Những cuộc thử nghiệm thuốc trên con người gây tranh cãi

Gửi lúc 11:15' 04/10/2021

Trong hơn hai thế kỷ, các nhà khoa học đã cố tình lây nhiễm cho bệnh nhân những căn bệnh nguy hiểm để tìm hiểu thêm.

Cuộc nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên trên con người

Cuộc chạy đua phát triển vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn nước rút, với vaccine của Pfizer đã được cấp phép ở một số quốc gia và Moderna không bị tụt lại xa. Nhưng sự kết thúc của đại dịch sẽ không chỉ đến từ 2 đột phá dược phẩm này.

Để ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của COVID-19, nhiều phương pháp điều trị và vaccine có thể cần thiết để tiêm chủng cho hàng tỷ người. Một số chuyên gia nói rằng cách nhanh nhất để kiểm tra các vaccine thế hệ thứ hai đó là thông qua các thử nghiệm trên người. Những người ủng hộ thử nghiệm vaccine trên con người gây tranh cãi cho rằng nếu có thể được thực hiện một cách an toàn thì nó sẽ cung cấp một môi trường được kiểm soát độc đáo để nghiên cứu các yếu tố khó, làm sáng tỏ các thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn, với hàng nghìn người.

Các nhà phê bình cũng chỉ ra rằng, sự an toàn là một mối quan tâm ngay cả đối với các tình nguyện viên trẻ tuổi. Vì các nhà khoa học không biết cách điều trị COVID-19 hoặc tác dụng lâu dài của nó là gì. Và bằng chứng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra vào tháng 9-2020 cho thấy, ít nhất 1/5 trong số những người từ 18 đến 34 tuổi mắc COVID-19 có các triệu chứng kéo dài.

 


Năm 1796, bác sĩ phẫu thuật người Anh Edward Jenner thử nghiệm loại vaccine đầu tiên trên thế giới.


Cuộc tranh luận về một thí nghiệm gây tranh cãi như vậy không có gì mới. Năm 1796, bác sĩ phẫu thuật người Anh Edward Jenner thử nghiệm loại vaccine đầu tiên trên thế giới bằng cách cho cậu con trai 8 tuổi của người làm vườn của mình mắc bệnh đậu mùa trên súc vật và sau đó là bệnh đậu mùa trên người. Kể từ đó, các thử nghiệm trên người đã được sử dụng để nghiên cứu hàng chục loại bệnh từ bệnh tả đến ung thư, nhưng các nghiên cứu ban đầu thường đặt những người tham gia trực tiếp vào nguy hại, không phải lúc nào họ cũng biết. Ngày nay, mọi nghiên cứu thử nghiệm trên người đều được hội đồng chuyên gia xem xét cẩn thận trước khi bắt đầu.

Yêu cầu quan trọng của một nghiên cứu đạo đức là tình nguyện viên phải đưa ra sự đồng ý có hiểu biết, chứng minh rằng họ hiểu những rủi ro khi tham gia một nghiên cứu. Năm 1898, khi Mỹ gây chiến với Tây Ban Nha, bệnh sốt vàng da - có thể gây tổn thương gan, buồn nôn, sốt cao và chảy máu - khiến binh lính thiệt mạng nhiều gấp 13 lần so với vết thương chiến tranh.

Vì vậy, vào năm 1900, quân đội Mỹ thành lập một ủy ban do nhà nghiên cứu bệnh học Walter Reed đứng đầu để tìm ra cách thức lây lan của bệnh sốt vàng da và cách ngăn chặn nó. Vì dường như chỉ có con người mới mắc bệnh, Reed và 3 đồng nghiệp trong ủy ban đã thiết kế một nghiên cứu thử nghiệm trên con người để kiểm tra lý thuyết hàng đầu về sự lây truyền bệnh sốt vàng: muỗi đốt.

 


Nhà nghiên cứu bệnh học Walter Reed.


Yêu cầu cho tình nguyện viên mắc căn bệnh chết người sẽ phải được cân nhắc với trách nhiệm giữ an toàn cho các tình nguyện viên. Để tuân thủ mệnh lệnh cấp trên với rủi ro vốn có của nghiên cứu, ủy ban đưa ra một giải pháp mới: soạn một hợp đồng để các tình nguyện viên ký, cam kết họ hiểu những rủi ro của nghiên cứu.

Trong quá trình thử nghiệm, các nhà khoa học đầu tiên cho phép muỗi đốt để truyền bệnh. Khi tình nguyện viên bị ốm, Reed rà soát các mẫu máu để tìm vi khuẩn gây bệnh. Chaves-Carballo cho biết những người bị sốt vàng da được chỉ định nghỉ ngơi tại giường và nhịn ăn hoàn toàn ngoại trừ "một vài ngụm Champagne" và một số loại thuốc giảm đau. Các tình nguyện viên nhận được một khoản thanh toán khổng lồ là 100 USD cho mỗi vết muỗi đốt, và 100 USD khác nếu họ bị ốm.

Trong vòng thử nghiệm đầu tiên, 11 tình nguyện viên bị muỗi đốt. Hai người ngã bệnh, và sống sót. Người đàn ông thứ ba bị ốm tên Jesse W. Lazear - một trong những nhà khoa học điều hành cuộc nghiên cứu - chết vì sốt vàng da 12 ngày sau đó. Mặc dù Reed đã cân nhắc việc kết thúc nghiên cứu sau cái chết của đồng nghiệp, nhưng thay vào đó, ủy ban đã đặt tên một trạm vệ sinh là Camp Lazear để vinh danh ông. Và đến năm 1901, Reed và ủy ban ra tuyên bố - thông qua thí nghiệm muỗi đốt - côn trùng truyền bệnh sốt vàng da. Việc cấy thêm các mẫu máu đã lọc của bệnh nhân sốt vàng da vào những người tình nguyện khác cho thấy một loại virus gây bệnh đầu tiên được phát hiện ở người.

Nghiên cứu chế tạo vaccine

Khi đã xác định được thủ phạm gây bệnh, Reed trở lại Đại học George Washington (sau đó là Đại học Colombia) để giảng dạy, còn các nhà khoa học khác bắt tay vào nghiên cứu chế tạo vaccine sốt vàng da. Bác sĩ quân đội Mỹ William Gorgas và bác sĩ gốc Cuba Juan Guiteras thành lập một trạm cấy cho một vòng nghiên cứu thử nghiệm trên con người ở Havana. Họ hy vọng có thể học cách gây ra các trường hợp sốt vàng da nhẹ do muỗi đốt để mang lại khả năng miễn dịch cho mọi người.

Hơn 20 tình nguyện viên đăng ký tiêm chủng thử nghiệm đầu tiên vào năm 1901, trong đó có người phụ nữ duy nhất tham gia nghiên cứu - một y tá quân đội tên là Clara Maass. Maass bị muỗi đốt 5 lần mà không phát bệnh sốt vàng da, và nhận được 100 USD để gửi về nhà cho mẹ và 9 anh chị em ở New Jersey - một số tiền lớn so với mức lương hàng tháng của cô là 30 USD. Vết muỗi đốt thứ 6 của cô đã gây tử vong. Cô và hai tình nguyện viên khác đã bị nhiễm một chủng virus đặc biệt hung bạo và cả 3 đều chết vào tháng 8-1901.


Một bức tranh của Dean Cornwell thể hiện cuộc thử nghiệm cấy truyền bệnh sốt vàng da được thực hiện trước sự chứng kiến của Walter Reed.


Sự phản đối kịch liệt của công chúng ở Mỹ đã chấm dứt thí nghiệm ở Havana. Monica McArthur, bác sĩ nhi khoa và chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Trung tâm Phát triển Vaccine và Sức khỏe Toàn cầu của Trường Y Maryland, cho biết: "Trong rất nhiều nghiên cứu ban đầu, thí nghiệm của Walter Reed và các nghiên cứu khác, đã sử dụng những gì chúng ta coi là những quần thể dễ bị tổn thương - những người không thể tự do đồng ý tham gia hoặc đưa ra quyết định đầy đủ thông tin. Ví dụ, các tù nhân có thể được ghi danh vào các nghiên cứu".

Một ví dụ điển hình về nghiên cứu thử nghiệm dựa trên một nhóm dân số dễ bị tổn thương là nghiên cứu bệnh giang mai Tuskegee. Bắt đầu từ năm 1932, Dịch vụ Y tế Công cộng Mỹ (USPHS) tuyển dụng khoảng 600 người đàn ông Mỹ gốc Phi nghèo từ xung quanh Tuskegee, Alabama để nghiên cứu về mức độ xấu đi của bệnh giang mai theo thời gian. Khoảng 2/3 nam giới mắc bệnh giang mai, nhưng các bác sĩ nghiên cứu cho biết họ bị "máu xấu".

Sau khi nhận được chẩn đoán rởm này, những người đàn ông đã được thuyết phục tham gia nghiên cứu để đổi lấy bữa ăn miễn phí, được vào bệnh viện điều trị chứng "máu xấu" và các bệnh lý không liên quan khác. Các nhà khoa học cũng cung cấp cho những người tham gia một khoản phụ cấp mai táng sẽ được trả cho những người sống sót sau khi họ qua đời.

Chỉ có khoảng một nửa số nam giới mắc bệnh giang mai vào những năm 1930 được điều trị bằng các liều arsen và thủy ngân độc hại. Các bác sĩ lấy máu và khám nghiệm tử thi sau khi những bệnh nhân này chết vì bệnh giang mai để tìm kiếm thêm thông tin về diễn biến tự nhiên của bệnh. Nghiên cứu kéo dài hàng thập niên và ngay cả sau khi cộng đồng y tế xác định rằng penicillin có thể chữa khỏi bệnh vào những năm 1940, những người đàn ông vẫn không nhận được thuốc.

Năm 1972, nhà báo Jean Heller của hãng tin Associated Press đưa nghiên cứu về bệnh giang mai Tuskegee ra ánh sáng và chia sẻ cách các bác sĩ tham gia nghiên cứu đã lừa dối những người đàn ông tham gia. Đến thời điểm đó, chỉ có 74 người đàn ông mắc bệnh giang mai vẫn sống sót. Sự phẫn nộ của công chúng dẫn đến quyết định hủy bỏ nghiên cứu vào 3 tháng sau báo cáo.

Trong khi nghiên cứu bệnh giang mai Tuskegee dựa trên những người tham gia đã bị bệnh, các nghiên cứu khác cho thấy những người khỏe mạnh mắc các bệnh chết người. Ví dụ, từ năm 1955 đến năm 1970, bác sĩ nhi khoa Saul Krugman cho hơn 50 trẻ em khuyết tật tâm thần mắc bệnh viêm gan để xác định các chủng khác nhau của bệnh và cuối cùng phát triển vaccine. Cuộc thử nghiệm diễn ra tại Trường tiểu học bang Willowbrook, một ngôi nhà dành cho trẻ em và người lớn bị khuyết tật ở đảo Staten, New York.

Nghiên cứu của Willowbrook, kết thúc vào năm 1970, tiết lộ sự tồn tại của các chủng virus gây viêm gan A và B và thúc đẩy sự phát triển của vaccine viêm gan B. Nhưng các nghiên cứu vẫn tiến triển ngay cả khi một số người trong cộng đồng y tế chỉ trích phương pháp của Krugman. Năm 1966, bác sĩ gây mê Henry K. Beecher xuất bản một bài luận mang tính bước ngoặt nêu chi tiết 22 ví dụ về nghiên cứu phi đạo đức diễn ra trên người - bao gồm các nghiên cứu về bệnh viêm gan - nhằm nâng cao nhận thức và chấm dứt các thực hành phi đạo đức vẫn tiếp diễn mặc dù đã tạo ra các hướng dẫn quốc tế về thử nghiệm trên người - đó là Bộ luật Nuremberg năm 1947 và Tuyên bố Helsinki năm 1964.

Ngoài nghiên cứu Willowbrook, Beecher còn nhấn mạnh một nghiên cứu trong đó khối u ác tính - một dạng ung thư da nghiêm trọng - được chuyển từ một phụ nữ sang mẹ cô ấy "với hy vọng hiểu rõ hơn một chút về khả năng miễn dịch ung thư". Người phụ nữ qua đời cùng ngày mẹ cô được tiêm thuốc điều trị ung thư hắc tố nên các bác sĩ biết rằng căn bệnh ung thư gây chết người.

Kiểm soát chặt chẽ các nghiên cứu thử nghiệm trên người

Các nghiên cứu thử nghiệm con người trở nên ít phổ biến hơn sau thập niên 1970 sau kết luận về các nghiên cứu phi đạo đức gây chấn động dư luận. Kể từ đó, Tuyên bố Helsinki được sửa đổi 7 lần để làm rõ các tiêu chuẩn đạo đức đối với các thí nghiệm trên người - gần đây nhất là vào tháng 10-2013. Tuyên bố hiện tại nói rằng "Mặc dù mục đích chính của nghiên cứu y học là tạo ra kiến thức mới, nhưng mục tiêu này không bao giờ có thể được ưu tiên hơn quyền và lợi ích của cá nhân đối tượng nghiên cứu".

Đại học Maryland sử dụng các nghiên cứu thử nghiệm trên người vào năm 2012 và 2013 để phát triển một loại vaccine phòng bệnh tả được FDA chấp thuận vào năm 2016. Các tình nguyện viên có thể đặt câu hỏi và tìm kiếm sự hướng dẫn từ bên ngoài, đồng thời phải vượt qua bài đánh giá do các nhà nghiên cứu soạn thảo để chứng minh rằng họ hiểu những rủi ro của một nghiên cứu.

Theo một tuyên bố của Đại học Hoàng gia London, vẫn cần có kế hoạch thử nghiệm được các cơ quan quản lý chính phủ phê duyệt trước khi các nhà nghiên cứu có thể bắt đầu tuyển dụng người tham gia, an toàn của tình nguyện viên là ưu tiên số một. COVID-19 khác với các bệnh nghiên cứu thử nghiệm khác: cộng đồng nhà khoa học đã nghiên cứu nó trong vòng chưa đầy một năm, các bác sĩ không có phương pháp điều trị nào được chấp thuận để can thiệp nếu bệnh của một tình nguyện viên trở nên nghiêm trọng và bằng chứng ban đầu cho thấy COVID-19 có thể gây ra các tác động lâu dài thậm chí ở những người trẻ tuổi, trước đây khỏe mạnh.

Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London nhằm mục đích đầu tiên là xác định liều lượng virus tối thiểu cần thiết để gây bệnh. Nghiên cứu sẽ sử dụng liều lượng virus đó để nghiên cứu cách vaccine hoạt động trong cơ thể để ngăn chặn COVID-19, xem xét các phương pháp điều trị tiềm năng và nghiên cứu phản ứng miễn dịch. Cộng đồng y sinh vẫn còn chia rẽ về việc liệu một nghiên cứu như vậy có nên được thực hiện hay không, với tất cả những điều chưa biết xung quanh COVID-19.