Ba vị thuốc đầu bảng vừa hoạt huyết vừa bổ huyết

Gửi lúc 14:01' 18/06/2024

Hoạt huyết kiêm bổ huyết, đây có thể gọi là những vị thuốc tiêu biểu và đặc thù nhất của nhóm thuốc lý huyết.

Khác với các thuốc bổ huyết thông thường, bổ trực tiếp vào nguồn gốc sinh ra huyết như tâm, can, tỳ, thận,… thì các vị thuốc trong nhóm này bản chất không có tác dụng bổ huyết trực tiếp như vậy, tác dụng chính là hoạt huyết khứ ứ. Tuy nhiên khi huyết bị ứ lại thì sẽ làm cho tốc độ dòng chảy chậm lại, dẫn đến lượng huyết đến các cơ quan tổ chức thiếu, không đủ. Các thuốc hoạt huyết có tác dụng làm tăng tốc độ dòng chảy đồng thời khứ được ứ, gọi là bổ huyết một cách gián tiếp.

Lấy ví dụ trong bệnh lý xơ vữa mạch, do có các mảng bám, bám vào lòng mạch làm lòng mạch bị hẹp dẫn đến lượng máu lưu thông bị hạn chế, gây thiếu máu tổ chức. Các cơ quan như tim, não, thận là những tổ chức rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương với tình trạng thiếu máu; hậu quả để lại là vô cùng "khốc liệt". Các thuốc hoạt huyết khứ ứ có tác dụng làm tan các mảng bám xơ vữa đồng thời tăng tưới máu, tăng cường máu đến các cơ quan tổ chức, các thuốc hoạt huyết nhưng có tác dụng như bổ huyết. Trên thực tế lâm sàng các thuốc bổ huyết muốn nhanh đạt được tác dụng thường rất hay phối hợp với các thuốc hoạt huyết, hoặc cũng có một số vị thuốc vừa có tác dụng hoạt huyết vừa bổ huyết. Nhưng không phải tất cả các thuốc hoạt huyết khứ ứ đều có tác dụng bổ huyết gián tiếp như vậy, trong nhóm này xin được giới thiệu 3 vị thuốc đặc trưng nhất.

Hoạt huyết bổ huyết ở trong mạch đại diện là ĐAN SÂM, hoạt huyết bổ huyết ở kinh lạc là KÊ HUYẾT ĐẰNG, hoạt huyết bổ huyết kiêm chỉ huyết là TAM THẤT.

Hoạt huyết, bổ huyết trong mạch - Vị thuốc đan sâm

Cổ nhân có câu "Nhất vị Đan sâm ẩm, công đồng Tứ vật thang", nghĩa là Đan sâm có tác dụng ngang với bài thuốc quý Tứ vật - bài thuốc "bổ huyết điều huyết" kinh điển của y học cổ truyền. Đan sâm được mệnh danh là “huyết bệnh yếu dược” tức thứ dược quan trọng trị các bệnh liên quan đến huyết.

Theo Y học cổ truyền, Đan sâm có vị đắng (khổ) sắc đỏ (đỏ thuộc tâm hỏa), nhập tâm và tâm bào lạc. Đan sâm có tác dụng phá túc huyết (huyết lưu ứ lại), sinh ra huyết mới (ứ khử nhiên hậu tân sinh), dưỡng huyết an thai, trụy tử thai (khứ ứ), điều kinh mạch (phong hàn thấp nhiệt, tích tụ lâu ngày làm tổn thương khí huyết,kinh mạch không điều hòa, gây huyết hư, huyết ứ, khí trệ, đàm trở… kinh mạch điều hòa thì bệnh tự tán).

Chủ trị các chứng hư lao, cốt tiết thống (đau nhức xương khớp), phong tý bất tùy (chân tay mệt mỏi, ngại vận động, không theo chủ ý), trường minh phúc thống (đau bụng, sôi bụng), băng đới trưng hà (trưng là khối không di động, hà là khối trong bụng di động được, lúc tụ lúc tán; đều là huyết bệnh), mục xích (mắt đỏ), sán thống ( chỗ rỗng trong thân thể bị trở ngại, làm cho gân thịt co rút, rồi phát ra đau đớn đều gọi là sán 疝), sang giới, thũng độc.

Đan sâm dưỡng thần định chí, thông lợi huyết mạch; giúp dưỡng huyết, điều huyết, quy thủ thiếu âm, thủ quyết âm kinh giúp công năng của tâm, tâm bào được điều hòa. Vì vậy, Đan sâm là dược vị không thể thiếu trong các phương thuốc trị các chứng bệnh về tâm, về huyết.

Dưới góc nhìn của y học hiện đại, đã có nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng của Đan sâm. Trong Đan sâm, có các hoạt chất có tác dụng sinh học chính gồm: các hợp chất diterpen, trong đó các hợp chất quan trọng là danshensu, tanshinon IIA, cryptotanshinon và acid salvianolic A, B.

Qua nghiên cứu cho thấy, hiệu quả của dịch chiết Đan sâm lên hệ tim mạch (in vitro, in vivo) bao gồm ức chế ngưng tập tiểu cầu, tăng lưu lượng máu, cải thiện chức năng tâm trương (thất trái) ở bệnh nhân tăng huyết áp.Đan sâm cũng làm giảm sự sản xuất fibrin nên có tác dụng giảm sự hình thành cục máu đông và làm tan huyết khối.Thực nghiệm từ chuột, Đan sâmcó tác dụng tăng tỉ lệ sống, kéo dài thời gian sống trong điều kiện thiếu oxy, giúp cải thiện tuần hoàn ngoại vi, chống đông máu, hạ huyết áp, giảm triglicerid máu, giảm thoái hóa mỡ trên giải phẫu bệnh gan. Ngoài ra, Đan sâm còn có tác dụng kháng khuẩn, an thần, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư trên thực nghiệm.

Theo nghiên cứu lâm sàng của một nhóm nghiên cứu từ Nhật Bản và Trung Quốc chứng minh, tác dụnglàm giãn và lưu lượng máu động mạch vành của các hoạt chất danshensu, tanshinon IIA trong vị thuốc Đan sâm. Nghiên cứu đã so sánh tác dụng của Đan sâm với thuốc Isosorbide dinitrat trên 1536 bệnh nhân đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành. Kết quả cho thấy, nhóm bệnh nhân sử dụng Đan sâm giảm đau thắt ngực, chức năng tim đượccải thiện tốt hơn ở 93,4% số bệnh nhân so với 73,8% ở nhóm bệnh nhân dùng Isosorbidedinitrat.

Acid Salvianolic B (SAB) trong Đan sâm được chứng minh có tác dụng ức chế chức năng tiểu cầu, cụ thể là ức chế sự kết dính tiểu cầu với collagen bất động, bằng cách can thiệp với thụ thể collagen α2β1. Trên động vật thực nghiệmSAB, Đan sâm có tác dụng bảo vệ não khỏi tổn thương thiếu máu. Ngoài ra,SAB còn  có một số tác dụng khác trên tim mạch như kích thích các tế bào nội mô sản xuất NO và ức chế sự tạo thành angiotensin II, giúp điều hòa huyết áp và chống nhồi máu cơ tim. Chất này cũng đã được nghiên cứu về tác dụng làm giảm glucose máu, tăng độ nhạy với insulin, giảm cholesterol toàn phần, giảm LDL-cho và tăng HDL-cho trên chuột bị gây đái tháo đường type 2 thực nghiệm. SAB là chất oxy hóa mạnh giúp loại bỏ các gốc tự do có hại, có tác dụng chống viêm và bảo vệ tế bào.

Đan sâm còn được dùng với dạng dịch chiết truyền tĩnh mạch. Phương pháp này, được áp dụng trong nghiên cứu lâm sàng trên những bệnh nhân viêm gan cấp, viêm gan mạn, suy thận, bệnh mạch vành, bệnh lý mạch máu não, xơ cứng bì, ung thư lympho… đều cho những kết quả điều trị tốt.

Hoạt huyết bổ huyết ở kinh lạc - Vị thuốc kê huyết đằng

Về vị thuốc kê huyết đằng, trong sách cổ "Bản thảo cương mục" đã từng ghi chép rằng: vị thuốc có tác dụng hành huyết, bổ huyết, thư cân hoạt lạc. Dùng trong điều trị kinh nguyệt không đều cơ nữ giới, kinh nguyệt không thông, đau bụng kinh, huyết hư huyết thiêú dẫn đến kinh nguyệt ít, thậm chí bế kinh, điều trị xương khớp đau mỏi, tay chân tê bì, đau do phong thấp,… Dù là huyết ứ, huyết hư hay cả huyết ứ kiêm huyết hư thì đều có thể ứng dụng kê huyết đằng trong điều trị.

Kê huyết đằng là một vị thuốc vừa bổ vừa hoạt, bản thân nó đã có cả hai tác dụng này nên đôi khi không cần phối ngũ với các vị thuốc khác mà dùng đơn độc cũng vẫn có hiệu quả. Một số trường hợp có thể dùng vị thuốc kê huyết đằng:

1. Người có huyết hư đồng thời kèm theo huyết ứ đặc biệt phù hợp sử dụng vị thuốc kê huyết đằng. Kê huyết đằng là vị thuốc đi vào huyết phận, vừa có thể bổ huyết vừa có thế thông huyết, đây là tác dụng hai chiều của vị thuốc, không cần lo lắng dùng thuốc bổ huyết mà gây nê trệ ứ trở, cũng không cần lo lắng dùng thuốc hoạt huyết mà gây hao tán chính khí.

