Hành vi gian dối - bơm nước tăng trọng lượng
Bơm nước vào thịt lợn, trâu, bò nhằm tăng trọng lượng, người bán cố tình làm ngơ trước tác hại từ việc làm này, nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng... Hàng loạt vụ việc liên quan đến gian lận thương mại kiểu này đã bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua.
Bơm nước vào gia cầm, lợn, bò là hành vi gian lận thương mại và vi phạm VSATTP
Ảnh minh họa
Phát hiện hàng loạt vụ việc
Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, qua kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện nhiều vụ việc bơm nước vào thịt gia súc (lợn, trâu, bò) sau giết mổ, tập trung chủ yếu ở phía Nam.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, đây là hành vi bị cấm, bởi việc bơm nước vào gia súc sau giết mổ sẽ làm thịt dễ nhiễm các loại vi sinh, chất lượng thịt giảm. Thậm chí, nguồn nước không đảm bảo còn là môi trường sinh sôi các yếu tố độc hại khác. Trong tháng 5 vừa qua, đoàn liên ngành tại Cà Mau đã kiểm tra phát hiện 35 trường hợp bơm nước vào lợn sau giết mổ và đã xử phạt 120 triệu đồng. Trong đó, huyện Thới Bình là địa phương phát hiện số vụ vi phạm nhiều nhất với 4 trường hợp.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 4 con lợn tại một cơ sở giết mổ ở huyện Hóc Môn đang bị bơm nước trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, kiểm tra chất lượng thực phẩm đưa vào TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện lượng lớn thịt trâu, bò bị bơm nước. Tại Long An cũng đã phát hiện một cơ sở bơm nước vào thịt trâu, bò sau giết mổ để đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động giết mổ của cơ sở này.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông yêu cầu Chi cục thú y các địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát vận chuyển gia súc từ nơi xuất phát, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ gia súc bị bơm nước thì phải ngừng ngay việc cấy giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển. Trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ gia súc bị bơm nước phải ngừng ngay việc vận chuyển giết mổ, tổ chức nuôi nhốt cách ly để theo dõi và truy xuất nguồn gốc. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, tiêu thụ thịt gia súc tại các chợ, siêu thị; tiến hành truy xuất nguồn gốc đối với những miếng thịt có màu sắc bất thường.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát lưu ý, bơm nước vào lợn và gia cầm để thu lợi bất chính là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật và gây mất VSATTP. “Chúng tôi đã chỉ đạo và bây giờ sẽ tiếp tục yêu cầu hệ thống thú y và các đơn vị có trách nhiệm “gác cổng” vấn đề VSATTP của Bộ và các địa phương, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng”, ông Cao Đức Phát nói.
Sớm có kết quả kiểm tra cá tầm, cá trê Trung Quốc
Ngoài ra, trong tháng 5-2013, Bộ NN&PTNT đã thành lập 3 đoàn kiểm tra chất lượng ATTP tại 9 tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong 25 bếp ăn tập thể, siêu thị và cơ sở chế biến nông sản thì có tới 17 cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về ATTP như: thiếu bảo hộ lao động, cơ sở vật chất không đảm bảo (nền nhà đọng nước, kho sát nhà vệ sinh)… nguyên liệu để dưới sàn nhà, không có chứng nhận VSATTP, không biết rõ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào… Các đoàn đã đề nghị các tỉnh, thành kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cũng đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức khảo sát, xác minh nguồn gốc xuất xứ các loại thủy sản đang bày bán trên thị trường. Đồng thời, lấy 30 mẫu thủy sản gồm cá tầm (10 mẫu), cá quả (10 mẫu) và cá trê (10 mẫu) được bày bán tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội để kiểm tra, phân tích. Kết quả sẽ được công bố tới người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, Bộ này sẽ hoàn thiện một loạt các đề án nhằm nâng cao chất lượng nông sản như: Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc”; Đề án sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại 11 tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và 4 tỉnh vùng Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, mở rộng kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở sơ chế, kinh doanh sản phẩm động vật tại 8 tỉnh, thành trọng điểm phía Bắc và 9 tỉnh trọng điểm phía Nam.
Cách nhận biết thịt bị bơm nước
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, rất khó để phân biệt thịt lợn, trâu, bò bị bơm nước bằng mắt thường. Bản thân trong thịt cũng chứa một tỷ lệ nước nhất định, việc bơm nước vào chỉ làm gia tăng lượng nước, không nhận thấy rõ sự biến chuyển trong miếng thịt, cũng giống như việc chúng ta tiêm nước cất vào các cơ. Nếu không bắt quả tang thì chỉ còn cách mang miếng thịt đi xét nghiệm mới kết luận được, có bị bơm nước hay không.
Tuy nhiên, các bà nội trợ có một số kinh nghiệm để tránh mua phải thịt bơm nước. Khi mua, người tiêu dùng nên dùng ngón tay ấn vào miếng thịt, nếu trên thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra là miếng thịt tươi. Ngoài ra, các thớ thịt phải đều, màng ngoài khô, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc. Đối với gà, vịt, quan sát hai bên đùi và lườn con gà, vịt, nếu thấy căng bóng, thớ thịt dày, to thì không nên mua. Dốc ngược con vật lên, nếu thấy nó biến dạng thì con đó đã bị bơm nước. Người bán thường chọn hai vị trí đùi và lườn để bơm nước. Cũng có thể dùng tay ấn, thịt bị bơm nước thường bập bùng, nhão.
Theo An ninh thủ đô
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165169 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 67018 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46525 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36546 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30958 lượt xem )