Ngũ gia bì

Gửi lúc 14:25' 04/05/2023

Ngũ gia bì là một loại cây cảnh rất phổ biến và được ưa thích. Trong đông y, ngũ gia bì là một vị thuốc có nhiều tác dụng trong hỗ trợ điều trị xương khớp, giảm đau và nhiều tác dụng tuyệt vời khác.

1. Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Cây đáng, Ngũ gia bì chân chim, Cây lằng, Xuyên gia bì, Ngũ gia bì gai,…

Tên khoa học: Acanthopanax aculeatus, Acanthopanax trifoliatus, Acanthopanax aculeatum.

Họ: Ngũ gia bì (danh pháp khoa học: Araliaceae).

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả:

Ngũ gia bì là cây thân nhỏ, chiều cao trung bình từ 2 – 3m, thân có nhiều gai. Lá mọc so le, hình kép chân vịt có từ 3 – 5 lá chét, phiến lá thuôn dài hoặc có hình bầu dục, đầu nhọn, phía cuống hơi thóp lại. Cuống là dài khoảng 4 – 7cm. Học mọc ở đầu cành, màu vàng xanh, mọc chủ yếu vào đầu mùa hạ. Quả mọng, khi chín có màu đen, hình cầu, đường kính khoảng 2.5mm.

Một số loại ngũ gia bì:

+ Ngũ gia bì gai: Loại này thường dùng làm thuốc, gai mềm. 

+ Ngũ gia bì cẩm thạch: Được ưa dùng làm cảnh, lá nhiều màu sắc  lạ. 

+ Ngũ gia bì hương: Hay còn gọi là tế trụ gia bì, thường mọc bụi, thân cây rất cao, được xếp vào loại cây quý hiếm. 

 Trong đông y, ngũ gia bì là một vị thuốc có nhiều tác dụng trong hỗ trợ điều trị xương khớp, giảm đau (Ảnh: Phuchung.vn)

Phân bố:

Cây mọc hoang nhiều tại các địa phương ở nước ta, chủ yếu ở Cao Bằng, Sa Pa, Phú Thọ, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang,… Thảo dược này cũng có mọc và sinh trưởng tại một số địa phương ở Trung Quốc (Tứ Xuyên và Quảng Châu).

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Rễ nhỏ, vỏ của rễ, vỏ của thân và lá được sử dụng để làm thuốc.

Thu hái: Thu hái chủ yếu vào mùa hạ và mùa thu.

Chế biến: Sau khi lấy rễ, rửa sạch đất cát, đem tách vỏ phơi khô và dùng.

Bảo quản: Nơi khô thoáng.

4. Thành phần hóa học

Vỏ ở thân có chứa từ 0.9 – 15 tinh dầu, vỏ rễ và vỏ cành chứa saponin triterpene.

5. Tác dụng dược lý của ngũ gia bì

+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

Tác dụng giảm mệt mỏi, chống suy nhược được đánh giá tốt hơn nhân sâm (theo Trung Dược Học).

Thảo dược có tác dụng tăng thể lực, trí lực và chống lão suy, thúc đẩy quá trình chuyển hóa, tăng chức năng tuyến sinh dục và xúc tiến tổ chức tái sinh (theo Trung Dược Học).

Tác dụng tăng sức chịu đựng của cơ thể trong những điều kiện như rối loạn nội tiết, thiếu oxy, nhiệt độ cao, tăng huyết áp, nhiễm độc, phóng xạ,… (theo Trung Dược Học).

Thảo dược có khả năng điều chỉnh quá trình ức chế và hưng phấn của trung khu thần kinh nên có tác dụng an thần rõ rệt. Tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh của thảo dược không ảnh hưởng đến giấc ngủ (theo Trung Dược Học).

Tác dụng tăng cường hệ miễn dịch bao gồm tăng nhanh sự hình thành các kháng thể, tăng khả năng thực bào của hệ tế bào nội bì võng, kháng tế bào ung thư, tăng trọng lượng của lách, kháng virus và cân bằng các phản ứng của hệ miễn dịch (theo Trung Dược Học).

Thảo dược có tác dụng giãn mạch nhằm hạ huyết áp và tăng lưu lượng máu động mạch vành (theo Trung Dược Học).

Ngũ gia bì có tác dụng chống ung thư (theo Trung Dược Học).

Dược liệu có tác dụng chống viêm đối với phản ứng viêm cấp và mãn tính (theo Trung Dược Học).

Tác dụng cầm ho, long đờm và giảm cơn ho do suyễn.

Ngũ gia bì hương là loại cây thuốc quý, hiếm ở Việt Nam, đã được đưa vào Sách Đỏ quốc gia từ năm 1996 (Ảnh minh họa)

+Theo y học cổ truyền:

Hạ khí bổ ngũ lao, minh mục và thất thương (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

Mạnh gân xương (theo Bản Thảo Cương Mục).

Mạnh gân xương và trừ phong thấp (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Phúc thống, ích khí, chủ tâm phúc sán khí, trị ung nhọt lở loét và trẻ em không đi được (theo sách Bản Kinh).

Minh mục (làm sáng mắt), trị chứng trúng phong, bổ ngũ lao thất thường, hạ khí, khớp xương co cứng (theo Nhật hoa tử bản thảo).

Ích tinh, tằn trí nhớ, bổ trung và mạnh gân xương (theo Danh Y Biệt Lục).

Trừ thấp, ích tinh, tiêu thủy, hóa đờm, dưỡng thận, trừ phong (theo Bản Thảo Tái Tân).

Cường gân cốt, trừ phong thấp và tiêu phù.

Trị nam tử dương nuy (chứng rối loạn cương dương), tiểu khó, âm nang lở chảy nước, nữ nhân ngứa âm hộ, hư gầy, lưng đau, tê yếu chân tay, thuốc bổ trung ích tinh, tăng trí nhớ và mạnh gân xương (theo sách Danh y biệt lục).

6. Tính vị của Ngũ gia bì

Vị cay, tính ôn (theo Bản Kinh và Đông Dược Học Thiết Yếu).

Vị đắng, cay, tính ôn (theo Trung Dược Học).

7. Qui kinh

Qui vào kinh Thận, Can (theo Trung Dược Học, Đông Dược Học Thiết Yếu).

Qui vào kinh Phế, Thận (theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

8. Cách dùng, liều dùng

Có thể dùng thuốc ở dạng tươi (giã nát đắp ngoài), sắc nước uống, ngâm rượu, tán bột làm hoàn,… Mỗi ngày chỉ nên dùng từ 5 – 15g.

9. Bài thuốc

Một số bài thuốc có ngũ gia bì (theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam):

+ Rượu ngũ gia bì:

Ngũ gia bì sao vàng 100g, rượu 1 lít. Ngâm trong 10 ngày thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 1 cốc con vào buổi tối trước bữa cơm chiều, chữa đau người, đau lưng, đau xương.

+ Đơn thuốc dùng cho phụ nữ:

Ngũ gia bì, mẫu đơn bì, xích thược, đương quy mỗi vị 40g. Tán nhỏ. Ngày uống hai lần, mỗi lần 4g chữa những phụ nữ bị lao lực, bị mệt mỏi, hơi thở ngắn, sốt ra nhiều mồ hôi, không muốn ăn uống.

Theo kinh nghiệm dân gian, ngũ gia bì được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa một số bệnh lý như sau:

+ Bài thuốc trị cơ thể mệt mỏi, liệt dương, đau nhức do phong thấp: Dùng ngũ gia bì sao vàng 100g ngâm trong 10 ngày với rượu 30 độ 1 lít. Mỗi ngày uống từ 24 – 40ml trước khi ăn tối.

+ Bài thuốc trị suy nhược cơ thể ở nữ giới: Dùng mẫu đơn bì, đương quy, xích thược và ngũ gia bì mỗi thứ 40g. Đem các vị tán bột mịn, mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 2 lần.

+ Bài thuốc trị mỡ trong máu cao, ngực đau thắt: Dùng chất chiết xuất từ nam ngũ gia bì chế thành viên. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 3 viên, duy trì liên tục từ 1 – 3 tháng.

+ Bài thuốc trị bạch cầu giảm: Dùng viên ngũ gia bì, uống hằng ngày.

+ Bài thuốc trị huyết áp thấp: Dùng viên ngũ gia bì, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 5 viên. Một liệu trình kéo dài khoảng 20 ngày.

+ Bài thuốc trị thấp khớp: Dùng mộc qua, ngũ gia bì, tùng tiết mỗi thứ 120g. Đem các vị tán bột, mỗi lần dùng từ 3 – 4g, ngày dùng 2 lần.

+ Bài thuốc trị gãy xương: Dùng địa cốt bì và ngũ gia bì, mỗi thứ 40g. Đem các vị tán bột, dùng thịt 1 con gà nhỏ, đem giã nát và trộn với thuốc. Sau đó dùng đắp bên ngoài chỗ xương gãy, bó cố định, sau khoảng 1 tuần thì bỏ nẹp.

10. Kiêng kỵ

+ Người âm hư hỏa vượng nhưng không có thấp nhiệt không nên dùng bài thuốc từ ngũ gia bì.

+ Ngũ gia bì là tên gọi của nhiều dược liệu khác nhau, cần chú ý để tránh nhầm lẫn.

+ Kỵ các loại thuốc từ Tây y như Clopiogrel, Aspirin và Dipyridamode.

Thông tin về dược liệu ngũ gia bì trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi thực hiện những bài thuốc trị bệnh từ ngũ gia bì, người bệnh cần trao đổi với thầy thuốc về tác dụng và liều dùng cụ thể.