Những phát minh ứng dụng thành công trong y học quốc phòng

Gửi lúc 16:57' 27/03/2013

Những năm gần đây, nhân loại đạt được nhiều thành tích to lớn trong lĩnh vực y học quân sự. Trong số này có những phát minh tiêu biểu đã và đang được ứng dụng thành công cho quốc phòng. Dưới đây là những ứng dụng vừa được tạp chí Huffpost của Mỹ giới thiệu.

Trang phục chiến đấu HUCL

Năm 2012, hãng Lockheed Martin (LM) của Mỹ đã nghiên cứu sản xuất thành công bộ trang phục dạng “khung” dùng cho các chiến binh chiến đấu trên chiến trường, có tên HUCL (Human Universal Load Carrier Exoskeleton). Trang phục “siêu nhẹ, siêu hiệu quả” về mặt năng lượng có thể hiểu là một bộ khung di động khoác trên người. Trong đó được trang bị đủ mọi thứ cần thiết cho một người lính bộ binh, kể cả súng máy có sẵn cơ số đạn. Với trang phục HUCL, người lính sẽ được tạo thêm sức mạnh nhân tạo cho cơ thể từ cột sống, hông, chân, cẳng cho đến cánh tay. Các chi tiết của bộ trang phục này được cấp năng lượng bằng pin lithium-ion có công suất lớn, mang được tới gần 100kg trọng lượng. Thậm chí còn nặng hơn, kể cả vũ khí khí tài, lương thực, thực phẩm và các vật dụng cá nhân khác. Nguyên thủy, trang phục này được LM nghiên cứu từ năm 2010 và sau nhiều lần cải tiến đã trở nên ưu việt hơn, gọn nhẹ, đặc biệt là bộ phận cung ứng năng lượng có thể giúp con người hoạt động liên tục trong thời gian dài tới 72 giờ trên chiến trường. Để sử dụng được loại trang phục này người lính phải qua thời gian đào tạo chừng 90 phút. Dự kiến đã được trang bị cho lực lượng đặc biệt của Mỹ tham gia chiến đấu tại chiến trường Trung Đông trong tương lai gần.

 

Thế hệ sản phẩm chân tay giả

 

Neuroprostheses - Thế hệ sản phẩm chân tay giả

Neuroprostheses là thuật ngữ mới ra đời trong thời gian gần đây nói về thế hệ sản phẩm chân tay giả được điều khiển bằng ý nghĩ của con người. Sản phẩm của các chuyên gia thuộc Phân ban Dự án nghiên cứu Phòng vệ Mỹ (DARPA) nghiên cứu, nằm trong khuôn khổ Chương trình Revolutionizing Prosthetics (Cách mạng hóa chân tay giả), nhằm tạo ra những sản phẩm chân tay giả mới dùng cho thương binh. Đây là sản phẩm thông minh hoàn hảo, không chỉ điều khiển bằng não mà còn được kiểm soát bằng năng lượng tiết dịch của cột sống. Công nghệ mới này không chỉ mang lại niềm vui cho các thương binh bị cụt tay mà nó còn phù hợp cho nhóm người thiểu năng vì bệnh tật. Các chuyên gia ĐH Northwest và ĐH Washington Mỹ hiện cũng đang ứng dụng công nghệ nói trên để phục hồi sự vận động cho những người mắc bệnh liệt do đột quỵ gây ra. Do được điều khiển bằng trí não, kết hợp với dịch lỏng của cột sống nên thế hệ tay giả Neuroprotheses có khả năng thực hiện nhiều thao tác giống như bàn tay người khi lành lặn, kể cả cầm nắm hay mở hộp bia, hộp nước giải khát rồi rót ra một cách thuần thục.

