Cao điểm bệnh hô hấp, nhiều ca biến chứng nặng
Bệnh hô hấp vẫn chưa hạ nhiệt, nhiều trẻ nhập viện với các biến chứng nặng. Các bác sĩ khuyến cáo, phát hiện sớm và điều trị kịp thời để bệnh hô hấp không diễn tiến xấu.
Nhiều trẻ nằm điều trị tại phòng cấp cứu của khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hà Minh
Tại khoa Hô hấp, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, TP.HCM không khí ngột ngạt, nóng bức bởi cảnh quá tải vẫn tiếp diễn. Nhiều trẻ quấy khóc không chịu nằm ghép cùng một giường nên cha mẹ phải chuyển bé ra ngoài hành lang cho thoáng hơn.
Nhiều trường hợp biến chứng nặng
Ngày 4.10, khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1 vẫn nghẹt thở với khoảng 250 bệnh nhi nằm điều trị với 100 giường. Trong tháng 9, có những ngày cao điểm, khoa có tới hơn 300 trẻ nằm điều trị.
Tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), khoa Hô hấp cũng trong tình trạng quá tải. Nếu tháng 8, khi mùa dịch mới bắt đầu mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 15 đến 20 trẻ nhập viện thì đến tháng 9, 10 trung bình mỗi ngày có khoảng 30 đến 40 ca nhập viện, hầu như giường bệnh nào cũng phải nằm ghép 3 đến 4 trẻ.
Khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1 ghi nhận nhiều ca biến chứng nặng. Trong phòng cấp cứu của khoa, có khoảng 30 trẻ đang được điều trị, nhiều bé phải thở oxy.
Nhìn con thiêm thiếp ngủ mà vẫn phải qua thở oxy, chị Cúc (ở Tây Ninh) cho biết, con chị mới 3 tháng rưỡi. Ban đầu bé có triệu chứng sốt, chảy nước bọt, ho. Đến ngày thứ hai trẻ ho, chảy nước bọt nhiều hơn, khò khè, bú giảm. Đến ngày thứ ba, bé được đưa đến BV Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) khám rồi được chuyển lên BV Nhi đồng 1. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị suy hô hấp do viêm tiểu phế quản bội nhiễm.
Bé L.H.D.U (6 tuổi, ở Vĩnh Long) đã 6 lần nhập viện vì bệnh hô hấp. Vì vậy, cách đây mấy ngày thấy con có biểu hiện sốt, ho, thở mệt người nhà ngay lập tức đưa bé đến BV Nhi đồng 1. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng.
Nhiều phụ huynh sai lầm về bệnh
Bác sĩ Tuấn cho hay, phụ huynh thường quá quan tâm về ho ít, ho nhiều ở trẻ. Ho là biểu hiện thường gặp của bệnh hô hấp nhưng mức độ bệnh nặng nhẹ không song hành ho ít hay nhiều. Có những trường hợp cảm nhẹ thông thường ho nhiều hay trường hợp nặng viêm phổi tới mức thở oxy hoặc biến chứng mủ màng phổi mà bệnh nhi không ho.
Có một dấu hiệu mà nhiều phụ huynh không để ý là trẻ thở như thế nào, đây là điều rất quan trọng để nhận biết bệnh.
“Có trường hợp chuyển vào BV, chúng tôi hỏi khó thở lâu chưa thì không ít bà mẹ trả lời không biết vì họ không để ý đến chuyện thở”, bác sĩ Tuấn nói.
Phụ huynh cần biết cách phát hiện dấu hiệu trẻ thở nhanh, đây là triệu chứng sớm nhất báo hiệu em bé chuyển sang bị viêm phổi. Các mức để đếm nhịp thở là trẻ dưới 2 tháng tuổi thì nhịp thở lớn hơn 60 lần/phút, từ 2 tháng đến dưới 12 tháng thì nhịp thở lớn hơn 50 lần/phút, từ 12 tháng trở lên thì nhịp thở lớn hơn 40 lần/phút được gọi là thở nhanh. Nếu cha mẹ biết cách phát hiện dấu hiệu này thì bệnh viêm phổi sẽ được phát hiện sớm.
Thứ hai là trẻ thở co lõm lồng ngực. Bác sĩ Tuấn lưu ý, quan sát phần dưới lồng ngực em bé, khi bình thường hít vào lồng ngực phải nở ra, trường hợp bệnh nặng phần dưới lồng ngực lại bị kéo lõm khi em bé hít vào. Đây là dấu hiệu bệnh đã trở nặng, cần phải nhập viện.
Ngoài ra, cần để ý đến tiếng thở của trẻ. Không phải lúc nào trẻ thở tiếng thở ngạt mũi, khò khè cũng do bệnh hô hấp mà đôi khi đây chỉ là biểu hiện của việc trẻ bị nghẹt mũi thông thường.
“Khi nghe tiếng thở bất thường thì cần làm sạch mũi bé, nếu là nghẹt mũi thông thường bé sẽ hết khò khè còn sau khi làm sạch mũi nhiều lần không hết thì phải đến BV khám”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Theo Thanh niên
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165132 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66991 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46413 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36529 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30854 lượt xem )