Trung Quốc: Đông y tham chiến chống Covid-19; Việt Nam thì sao?

Gửi lúc 14:10' 16/03/2020

Trong cuộc chiến của đội ngũ y bác sĩ tại Vũ Hán với đại dịch Covid-19, đã có những bệnh bình phục hoàn toàn nhờ được điều trị kết hợp giữa Tây y và Trung y. Mặc dù cần thêm các số liệu thống kê nhưng rõ ràng có một thực tế không thể phủ nhận: Y học cổ truyền Trung Quốc (Trung y) được đặt lên tầm ngang ngửa với Tây y trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trung y tham chiến chống Covid-19

Hãng tin Bloomberg dẫn lời tân Chủ nhiệm Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc Wang Hesheng cho biết các bệnh viện ở Vũ Hán đã kết hợp y học cổ truyền Trung Quốc với thuốc Tây để điều trị cho hơn một nửa số bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Hồ Bắc. Vị quan chức này cũng cho biết khoảng 2.200 bác sĩ Đông y đã được điều tới Hồ Bắc để tham gia vào cuộc chiến chống dịch.

Từ ngày 27/1/2020, Cục Quản lý Y học Cổ truyền Trung Quốc với phương châm “khẩn cấp lâm sàng kịp thời hiệu dụng” đã khẩn trương khởi động dự án đặc biệt "Nghiên cứu sàng lọc các đơn thuốc hiệu quả trong y học cổ truyền Trung Quốc để phòng ngừa và điều trị viêm đường hô hấp do nCoV".

Ngày 15/2, theo trang Chinadaily, nhóm 50 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được chuyển sang một bệnh viện dã chiến nơi được điều hành hoàn toàn bởi các bác sĩ Đông y. "Chúng tôi muốn phát huy đầy đủ tác dụng của thuốc Đông y trong điều trị cho bệnh nhân", ông Liu Qingquan, quyền Chủ tịch bệnh viện cho biết.

 

Đã đến lúc Đông y tham chiến trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19

 

Thực hư bài thuốc Trung y chữa Covid-19

Các loại thảo mộc có thể tiêu diệt virus hay không vẫn là chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới khoa học. Virus rất khó tiêu diệt vì nó không sống như một sinh vật độc lập giống như tế bào vi khuẩn. Khi vào cơ thể, nó tiêm mã gene lạ vào tế bào của cơ thể người bệnh và nhân lên nhanh chóng, gây ra các tổn thương cho các bộ phận trong cơ thể con người.  

Bài thuốc Đông y của Bệnh viện Trung y tỉnh Hồ Bắc đã góp phần dập dịch COVID-19 hiện cũng đã gây ra nhiều tranh cãi vì hiệu quả thực tế của nó đối với những người bệnh nhiễm Covid-19.

Bài thuốc gồm: sài hồ 20g, hoàng cầm 10g, toàn qua lâu 10g, binh lang 10g, pháp bán hạ 10g,thảo quả 15g, hậu phác 15g, tri mẫu 10g, bạch thược 10g, trần bì 10g, hổ trượng 10g, đảng sâm 15g, cam thảo 10g.

Bài thuốc phối hợp bởi 13 vị:

Sài hồ: làm chủ dược. Sài hồ vị đắng tính hơi hàn, vào các kinh can, đởm, tâm bào và tam tiêu... Có tác dụng phát biểu hòa lý, giải cơ, sơ thông can khí. Trị chứng ngoại cảm, giải nhiệt, lợi tiểu, phát hãn. Nếu bệnh nhân mắc chứng âm hư hỏa vượng thì không được dùng sài hồ.

Hoàng cầm: Vị đắng tính hàn vào các kinh tâm, phế, đại tràng tiểu tràng can đởm. Có tác dụng thanh hỏa trừ nhiệt. Điều trị các chứng: tả thực hỏa, thanh thấp nhiệt trị chứng cảm mạo, hoàng đản, đau bụng. Người tỳ vị hư hàn không có thấp nhiệt, không có thực hỏa không được dùng.

Bán hạ chế: Vị cay tính ôn vào kinh tỳ, vị. Có tác dụng giáng nghịch, chống nôn mửa, tiêu đờm thấp, thông âm dương khí. Trị chứng ho có đờm, giáng khí nghịch.

Toàn qua lâu: Vị ngọt đắng, tính hàn vào kinh phế vị đại tràng. Có tác dụng tả hỏa, nhuận phế giáng khí, tiêu đờm nhuận táo. Trị các chứng ho nhiều đờm, vị quản bí kết, vú ung nhọt, đại tiện táo bón. Người tỳ vị hư hàn đại tiện lỏng không được dùng.

Thảo quả: Vị cay ngọt tính ấm vào kinh tỳ vị. Có tác dụng táo thấp trừ hàn trục đờm, làm cho tỳ vị mạnh, ấm trung tiêu giải độc. Phối hợp với vị binh lang, thường sơn trị chứng sốt rét, trị chứng đau bụng, giúp tiêu hóa tốt.

