Nghiêm cấm tiêm vắc-xin cho trẻ tại nhà

Gửi lúc 09:33' 16/11/2015

Trước tình trạng vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 (sử dụng trong tiêm dịch vụ) đang khan hiếm, một số cá nhân đã rao bán các loại vắc-xin này như món hàng “xách tay”

Trước tình trạng vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 (sử dụng trong tiêm dịch vụ) đang khan hiếm, một số cá nhân đã rao bán các loại vắc-xin này như món hàng “xách tay” và rao trên mạng xã hội là sẽ thực hiện tiêm vắc-xin này tại nhà cho những gia đình có nhu cầu. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, những hành vi này là vi phạm pháp luật.

Kinh doanh vắc-xin không rõ nguồn gốc là vi phạm pháp luật

Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), tại Việt Nam, việc “bán thuốc qua mạng” là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi thuốc là hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng, kinh doanh thuốc (bao gồm cả vắc-xin) là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Thuốc (bao gồm cả vắc-xin) chỉ được lưu hành tại Việt Nam sau khi đã được cấp số đăng ký hoặc giấy phép nhập khẩu. Hơn nữa, các công ty nhập khẩu vắc-xin chỉ được bán buôn cho các cơ sở kinh doanh dược đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi kinh doanh tương ứng. Đây là quy định bắt buộc, bởi thuốc cần được bảo quản đúng với điều kiện bảo quản của nhà sản xuất, nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng.

Cần đưa trẻ đi tiêm chủng tại trạm y tế theo đúng

 

 “Do đó, mọi hành vi mua bán thuốc qua mạng, “xách tay” đều vi phạm pháp luật. Đối với vắc-xin, ngoài các quy định chung về kinh doanh thuốc, việc vận chuyển, nhập khẩu còn phải tuân thủ theo một số quy định đặc thù” - ông Đạt nhấn mạnh.

Ông Đạt cho biết, vắc-xin tùy từng loại phải luôn được bảo quản ở nhiệt độ -200C hoặc 2-80C (theo khuyến cáo của nhà sản xuất) trong suốt quá trình vận chuyển từ kho của nhà sản xuất đến điểm tiêm chủng. Đồng thời, vắc-xin khi thông quan phải xuất trình bản gốc phiếu kiểm nghiệm của nhà sản xuất cho lô hàng đó. Sau khi thông quan, lô vắc-xin nhập khẩu chỉ được phép đưa ra sử dụng khi có văn bản của Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hồ sơ kiểm định phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của cơ quan kiểm định y tế nước sở tại. Tiếp đến, vắc-xin chỉ được sử dụng tại các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng. Như vậy có thể khẳng định rằng, việc kinh doanh vắc-xin không rõ nguồn gốc là vi phạm pháp luật.

Nguy hiểm cho trẻ khi thuê người đến nhà tiêm vắc-xin

Cũng liên quan đến vấn đề vắc-xin, hiện nay cũng đã xuất hiện tình trạng rao trên mạng xã hội là sẽ thực hiện tiêm vắc-xin tại nhà cho trẻ với những gia đình có nhu cầu, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Việc tiêm vắc-xin tại nhà là hành vi bị nghiêm cấm. Tiêm chủng chỉ được thực hiện tại các cơ sở được thẩm định đủ điều kiện, có nhân lực, bởi có tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm cần xử trí, cấp cứu. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, người tiêm sẽ bị xử lý, thậm chí có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu gây sự cố nghiêm trọng”.

Theo khuyến cáo của Cục trưởng Trần Đắc Phu, nguy cơ rủi ro rất cao khi sử dụng vắc-xin “chui”, bởi nguồn trôi nổi, không rõ chất lượng. Ngoài ra, vắc-xin cần bảo quản nghiêm ngặt ổn định ở nhiệt độ phù hợp, nếu không tuân thủ sẽ bị biến đổi về chất lượng khiến việc tiêm chủng không có hiệu quả miễn dịch. Thậm chí, biến đổi đó có thể gây phản ứng nguy hiểm cho cơ thể.

Không có căn cứ chứng minh trẻ dưới 1 tuổi đột tử sau khi tiêm chủng liên quan đến vắc-xin

Cũng liên quan đến hội chứng trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi đột tử sau khi tiêm chủng bị nghi là có liên quan đến vắc-xin, cuối tuần qua, Cục Y tế dự phòng cho biết, trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vắc-xin khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Ít ai biết rằng, thời điểm này cũng là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) - là cụm từ chuyên môn dùng để chỉ trường hợp xảy ra tử vong mà không thể lý giải nguyên nhân ở trẻ dưới 1 tuổi. Vì thế, mọi trường hợp tử vong SIDS ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt ở giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi luôn khiến cộng đồng đặt ra câu hỏi nguyên nhân nào đã gây ra cái chết ở trẻ. Do các liều vắc-xin phòng chống dịch bệnh được tiêm cho trẻ vào đúng thời kỳ này, vắc-xin dễ dàng trở thành một nghi vấn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc-xin không phải là nguyên nhân liên quan đến SIDS.

Đối với phản ứng của cơ thể trẻ trong tiêm chủng, các bác sĩ chuyên khoa khẳng định: Chỉ có vài tác dụng phụ có thể xảy ra mà cả thế giới ghi nhận là đau, sốt phát ban, cao hơn nữa là sốc phản vệ và hiện tượng này chỉ xảy ra vài ngày rồi chấm dứt. Trên thực tế, có những trường hợp trẻ bị SIDS trùng với thời điểm tiêm chủng. Điều này khiến dư luận băn khoăn và nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ quá trình tiêm chủng. Khoa học đã chứng minh những nghi ngờ trên là vô căn cứ.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống