Hậu quả của thuốc lá tại Việt Nam là rất khủng khiếp
Hoàn toàn không phải là những lời “hù dọa” của các chuyên gia y tế, hậu quả của thuốc lá tại Việt Nam đã được các con số rất thực tế gióng lên hồi chuông cảnh báo từ vài năm trước. Phòng chống thuốc lá tại nước ta cũng đã có hẳn một bộ Luật để hướng đến một mục tiêu lâu dài và duy nhất: Một môi trường không khói thuốc!
Những con số biết nói
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi ngày Việt Nam có trên 100 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, gấp đến 4 lần số ca tai nạn giao thông đường bộ. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có biện pháp ngăn chặn, đến năm 2030 có gần 10% dân số Việt Nam tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Hiện tỉ lệ hút thuốc lá là 56% nam và 1,8% nữ, trong đó 31% ở độ tuổi trẻ. Số người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá lên tới 40.000 người/ năm; các công ty thuốc lá thực hiện nhiều hình thức quảng cáo tinh vi tại các điểm bán hàng. Việc bán thuốc lá diễn ra ở khắp mọi nơi, giá thuốc lá thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho thanh thiếu niên và người nghèo dễ dàng tiếp cận với thuốc lá. Ngoài ra, công tác hỗ trợ cai nghiệm thuốc lá còn yếu, nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn hạn hẹp, không đủ để triển khai một cách đồng bộ các giải pháp về phòng chống tác hại thuốc lá.
Theo điều tra gần đây nhất của Khảo sát toàn cầu về hút thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) còn cho thấy, tỉ lệ hút thuốc thụ động tại Việt Nam rất cao với 67,6% những người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà và 49% phơi nhiễm tại nơi làm việc. 2/3 số người không hút thuốc lá tương đương với 33 triệu người bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động ở gia đình. Nguy cơ bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động ở nhà hàng chiếm tỉ lệ 84,9% và ở quán bar, cà phê là 90%. Mới đây nhất, kết quả khảo sát của TTTT GDSK TP.HCM tại các nhà hàng, khách sạn (NH-KS) tại các quận 1, 3, 5 cho thấy, trên 95% cán bộ, nhân viên biết tác hại của thuốc lá nhưng có gần 40% NH-KS cho hút thuốc tự do, trên 30% cấm hoàn toàn và trên 20% có khu vực cho người hút thuốc. Do vậy, việc phòng chống khói thuốc ở nơi công cộng, NH-KS là một trong những nội dung, chiến lược quan trọng trong cuộc chiến với thuốc lá và xây dựng một môi trường không khói thuốc.
Đi trước luật và hưởng ứng Luật
Dù ngày 1/5 vừa qua mới chính thức là ngày Luật phòng chống tác hại khói thuốc lá có hiệu lực nhưng tại TP.HCM, một nội dung rất quan trọng trong Luật là cấm thuốc lá ở NH-KS đã được TP.HCM đón đầu từ hơn một năm trước. PGS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, trong năm vừa qua, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe (TTTTGDSK) phối hợp cùng tổ chức Tobacco Free Kids triển khai thực hiện dự án “Xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các NH-KS tại TP.HCM, nhằm hỗ trợ thực hiện các điều khoản thuộc Công ước khung về phòng, chống tác hại thuốc lá”, nhằm tăng cường vận động và sự hỗ trợ của cộng đồng, các ban ngành đoàn thể, các đơn vị kinh doanh NH-KS và các nhà hoạch định chính sách cho việc thực hiện môi trường không khói thuốc những địa điểm này. Qua đó, trong giai đoạn từ tháng 2/2012 đến 31/1/2013, dự án có khoảng hơn 200 khách sạn từ 1 sao đến 5 sao và nhà hàng ở các quận 1, 3, 5 của TP.HCM đăng ký xây dựng mô hình không khói thuốc lá. Theo lãnh lạo TTTTGDSK TP.HCM, trung tâm vẫn đang tiếp tục thực hiện dự án và tiếp tục có nhiều NH-KS đã đăng ký “Nói không với thuốc lá”. Kết thúc dự án, mục tiêu mong muốn là đạt được từ 30 -70% các NH-KS tại TP.HCM thực hiện khu vực không khói thuốc lá trong NH-KS.
Đáng chú ý, trong số các khách sạn trên có 5 NH-KS thuộc hàng tốp đầu tại TP.HCM đã ký cam kết không khói thuốc là Caravell, Kim Đô, Bông Sen, New Epoch và Ngọc Lan. Ông Nguyễn Đông Hòa, Phó giám đốc Caravell, cho biết: hiện khách sạn đã thu hẹp tầng có khu vực hút thuốc còn 7 tầng và 11 tầng là không cho hút. Nhiều khách sạn cũng thực hiện nghiêm việc xử phạt khách hút thuốc không đúng nơi quy định là 150USD. Ông Đặng Thanh Tùng, Phó giám đốc khách sạn Kim Đô, cũng cho biết: “Cũng như nhiều nơi khác, khách sạn chúng tôi có bố trí khu vực dành riêng cho khách hút thuốc, nhưng đối với nhân viên thì tuyệt đối cấm”. Theo một lãnh đạo ngành y tế TP.HCM, chắc chắn khách hàng sẽ hài lòng hơn nếu NH-KS là một môi trường “sạch” khói thuốc lá. Do vậy, thực hiện môi trường không khói thuốc vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi nên đang ngày có nhiều đơn vị tham gia hơn.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Theo WHO, “đại dịch” thuốc lá giết gần 6 triệu người thế giới mỗi năm, trong đó có hơn 600.000 người chết vì phơi nhiễm với khói thuốc lá. Những cái chết do ung thư, bệnh tim, hen suyễn và những bệnh khác. Nếu không được khống chế, con số này sẽ tăng hơn 8 triệu người trước năm 2030. Sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ của 6 trong số 8 nguyên nhân tử vong dẫn đầu thế giới. Cơn dịch này lại đang hướng về các nước đang phát triển, nơi có hơn 80% cái chết do thuốc lá xảy ra trong vài thập kỷ qua. Sự chuyển hướng này do chiến dịch tiếp thị của công nghiệp sản xuất thuốc lá toàn cầu đang nhắm đến những người trẻ và người lớn ở những nước đang phát triển. Thêm vào đó, do hiện nay đa số phụ nữ không sử dụng thuốc lá, công nghiệp sản xuất thuốc lá đang vươn ra tấn công mạnh mẽ thị trường tiềm năng này. WHO khẳng định dịch thuốc lá do con người gây ra, vì thế hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Người ta thấy rằng nếu tăng thuế thuốc lá lên 10%, số tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm 4% ở những nước thu nhập cao và 8% ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Nếu tăng giá thuốc lá lên 70%, hoàn toàn có thể ngăn chặn được 1/4 cái chết liên quan đến thuốc lá ở những người hút thuốc. |
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165169 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 67018 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46525 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36546 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30958 lượt xem )