Hậu phác: Vị cay đắng tính ôn vào kinh tỳ vị đại tràng. Có tác dụng giáng khí tiêu đờm, tiêu thực, lợi thủy. Trị chứng hoắc loạn kiết lỵ thổ tả, ngoại cảm do phong nhiệt... Người tỳ vị hư yếu, nguyên khí kém, phụ nữ có thai không được dùng.

Tri mẫu: Vị đắng tính hàn vào kinh phế thận vị. Giúp bổ nhận thận thủy, tả hỏa hoạt tràng. Trị chứng âm hư táo hỏa, thanh nhiệt tiêu khát, đại tiện bí kết.Người tỳ hư đại tiện lỏng không được dùng.

Bạch thược: Vị hơi đắng chat chua vào kinh phế tỳ can. Có tác dụng thanh can tư âm, liễm âm khí. Trị chứng nhiệt độc, đau nhức, chứng tả lỵ, cảm mạo hư chứng. Người đau bụng đi tả do trúng hàn không dùng.

Trần bì: Vị đắng cay tính ôn, vào phần khí của tỳ phế. Có tác dụng điều lý ở phần khí, hóa đờm ráo thấp, hành trệ mạnh tỳ vị, trừ đờm phát tán hàn. Trị chứng ho nôn mửa khí nghịch đau tức ngực, tiêu thực chỉ tả, nhiệt tích ở bàng quang. Không có thấp trệ, không có đờm thì không dùng.

Hổ trượng: Rễ cây cốt khí của Việt Nam. Vị đắng bình hơi ôn. Giúp tán ứ khu phong lợi thấp, thông kinh.

Đảng sâm: Vị ngọt tính bình vào kinh phế và tỳ. Có tác dụng bổ phế tỳ, ích khí sinh tân chỉ khát. Trị chứng tỳ hư ăn không tiêu, bụng trướng đầy, tay chân mỏi mệt hư lao, ho (có thể thay bằng sâm bố chính).

Cam thảo: Vị ngọt tính bình vào cả 12 kinh lạc. Giúp bổ tỳ, nhuận phế ích tinh điều hòa các vị thuốc trong bài. Dùng sống thanh nhiệt, giải độc tiêu khát, trị ho viêm họng.

Tổng bài thuốc có tác dụng: thanh nhiệt giải độc, hóa thấp, tán ứ hòa giải tam tiêu, tăng cường can đởm, làm  mạnh tỳ vị, giáng khí. Trị các chứng sốt cao ho nhiều đờm, đau tức ngực khó thở, nôn mửa, ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi...

Theo TTND. BS. NGuyễn Xuân Hướng (Nguyên Chủ tịch Trung ương hội Đông y Việt nam): Trong bài nhiều vị thuốc có vị đắng. Theo Đông y vị đắng phần nhiều là kháng sinh diệt khuẩn, vị cay có tác dụng giải hàn độc. Theo tài liệu đây là bài thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19. Tuy nhiên, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thuộc xứ hàn đới, người Trung Quốc có cơ địa khác người Việt Nam. Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nên với khí hậu thổ nhưỡng và cơ địa của người Việt Nam bài thuốc có phát huy được hiệu quả hay không thì còn cần nghiên cứu thêm.

 Đông y Việt Nam đã sẵn sàng “tham chiến”?

Theo một thống kê của WHO và Viện Y học cổ truyền Việt Nam, nhân lực y học cổ truyền hiện chỉ chiếm 3,63% nhân lực toàn ngành y tế, cả nước đã có khoảng gần 60 bệnh viện y học cổ truyền, hầu hết các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh có khoa hoặc tổ y học cổ truyền bên cạnh khoảng 10.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân.

Tuy nhiên trên thực tế, Đông y Việt Nam vẫn bị đánh giá phát triển theo chiều rộng nhiều hơn là chiều sâu. 2 nền y học cổ truyền và y học hiện đại vẫn cùng nhau tiến song song theo kiểu “đường ai nấy đi” chứ chưa thể gặp nhau, chưa thể tìm ra một tiếng nói chung để xây dựng một nền y học phục vụ cho nhân dân.

Đặt trong thời điểm hiện nay khi đại dịch Covid-19 hoành hành thì câu hỏi lớn nhất chính là "Tại sao các bác sĩ Đông y có thể im lặng trong khi bác sĩ Tây y đang ngày đêm chiến đấu với dịch?"

Tinh hoa của Đông y Việt Nam vẫn còn đó. Có lẽ đã đến lúc cần một cơ chế mạnh mẽ và công bằng, một sự hợp tác từ các phòng mạch gia truyền cho đến các bệnh viện y học cổ truyền trung ương, và cả sự tin tưởng từ người bệnh. Đông y Việt Nam đã chăm sóc sức khỏe cho tổ tiên chúng ta cả ngàn năm sẽ không hề "lép vế" nếu so với Tây y mới trăm năm nay. Đã đến lúc Đông y và Tây y cần chung tay, đoàn kết để đẩy lùi đại dịch. Việt Nam sẽ không thua trong cuộc chiến này.

Hải Yến