tôi một điểm tựa tôi có thể nâng cả Trái đất này lên". Bàn tọa thường làm bằng gỗ tốt, có độ dày chừng 10 đến 15cm, dài gấp đôi hoặc gấp ba chiều dài của dao.

Thiết kế này cho phép cân bằng lực khi kéo dao, đồng thời phần đế chắc giúp cho dao không bị vẹo khi cắt dược liệu cứng như quy bản, tam thất... Tùy theo từng vị trí sử dụng dao mà bàn tọa có thể ngắn hay dài. Nếu dao để cắt trên phản hoặc bàn thuốc thì bàn tọa thường dài gấp đôi chiều dài thân dao, nhưng phần dày thì dày hơn và nặng hơn để tạo độ vững chắc.

Nếu dao dùng để phá dược, xả dược liệu tươi, cần dao bản lớn, tiết diện rộng thì dùng trường đao, tức dao dài. Bàn tọa có thể được gắn trên một ghế đẩu để y sinh ngồi luôn lên ghế đẩu để cắt. Các cụ ta vẫn có câu: "Dao sắc không bằng chắc kê" là nghĩa đó.

Chiếc dao cầu có lịch sử lâu đời được lưu giữ trong nhà truyền thống của Đông dược Phúc Hưng

Dao cầu, ngoài thiết kế cơ bản nêu trên còn thể hiện triết lý về âm dương, ngũ hành sâu sắc. Tùy theo sự tương sinh tương khắc của ngũ hành nói chung và ngũ hành dược nói riêng, chất liệu làm dao cũng khác nhau.

Bản thân kim khắc mộc, nên có một số loại thảo dược tránh dùng dao kim loại để cắt thuốc, thì người xưa dùng dao bằng tre, trên bàn tọa làm bằng gỗ thân gốc cây cau. Gỗ gốc cau thường thấy dùng làm bàn tọa cho loại bàn thái thuốc lá, thuốc lào xưa. Có câu "Dao mòn mà gỗ chưa mòn" là để tôn vinh loại gỗ tưởng như bình thường này.

Việc dùng dao cầu để cắt thuốc còn là một “thời công phu” đối với y sinh. Mỗi y sinh học thuốc phải huân đao, luyện tập phiến thuốc bằng dao cầu với ý "tâm đao hợp nhất". Các “cao thủ” ở Hàng Châu, Quý Châu, Vân Nam, Thiên Tân... bên Trung Quốc có thể cắt trong một phút vài trăm lát thuốc với độ mỏng dày như nhau. Tính kiên nhẫn, kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo được thể hiện trong lúc phiến thuốc rất nhiều.

Ngày nay, máy móc, công nghệ có thể giúp phiến thuốc đều, đẹp, nhanh, nhưng vô hồn, vô vị, không giúp được y sinh huân rèn nhân cách thầy thuốc, có khi còn ảnh hưởng chất lượng của thuốc. 5.000 năm qua, nhân loại đã tiến bộ vượt bậc về công nghệ, nhưng có những thứ vẫn đi song song cùng lịch sử mà không hề lạc hậu, thậm chí còn đẹp đẽ như son phấn điểm tô cho những trang vàng.

Thuyền tán

Thuyền tán thường được đúc bằng đồng hoặc bằng hợp kim gang, có độ cứng cao, không mảy vụn khi chịu ma sát. Có hình dáng như một tiểu chu (thuyền nhỏ). Bên trên là một con lăn dạng đĩa hình tròn, có thiết kế âm dương lồi trên rãnh dưới để khớp với lòng rãnh trong thuyền. Hai bên là hai cần đạp. Phía dưới thuyền là bộ chân, có chỗ thiết kế ba chân, nhưng thường là bốn chân, phân ra làm tiền túc và hậu túc. Tiền túc hơi thấp so với hậu túc, tạo ra thế quỳ chầu. Chỗ này tinh xảo và ít biểu lộ, nên nhiều thợ kim khí không để ý, làm thành 4 chân bằng nhau.

Thuyền tán dùng để tán các loại thảo dược khô, cần tán mịn để làm thuốc tán hoặc hoàn, với hàm lượng vừa và nhỏ. Tư thế khi làm việc là ngồi, hai chân vuông góc với cần đạp, ghế ngồi phải cao hơn thuyền bằng đúng chiều cao từ đất đến cần tán, thì dáng vẻ người hoàn thuốc mới thong dong, nhàn hạ. Vừa làm việc vừa có thể đọc sách, trong tư thế không hề vất vả.

Thuyền tán cũng phân ra lớn nhỏ tùy theo nhu cầu sử dụng, tuy nhiên phải luôn giữ đặc thù âm dương khớp rãnh giữa đĩa và thuyền. Hình ảnh thuyền tán là một hình ảnh đẹp, nói lên triết luận Trung Dung trong nghề Trung y, một nghề đầy vất vả nhưng không thiếu sự thanh cao. Ngày nay, đã có máy nghiền, máy làm viên hoàn, những chiếc thuyền tán xưa được nghỉ ngơi trong bảo tàng hoặc chỉ để dùng với nghĩa trưng bày. Thật tiếc thay!

Nghề thuốc Đông y với những bản sắc đặc thù rất đáng trân quý, rất đáng đáng gìn giữ và bảo tồn, nên thu vén để nó trở nên trân quý hơn chứ không nên bỏ đi. Mặc dù, xu hướng công nghệ có nhiều công cụ hỗ trợ, nhưng chỉ nên dùng sự hỗ trợ khi phải làm thành phẩm đông dược với số lượng nhiều. Còn với số lượng ít, rất nên giữ lại phương pháp, công thức cũng như cách thức bào chế, với những công cụ thô sơ nhưng ẩn tàng nhiều triết luận...

Sinh thời, giáo sư Hán học Nguyễn Huy Cừ xứ Thanh từng có mấy câu thơ về nghề thuốc cổ truyền rất thấm thía: “Thuyền sao cứ ở trên bờ / Xe sao một bánh lại chờ người quay / Quanh năm gần gũi ông thầy / Trong lòng chua chát đắng cay đủ mùi”. Nghề thuốc quả là chưa bao giờ là nghề dễ dàng cả. Ngài Hải Thượng Lãn Ông để lại bản Y huấn cách ngôn răn dạy các thế hệ y sinh sau này, được xem như một “lời thề” bắt buộc với các y sinh Y học cổ truyền trước khi ra trường vậy. Thế nhưng, cũng không phải ai học xong ra trường đều có thể làm thầy thuốc.

Chiếc thuyền tán được lưu giữ tại nhà truyền thống của Đông dược Phúc Hưng

Nếu một tăng sĩ phải tuân giới của nhà Phật, thì một y sinh cũng phải tuân giới của y đạo. Giới trong y đạo là toàn bộ những gì có trong nội dung y huấn cách ngôn của ngài Hải Thượng Lãn Ông đã đúc kết, là toàn bộ nội dung trong Lời thề Hippocrates; là toàn bộ những di ngôn đạo đức của nghìn đời mà bách vị tiên y, tiên nho đã để lại. Giữ và tuân được những điều ấy, chính là giữ được giới cho nghề làm thuốc cứu người, giữ được y đạo, mới mong có y đức. Có y đức thì chữ thầy đứng trước chữ thuốc mới xứng đáng.

Còn tất cả những ai không giữ giới ấy, thì dẫu học vị có cao đến đâu, y sĩ hay bác sĩ, chuyên môn nọ hay chuyên môn kia, thạc hay tiến sĩ cũng chỉ là những người thợ chứ không phải người thầy. Một người thầy thuốc phải đủ giỏi về y thuật, tức phải là người thợ giỏi; phải giàu có về y đức, tức phải giữ được đủ giới. Đó là con đường duy nhất của nhân thuật vậy.

Theo báo Lao động