2. Người kinh nguyệt không đều, bao gồm kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt lượng ít, kinh nguyệt đến muộn hoặc bế kinh, tắc kinh không thông thì đều phù hợp dùng vị thuốc kê huyết đằng. Kinh nguyệt ở nữ giới vốn là vấn đề của huyết dịch, nếu lượng kinh quá ít, huyết dịch ứ trở thì sử dụng kê huyết đằng vừa hay được cả hai tác dụng cùng một lúc, chính vì vậy kê huyết đằng được đánh giá là giải quyết được đa số các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt. Đối với người kinh nguyệt nhiều không thích hợp dùng, các trường hợp rối loạn kinh nguyệt còn lại đều có thể sử dụng.

3. Người có bệnh lý đau cơ xương khớp do phong thấp

Bản chất việc đau cơ xương khớp là do các yếu tố ngoại tà “phong, hàn, thấp, nhiệt” ứ trệ tại chỗ gây cản trở sự vận hành của khí huyết, kê huyết đằng có tác dụng khai thông khí huyết, lại có thể bổ sung huyết mới, rất có lợi cho việc thúc đẩy khí huyết lưu thông. Kê huyết đằng là vị thuốc có bộ phận dùng từ cành cây, Đông y quan niệm rằng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, các vị thuốc thuộc nhóm cành cây sẽ có tác dụng sẽ có tác dụng khai thông kinh lạc, đả thông ứ trệ tại cân cơ, xương, khớp.

4. Người có triệu chứng tê bì thích hợp dùng kê huyết đằng

Triệu chứng tê bì theo quan điểm của Đông y là do khí huyết không đến được nơi bị bệnh, vậy tại sao lại không đến được? Có thể do khí huyết không đầy đủ, hoặc do bị tắc trở mà không đến được. Kê huyết đằng với công dụng vừa “bổ” vừa “thông”, từ đó cải thiện triệu chứng tê bì. Ngày nay, những người có triệu chứng tê bì ngày một nhiều do yếu tố thoái hoá ngày càng trẻ hoá, tê bì tay, chân do khí huyết lưu thông kém đều có thể sử dụng kê huyết đằng trong điều trị.

5. Kê huyết đằng điều trị táo bón

Trường hợp táo bón do tân dịch và huyết hư tổn dẫn đến đại tiện phân khô có thể ứng dụng kê huyết đằng trong điều trị. Nguyên nhân dẫn đến táo bón có rất nhiều, táo bón do tân dịch và huyết hư tổn cũng là một nguyên nhân thường gặp. Khi tân dịch và huyết dịch trong đại tràng không đầy đủ dẫ đến phân khô kết, ứ lại trong đại tràng, dẫn đến táo bón, giống như hình ảnh “thuyền đi trên dòng sông cạn”. Trường hợp táo bón này cần được bổ sung tân dịch và huyết dịch. Kê huyết đằng bổ huyết, đồng thời chức năng “thông lợi” cũng rất mạnh, “đẩy thuyền trôi nhanh”, nên được ứng dụng trong điều trị táo bón.

Hoạt huyết bổ huyết kiêm chỉ huyết - Vị thuốc TAM THẤT

Tam thất có tên khoa học Panax Notoginseng (Bark) F. H. Chen., họ Nhân sâm (Araliaceae). Tam thất còn có tên khác là "sâm tam thất"; "kim bất hoán" có nghĩa là "vàng không đổi được" có tác dụng tăng lực tốt giống như nhân sâm.

Theo Đông y: Tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm; lợi vào 2 kinh Can và Vị. Có tác dụng cầm máu, hành ứ (tiêu các cục máu đông), dùng trong các trường hợp xuất huyết do máu bị ứ đọng bên trong mạch máu, khiến huyết dịch tràn ra ngoài mạch.

Trên lâm sàng, hiện nay tam thất thường được sử dụng để chữa bệnh thiếu máu; các chứng xuất huyết như ho ra máu, xuất huyết đáy mắt, xuất huyết não, các bệnh huyết mạch như bệnh mạch vành tim, tăng lipid máu, tăng huyết áp, thiên đầu thống (đau nửa đầu)...

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy thành phần trong tam thất chủ yếu là saponin nhóm dammaran hàm lượng cao giống như trong nhân sâm, ngoài ra còn chứa các acid amin, các chất polyactylen, panaxytriol… xúc tiến hấp thụ chất mỡ, thúc đẩy sự hợp thành protein và acid amin trong cơ thể.

Tam thất có tác dụng cầm máu; rút ngắn thời gian đông máu; xúc tiến quá trình tạo máu. Ngoài ra, tam thất còn có tác dụng hạ huyết áp; giúp điều hòa nhịp tim; Chống xơ mỡ động mạch; Tăng lưu lượng máu trong não, chống thiếu máu não; Tăng cường chức năng miễn dịch; Điều hòa đường huyết; Bảo vệ gan; Phòng chống ung thư; Chống lão suy.

Tam thất được ưu tiên dùng cho phụ nữ sau sinh giúp nhanh chóng lấy lại sức khỏe. Tam thất cũng được sử dụng hiệu quả trong các trường hợp bị thương mất máu, trĩ xuất huyết, nôn ra máu, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, băng huyết, đa kinh, sau sốt xuất huyết, sốt rét, hoặc các trường hợp thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt…