Ngành Y tế Việt Nam 2016: Vận hội mới cho những tiếp nối bền vững!

Gửi lúc 14:42' 08/01/2016

Từ những thành tựu to lớn ngành y tế đã đạt được trong năm qua, chúng ta có thể kỳ vọng vào những sự phát triển to lớn hơn và bền vững hơn.

 

Những thành tựu

Ngày 20/7/2015, các y bác sĩ BV. Chợ Rẫy (TP.HCM) tiến hành lấy khối tim phổi của một bệnh nhân hiến tặng chết não chuyển khẩn cấp ra bệnh viện Trung ương Huế ghép cho một người khác. Dù bệnh nhân qua đời 5 ngày sau đó, nhưng đây sẽ là cột mốc đáng nhớ vì lần đầu tiên tại Việt Nam khối tim phổi hiến tặng của người cho được mang ghép cho người nhận cách xa cả ngàn cây số.

Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có một người hiến đa tạng và mô sau khi chết não. Ngoài khối tim phổi được tặng cho bệnh nhân tại Huế, các mô tạng người hiến còn được ghép cho một bệnh nhân ung thư gan, hai người suy thận mạn giai đoạn cuối và giác mạc thì được bảo quản để ghép cho hai người nghèo.

Hai tháng sau, ngoạn mục hơn nữa khi khối tim, gan hiến tặng vượt một quảng đường xa hơn từ BV. Chợ Rẫy (TP.HCM) ra tận Việt Đức (Hà Nội) để ghép cho người nhận. Đó cũng là trường hợp người chết não hiến nhiều tạng để mang lại cuộc sống cho nhiều người.

 

Ngành Y tế Việt Nam đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ

trong cả chuyên môn lẫn chất lượng và thái độ phục vụ

 

Những chuyện này có thể là bình thường và bắt gặp ở nhiều quốc gia khác, nhưng tại nước ta nó lại mở ra một chương mới trong lịch sử ghép tạng khi các thầy thuốc tài hoa đang làm chủ được những kỹ thuật phức tạp hơn, từ đó mang lại hy vọng cho nhiều người chờ ghép. Hai ca ghép trên cũng chứng tỏ phong trào hiến tặng mô tạng đang đi vào chiều sâu bởi trước đây nếu hơn 90% ca ghép thực hiện nhờ người thân bệnh nhân thì nay mô tạng hiến còn được huy động từ người cho chết não. Rồi đây, câu chuyện một người ra đi mang lại sự sống cho nhiều người sẽ không còn là cá biệt!

Năm 2016 cũng trông đợi một bước phát triển bền vững mới của hoạt động bác sĩ gia đình khi Bộ Y tế sẽ triển khai và nhân rộng mô hình này trên toàn quốc. Sau nhiều năm mày mò thử nghiệm, đến nay có thể nói mô hình đã hoàn thiện được hơn 60% hình hài. Ở một số địa phương như Q. 2 - TP.HCM, phòng khám bác sĩ gia đình mang lại sự tin tưởng rất lớn của người dân bằng các lợi ích như đối tượng được theo dõi trong một quá trình lâu dài, được tư vấn sát với thực tế tình hình sức khỏe, hướng dẫn chuyển tuyến phù hợp, cập nhật liên tục diễn biến sức khỏe, bệnh tật, phát hiện sớm bệnh lý và can thiệp kịp thời, giảm biến chứng và giảm chi phí khám chữa bệnh.

Từ kinh nghiệm học hỏi được về mô hình bác sĩ gia đình ở các quốc gia phù hợp, thời gian tới Bộ Y tế sẽ nhân rộng mô hình này với một số chính sách kèm theo nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bao gồm cả dự phòng và điều trị một cách gần dân và hiệu quả nhất. Mô hình không chỉ giúp chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn mà còn được trông chờ giúp giảm tải bệnh viện.

Liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện, tiến trình cải tiến chất lượng dịch vụ y tế Việt Nam đang được hưởng ứng và triển khai một cách sôi nổi. Quan sát trên các diễn đàn chuyên môn và trải nghiệm thực tế, người ta có thể nhận thấy cán bộ và nhân viên y tế đang dần dần nhận thức được sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng đến mục tiêu đem lại sự an toàn và hài lòng cho khách hàng (người bệnh và thân nhân bệnh nhân). Cơ sở bền vững để đạt được mục tiêu này là việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được triển khai trên cả nước trong năm 2016.

Thêm những kỳ vọng

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này cũng trông chờ tạo ra một “cú hích” mạnh mẽ thúc đẩy các bệnh viện chuyển mình. Nhân viên y tế buộc phải thay đổi thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và xem bệnh nhân là một khách hàng thật sự cần phục vụ. Khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ, bệnh viện sẽ có thêm nguồn thu để trả lương, phụ cấp cho nhân viên, có tài chính để mua sắm trang thiết bị và triển khai các kỹ thuật mới, tiên tiến, mang lại nhiều tiện ích cho bệnh nhân, đồng thời giúp giảm tải từ xa một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, một trong những lợi ích sâu xa của điều chỉnh giá dịch vụ y tế là thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm y tế. Cho đến nay, 30% dân số nước ta chưa tham gia bảo hiểm y tế. Thế nhưng với tác động của việc điều chỉnh giá lần này - theo lộ trình đến năm 2020 giá dịch vụ y tế sẽ được tính đúng, tính đủ hoàn toàn - để không phải chịu nặng gánh chi trả thêm, giảm chi từ tiền túi, người dân sẽ tích cực tham gia bảo hiểm y tế nhiều hơn, qua đó tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần tạo ra một hệ thống chăm sóc y tế căn cơ, hiệu quả và bền vững.

Còn những kỳ vọng nào nữa cho ngành Y tế Việt Nam trong năm 2016? Đó là kỳ vọng về những thành tựu mới của y học trong nước khi các thầy thuốc ngày càng làm chủ được những kỹ thuật điều tri hiện đại. Tháng 11/2015, lần đầu tiên tại Việt Nam, BV. Trung ương Huế  áp dụng kỹ thuật xạ phẫu trong điều trị ung thư. Trước đó vào tháng 4/2015, BV. Vinmec Hà Nội lần đầu tiên áp dụng việc ghép tế bào gốc để điều trị cho bệnh nhân xơ gan. Ở các bệnh viện tại TP.HCM như: Đại học Y Dược, Đa khoa Vạn Hạnh, tế bào gốc cũng được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp, tắc nghẽn phổi mạn tính.

Một kỳ vọng cũng đáng quan tâm là công tác phòng chống dịch bệnh Việt Nam gặt hái được những hiệu quả tốt hơn bằng những chuyển mình mới về truyền thông. Tháng 11/2015, lần đầu tiên tại Việt Nam, Viện Pasteur TP.HCM tổ chức tập huấn truyền thông nguy cơ dịch bệnh cho các cán bộ y tế dự phòng tại các tỉnh phía Nam. Khi ngành Y tế biết truyền thông dịch bệnh một cách bài bản và đi trước một bước, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân được nâng cao, góp phần khống chế và ngăn ngừa dịch bệnh.