Chữa bỏng bằng liệu pháp y học tái sinh

Viện Y học tái sinh Quốc phòng Mỹ (AFIR) hợp tác với một số trường đại học sử dụng công nghệ y học tái sinh và tế bào để phục hồi lại những vùng da bị hỏng do chấn thương hoặc do những mục đích tương tự. Trong công nghệ này, các nhà khoa học lấy một miếng da lành lặn của người bệnh, kích thước nhỏ như một con tem, sau đó nhúng vào dịch enzym và protein đặc biệt để giúp các tế bào đơn phân bố đều. Sau khi dọn sạch vết bỏng, người ta sẽ đưa các tế bào này lên vết bỏng thông qua một chiếc bơm tiêm đặc biệt để các tế bào được phun đều trên bề mặt vết thương giống như khi gieo hạt. Về nguyên tắc, các tế bào da này phải có đủ các thông tin di truyền để giúp cho nó phát triển tốt và chỉ sau 4 - 6 tuần, da mới sẽ phát triển, làm cho vết thương lành lặn. Lợi thế của công nghệ nói trên giúp thương binh không phải qua phẫu thuật nhiều lần, vật liệu cấy ghép không bị đào thải và có thời gian phục hồi nhanh, không mắc chứng viêm nhiễm như các phương pháp chữa bỏng truyền thống hoặc sử dụng da hiến tặng, trong khi đó lại có độ đàn hồi tốt và có tuổi thọ giống như da nguyên thủy.

Liệu pháp Compressed Therapy

PTSD là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Post-traumatic stress disorder (bệnh rối loạn stress sau chấn thương). Đây là căn bệnh rối loạn lo âu xuất hiện muộn và dai dẳng ở những người đã trải qua hoặc chứng kiến những sang chấn tinh thần cực nặng, như các quân nhân đã từng tham gia trong chiến tranh. Có khoảng 700.000 cựu binh Mỹ tham chiến tại chiến trường Việt Nam những năm 60, 70 ở thế kỷ trước mắc phải căn bệnh này. Và ngay cả dân sự cũng có rất nhiều người mắc phải hội chứng này, nhất là nhóm đã từng kinh qua những tai nạn kinh hoàng như sóng thần, khủng bố, bị hãm hiếp hay tai nạn rùng rợn... Compressed Therapy (tạm dịch: Liệu pháp nén) do các chuyên gia thuộc Chương trình nghiên cứu y học Quốc phòng của Mỹ đưa ra, thực chất của liệu pháp này là “nén” nỗi sợ lại bằng cách “giải tỏa” tâm lý cho những người trong cuộc bằng một hay phối hợp nhiều hình thức tâm lý liệu pháp như điều trị hành vi (điều chỉnh hành vi và cải thiện ý nghĩ của bệnh nhân), điều trị phân tâm (giúp bệnh nhân đánh giá lại bản thân, giải quyết các mâu thuẫn nội tâm, giúp họ tự tin hơn), tư vấn gia đình (giúp những thành viên trong gia đình hiểu rõ bệnh nhân hơn, từ đó chủ động cùng bác sĩ tham gia vào quá trình điều trị) và điều trị theo nhóm (nhiều người cùng hoàn cảnh tập hợp lại) để chia sẻ tình cảm và kinh nghiệm, từ đó giúp họ cảm thấy không còn cô độc và giao tiếp với cộng đồng được tốt hơn. Ngoài ra, có thể kết hợp dùng thuốc, ăn uống cân bằng, luyện tập sẽ có tác dụng tốt cho người bệnh.

Phương pháp kháng viêm mới

Một trong những điều nan giải nhất đối với binh lính chiến đấu trên chiến trường là nguy cơ bị thương, sau đó là các chứng bệnh do viêm nhiễm gây ra làm cho bệnh tình thêm trầm trọng. Để khắc phục tình trạng trên, năm 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấp vốn cho hai nhà khoa học là TS. G. Dekaban và A. Brown ở ĐH Western, Ontario (Canada) nghiên cứu tìm ra một loại thuốc kháng viêm mới. Kết quả, tìm ra một kháng thể tấn công lại protein tế bào miễn dịch có tên CD11d gây viêm nhiễm. Bằng cách khử hoạt hóa của protein CD11d, các nhà khoa học hy vọng sẽ dập tắt quá trình viêm nhiễm, đặc biệt là viêm nhiễm hệ thống thần kinh trung ương (CNS). Kháng thể vừa được tìm thấy thuộc nhóm dòng đơn, có tác dụng phong bế protein CD11d, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng trước khi đưa vào sử dụng chữa bệnh cho con người trong tương lai gần.

 

Theo Suckhoedoisong.vn